|
Niềm vui của ngư dân khi thoát nạn về nhà. |
Tàu QNG 92095 TS của ông Võ Duy Hổ, có 10 ngư dân xã Nghĩa An xuất bến ra Hoàng Sa đánh cá. Ngày 27-11, vừa ra đến nơi thì tàu bị chết máy. Ngư dân Nguyễn Vàng nhớ lại: “Chui xuống hầm tàu quay cái bánh trớn thấy cứng ngắc, em hô to với anh em: Tiêu rồi, nước qua nhớt”.
“Đi cứu đồng đội thôi”
Dưới khoang máy đang bị nước rỉ vào. Theo kinh nghiệm, nếu nước làm mát lọt vào máy do lỗ thủng bồn dưới thì dùng xi măng trộn với xà phòng cục trám đỡ rồi vào bờ sửa. Nhưng, máy đã bị tràn nhớt trong khoang giữa, mọi nỗ lực của 10 ngư dân suốt một ngày một đêm đều vô vọng. Tai họa kèm theo: Máy Icom bị hỏng. Tàu gần như bặt tin tức với các tàu thuyền khác và đất liền.
Theo quy định của nhóm, mỗi chiếc tàu trong nhóm sẽ phải hỗ trợ khoảng 3 triệu đồng để bù bớt tổn phí. Nhưng, thiệt hại 2 tàu hơn 200 triệu đồng, nếu nhà nước hỗ trợ thêm, anh em chúng tôi đỡ bớt phần nào.
Ông Nguyễn Đức
“A lô, 95, 95” – Thuyền trưởng tàu QNG 22899 TS – ông Nguyễn Đức nhớ lại: “Cả ngày anh em tôi lên máy gọi, nhưng không thấy tăm hơi gì hết”. Tàu của ông Đức nối sóng với hàng trăm tàu đánh cá của các ngư dân đang đánh cá ở vùng biển Trung Sa và Hoàng Sa để tìm chiếc tàu mất tích. May thay, một chiếc tàu Bình Định báo tin: Có chiếc tàu Quảng Ngãi mang số 95 đang bị trôi ngoài Trung Sa…
Mừng vì đã dò tìm ra tàu bị nạn, mặc dù mới ra khơi, đánh cá được 3 ngày, nhưng ông Đức ra lệnh: “Tìm ra rồi, đi cứu đồng đội mình thôi”. Miệng nói, tay nhấn mạnh ga cho con tàu trườn nhanh về phía trước. Biển động cấp 6 nên mất gần một ngày, tàu của ông Đức mới tìm được tàu bị nạn.
Ngư dân Lê Được trên tàu bị nạn kể lại: “Anh em reo hò như sống lại. Máy tàu chết, biển thì động, máy bơm nước không hoạt động, anh em gần như kiệt sức vì phải tát nước tràn vào khoang máy vừa ăn mì tôm sống cầm cự”.
Bấm vào định vị, ông Đức nhẩm tính, mình đã vượt qua hơn 50 hải lý đến tàu bị nạn. Và quãng đường về nhà còn 360 hải lý.
Tình người trên biển
Thời tiết ngày càng xấu nên hai tàu quyết định không thể nán lại thêm. Dù đã dùng dây kéo loại phi 28 của Thái Lan, thế nhưng, sóng gió phủ kín hai con tàu, chiếc dây liên tục đứt tung. Ngư dân Đặng Văn Thương: “Lúc 1 giờ sáng, tàu bị đứt dây. Đèn đuốc không có, anh em hai tàu hò hét khản tiếng và mò mẫm trong sóng gió, mưa lạnh để tìm cách nối dây. Nối dây ban đêm rất nguy hiểm, chỉ cần 2 tàu ập vào là có thể kéo nhau chìm như chơi”.
5 ngày, 5 đêm, đó là quãng đường xa vạn dặm. Tốc độ kéo vào trung bình từ 3 – 3,5 hải lý/giờ. Ông Hổ cho biết: “Tàu bị nạn công suất 165CV, trong khi tàu kéo vô thì công suất có 90CV. Trong điều kiện sóng gió như thế thì một chuyến kéo vào cũng bằng 2 năm làm. Vì vỏ tàu của ông Đức sẽ bị rạn và yếu đi vì đã hoạt động quá tải. Đó là chưa kể máy móc sẽ nhanh mòn và bị già”.
Tất cả các ngư dân đều biết rõ chuyện này. Thế nhưng, ông Đức chỉ nói vỏn vẹn một câu bằng cái lý của dân biển: “Nay họ, mai mình, đồng đội không giúp, sau này ai giúp mình nếu bị nạn”.
Chi phí gần 2.000 lít dầu, dầu hành trình từ ngoài khơi vào đất liền. Chi phí lai dắt thì sẽ hỗ trợ bao nhiêu? Thuyền trưởng Nguyễn Đức tâm tình: “Nhóm liên kết đánh bắt của tôi có 14 tàu, hơn 200 ngư dân. Anh em trong nhóm giao kèo bằng biên bản: Nếu tàu nào gần tàu bị nạn nhất thì tới dắt. Nếu phát hiện luồng cá thì thông báo anh em đến đánh…”.
Xã Nghĩa An có 30 tổ liên kết đánh bắt. Các ngư dân trong nhóm thường dùng cụm từ: Đồng đội. Và tình đồng đội đã giúp các ngư dân vượt qua nhiều hoạn nạn suốt nhiều năm qua.
Lê Văn Chương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.