Vượt khó khăn về giá, dịch bệnh: Nông nghiệp duy trì đà tăng trưởng

Khương Lực Thứ ba, ngày 17/12/2019 16:18 PM (GMT+7)
Năm 2019 đang khép lại dự tính mức tăng trưởng GDP ngành NNPTNT đạt khoảng 2,2%; xuất khẩu đạt kỷ lục với kim ngạch 41,3 tỷ USD.
Bình luận 0

Linh hoạt ứng phó

Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp, 2019 là một năm cực kỳ khó khăn và rất nhiều thách thức đối với ngành nông nghiệp. Bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp và bùng phát ở 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đã gây ảnh hưởng nặng nề với hơn 5,9 triệu con lợn bị tiêu hủy, sản lượng thịt lợn giảm gần 9%. Đây là một thiệt hại rất lớn. Nhưng với sự quan tâm đặc biệt, trực tiếp Bộ trưởng, Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực đã chỉ đạo rất cụ thể và sát sao thực hiện đồng bộ các giải pháp để khống chế dịch bệnh nguy hiểm này, đồng thời hỗ trợ, bảo vệ nghiêm ngặt đàn giống hạt nhân để tái đàn. Bệnh dịch đang có xu hướng giảm trong những tháng cuối năm, góp phần kiểm soát dịch bệnh và duy trì chăn nuôi, tái đàn lợn đảm bảo an toàn sinh học.

Trong năm, Bộ đã quyết liệt thực hiện các giải pháp điều chỉnh cơ cấu sản xuất thích ứng, linh hoạt với tình hình để thúc đẩy tăng trưởng các ngành hàng còn dư địa tăng trưởng tốt như: Tăng sản lượng rau, cây ăn quả; tăng sản lượng gia cầm, gia súc lớn, trứng gia cầm để đáp ứng thực phẩm thay thế thịt lợn; tăng sản lượng thủy sản nuôi trồng, đặc biệt là tôm nước lợ và cá tra. Nhờ vậy, sản lượng các sản phẩm chăn nuôi khác đều tăng mạnh, như thịt gia cầm đạt 1,3 triệu tấn, tăng 15% (tăng 145.000 tấn), trứng gia cầm tăng 12% (tăng 1,4 tỷ quả)...

img

Dây chuyền chế biến thịt mát MEAT Deli.   (ảnh: Khương Lực)

Để nâng cao hiệu quả và giá trị cho các mặt hàng nông sản, lãnh đạo Bộ và các địa phương luôn quan tâm, thúc đẩy xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất với các doanh nghiệp trong chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn cả nước đã triển khai xây dựng và phát triển mô hình chuỗi với 1.484 chuỗi (tăng 388 chuỗi so với năm 2018), 2.374 sản phẩm (tăng 948 sản phẩm) và 3.267 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi nông sản an toàn thực phẩm theo chuỗi (tăng 93 địa điểm).

Đồng thời, Bộ cùng các địa phương, doanh nghiệp đang tiến hành xây dựng các chuỗi liên kết một số sản phẩm chủ lực như: Chuỗi liên kết cá tra ba cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL; chuỗi liên kết ngành hàng lâm sản chủ lực; chuỗi liên kết ngành hàng lúa gạo của 10.000 hộ trồng lúa ở vùng ĐBSCL.

Xuất khẩu lập đỉnh mới

Trong năm 2019, thị trường nhiều mặt hàng nông sản không ổn định, có xu hướng giảm giá mạnh từ 10 - 15% và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nước lớn, nhất là đối với một số mặt hàng nông sản chủ lực xuất khẩu. Thêm vào đó khó khăn về thị trường xuất khẩu, nhất là những quy định mới khắt khe hơn, quy củ hơn của thị trường Trung Quốc. 

Năm 2019, có 17 dự án chế biến sản phẩm nông nghiệp với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng được khởi công, khánh thành, đi vào hoạt động, giúp nâng cao chất lượng, mẫu mã và đa dạng các mặt hàng nông sản, lâm, thủy sản.

Chính vì thế, Bộ đã tích cực đàm phán để có thêm các loại quả tươi có giá trị cao xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường Mỹ, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc...; đồng thời, thúc đẩy xuất khẩu thịt gà chế biến đi Nhật Bản; xuất khẩu lợn sữa vào Malaysia, Hongkong; xuất khẩu mật ong đi EU, Mỹ. Việt Nam đã xuất lô sữa đầu tiên đi Trung Quốc trong tháng 10/2019; hoàn thành đàm phán với cơ quan có thẩm quyền của Hongkong (Trung Quốc) để xuất khẩu thịt lợn mảnh đông lạnh, thịt gà chế biến và tổ yến.

Mới đây, Mỹ đã chính thức công nhận Việt Nam tương đương về kiểm soát an toàn thực phẩm với cá tra, mở ra triển vọng lớn để các doanh nghiệp tiếp tục xuất khẩu vào Mỹ. Trung Quốc đã chấp thuận nhập khẩu 48 loài thủy sản sống và 128 loại sản phẩm thủy sản sơ chế, chế biến từ Việt Nam. Với lĩnh vực lâm nghiệp, việc triển khai thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT và tham gia các hiệp định thương mại tự do đã mang lại nhiều cơ hội cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ…

Nhờ tích cực khai mở thị trường xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2019 dự kiến đạt 41,3 tỷ USD (riêng lĩnh vực lâm nghiệp đạt trên 11 tỷ USD, vượt mục tiêu đề ra), tăng 3,2% so với với năm 2018. Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 9,9 tỷ USD, cao hơn 1,12 tỷ USD so với năm 2018. Tiếp tục duy trì 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; cà phê; hạt điều).

Theo dự tính, tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt khoảng 2,2% (trong đó thủy sản tăng cao 6,12%, lâm nghiệp tăng khá 3,98%). Đến hết năm 2019, cả nước có trên 4.800 xã (54%) đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân cả nước đạt 15,66 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 5 tiêu chí, hoàn thành trước 1,5 năm và vượt mục tiêu 10 năm (2010 - 2020). Có 112/664 đơn vị cấp huyện (16,86%) của 41 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đạt chuẩn nông thôn mới. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem