Nhiều nông sản "tỷ đô" giảm giá, tăng trưởng nông nghiệp bị đe doạ

Khánh Nguyên Thứ tư, ngày 07/08/2019 19:33 PM (GMT+7)
Từ đầu năm đến nay, giá xuất khẩu nhiều loại nông sản “tỷ đô” giảm sâu, thậm chí có mặt hàng giảm tới hơn 25% so với cùng kỳ năm trước khiến mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp năm 2019 bị đe dọa.
Bình luận 0

Gạo, tiêu, điều, cà phê “rủ nhau” giảm giá

Theo báo cáo mới nhất của Bộ NNPTNT, 7 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 23,03 tỷ USD, tăng 2,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm nông sản chính có giá trị xuất khẩu ước đạt 10,84 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước.

img

  Chế biến xoài xuất khẩu tại Công ty Long Uyên (Tiền Giang).  Ảnh:  T. L

Hàng nông sản hiện nay vẫn chủ yếu là hàng xuất khẩu dưới dạng thô hoặc sơ chế đơn giản. Công nghệ chế biến sau thu hoạch của Việt Nam còn kém, sản phẩm chế biến rất hạn chế.

Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm nông sản xuất khẩu không có thương hiệu, khó cạnh tranh. Điều này thể hiện rõ nhất ở các ngành hàng như cà phê, hồ tiêu.

Trong nhóm các nông sản chính có 5 sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD gồm: Cà phê đạt 1,8 tỷ USD, cao su đạt 1,1 tỷ USD, gạo đạt 1,73 tỷ USD, hạt điều đạt gần 1,8 tỷ USD, rau quả đạt 2,3 tỷ USD. Tuy nhiên, do những khó khăn về mặt thị trường, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực giảm giá mạnh trong khi sản lượng xuất khẩu vẫn tăng.

Đơn cử như mặt hàng gạo, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 7/2019 ước đạt 651.000 tấn với giá trị đạt 285 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm 2019 ước đạt 4,01 triệu tấn và 1,73 tỷ USD, tăng 2,1% về khối lượng nhưng giảm 14,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2019 đạt 431 USD/tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2018.

Giá xuất khẩu cà phê cũng giảm tới 11,6% so với cùng kỳ năm 2018. Cụ thể, xuất khẩu cà phê tháng 7/2019 ước đạt 157.000 tấn với giá trị đạt 253 triệu USD, lũy kế xuất khẩu cà phê 7 tháng đầu năm 2019 ước đạt 1,08 triệu tấn và 1,82 tỷ USD, giảm 8,2% về khối lượng và giảm 19,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 1.706 USD/tấn.

Trong khi đó, giá xuất khẩu điều nhân còn giảm tới 21,7% so với cùng kỳ. Trong tháng 7/2019, khối lượng điều nhân Việt Nam xuất khẩu ước đạt 39.000 tấn với giá trị 294 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu hạt điều 7 tháng đầu năm 2019 ước đạt 235.000 tấn và 1,8 tỷ USD, tăng 13,3% về khối lượng nhưng giảm 10% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2019 đạt 7.612 USD/tấn.

Mặt hàng hồ tiêu mức độ giảm giá còn khốc liệt hơn. Khối lượng tiêu xuất khẩu 7 tháng đầu năm ước đạt 201.000 tấn, tương đương 514 triệu USD, tăng 32,5% về lượng, nhưng lại giảm 0,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm chỉ đạt 2.557USD/tấn, giảm tới 25,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Thúc chế biến sâu, xây dựng thương hiệu

Nhìn nhận về câu chuyện khó khăn trong xuất khẩu nông sản thời gian qua, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường phân tích, nguyên nhân thứ nhất là bởi tăng trưởng của bức tranh kinh tế toàn cầu có xu hướng chậm lại, ảnh hưởng đến cầu của các loại nông sản. Ngoài ra, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã tạo ra những biến động ở 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, gây ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu nông sản.

Còn theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, thời gian qua, vì mở rộng diện tích, nhóm nông sản chính trong ngành trồng trọt đang tăng mạnh về sản lượng, trong khi đó chất lượng chưa được cải thiện. Xuất khẩu sang các thị trường ngày càng khó cạnh tranh, dẫn đến giá xuất khẩu luôn luôn thấp.

Từ góc độ ngành hàng, ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam bày tỏ quan điểm, hiện nay, hồ tiêu chủ yếu xuất khẩu thô, tỷ lệ tiêu trắng, tiêu nghiền quá thấp so với nguyên liệu xuất thô.

Theo ông Hải, để gia tăng tính cạnh tranh và phát triển bền vững, thời gian tới, ngành công nghiệp chế biến hồ tiêu phải hướng tới tạo ra sản phẩm mang tính chế biến sâu, tạo giá trị gia tăng, giúp giá tiêu cao hơn. Đây cũng là hướng đi khả quan cho nhiều ngành hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Theo ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình (Thai Binh Seed), về lâu dài, muốn đảm bảo cho sự phát triển bền vững của nông sản Việt trong bối cảnh kinh tế hội nhập sâu rộng hiện nay, cần thay đổi công nghệ sản xuất nông nghiệp. Hệ thống chế biến, bảo quản nông sản phải đồng bộ để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm ngặt.

Bên cạnh đó, cần chú trọng liên kết doanh nghiệp với doanh nghiệp, bên cạnh “liên kết 4 nhà”, từ đó thúc đẩy chuyên môn hóa, hợp tác hóa, tạo thành chuỗi dây chuyền sản xuất và xuất khẩu, tăng cường lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem