Xả lũ bất chấp hậu quả!

Thứ tư, ngày 20/11/2013 10:22 AM (GMT+7)
Đến ngày 19.11, theo thống kê, đã có 41 người dân miền Trung tử vong, 5 người mất tích... cùng 425.573 nhà dân bị ngập do mưa lũ từ ngày 15 - 17.11 gây ra.
Bình luận 0
“Tất cả những thiệt hại này có liên can đến việc thủy điện xả lũ gây lũ chồng lũ” - ông Lê Trí Tập, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, khẳng định.

Ông Lê Trí Tập nói rằng, thủy điện được xây dựng với 2 mục đích là phát điện và chống hạn hán, lũ lụt. Nhưng hầu như các thủy điện ở miền Trung nói chung và Quảng Nam nói riêng đều không đáp ứng được đủ 2 tiêu chí này. Hiện thủy điện chỉ vì mục đích duy nhất là phát điện lấy tiền, không tính đến hậu quả để lại cho người dân.
Thủy điện Đắk Mi 4 (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) xả lũ với lưu lượng 2.744 m³/s nhưng báo cáo xả từ 1.000 đến 1.800m³/s. (Ảnh: SGGP)
Thủy điện Đắk Mi 4 (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) xả lũ với lưu lượng 2.744 m³/s nhưng báo cáo xả từ 1.000 đến 1.800m³/s. (Nguồn ảnh: SGGP)

Cụ thể, từ ngày 15 - 17.11, mưa kết hợp với việc các Thủy điện Sông Tranh 2, Đăk Mi 4, Sông Bung 4A, A Vương đồng loạt xả lũ đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân ở Quảng Nam. Lũ lớn đã làm ngập 80% nhà dân, buộc huyện phải sơ tán gần 12.000 người. “Tuy nhiên, khi trả lời báo chí ngày 18.11, ông Đỗ Quang Vinh - Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) lại cho rằng, những thiệt hại này không phải do thủy điện bởi thủy điện không có khả năng tăng lũ. Nói vậy là vô trách nhiệm với dân” - ông Tập nói.

Ông Tập cho rằng, trong thập niên 90 ở huyện Phú Ninh (Quảng Nam) đã có những trận mưa liên tục lên đến cả ngàn milimet, tuy nhiên ở hạ du người dân cũng không phải chìm trong lũ như thế này. “Ngày trước, nếu có lũ ở thượng nguồn thì phải 15 tiếng đồng hồ mới về tới hạ du. Nhưng nay đã rút ngắn xuống còn 7-8 tiếng. Không phải là do các ông thủy điện tích một khối nước khổng lồ ở thượng nguồn, khi mưa lớn lũ xuất hiện, các ông sợ vỡ đập nên phải xả nước xuống hay sao? Vậy làm sao dân không chết chìm được chứ" - ông Tập bức xúc.

Ông Tập nói tiếp: “Ông Vinh bảo thủy điện như cái cốc, chưa đầy thì nó sẽ giữ được một ít, nếu đầy rồi thì nó sẽ tràn xuống. Vậy chống lũ ở đâu? Nếu thủy điện làm đúng thì khi xây đập phải có khoảng dự phòng. Ví dụ muốn xây hồ chứa phát điện từ 250 triệu m3 nước thì phải xây thêm 100 triệu m3 dự phòng nữa. Để khi mùa lũ về nước trong hồ chứa đầy 250 triệu m3 rồi thì vẫn tích thêm được 100 triệu m3 nước nữa để chống lũ cho hạ du. Rồi đến cuối tháng 9 hàng năm là phải xả nước để phòng lũ. Nhưng các thủy điện hiện nay đều tích nước đầy tràn cả năm để phát điện”.
Đình Thiên (Đình Thiên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem