Xạ thủ hoàn lương bảo vệ voọc Sách đỏ

Thứ năm, ngày 04/08/2011 13:12 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bảo vệ voọc là một "cuộc chiến" vô cùng khó khăn, gian khổ của những cán bộ kiểm lâm và người dân có tâm huyết.
Bình luận 0

Voọc mũi hếch là một trong 25 loài linh trưởng đặc biệt quý hiếm, nằm trong "Sách đỏ" thế giới hiện chỉ duy nhất có ở Khau Ca, thuộc Vị Xuyên, Bắc Mê, Hà Giang (Việt Nam).

Nỗi ám ảnh của “xạ thủ”

Theo chân anh Đán Văn Viết - Trưởng Công an xã Tùng Bá, chúng tôi tìm đến “xạ thủ” Đán Văn Khoan. Nhà “xạ thủ” cách UBND xã không xa, hôm chúng tôi đến, đứa con gái “xạ thủ” bảo bố đang đi tuần tra bảo vệ voọc trên núi.

Ngồi chờ gần 2 hai giờ đồng hồ, khi bóng chiều đã gần bao phủ, mới thấy gã lừng lững đi về. Gặp chúng tôi, gã hồ hởi: "Nếu biết các anh đến, tôi nhặt ít ốc đá về uống rượu. Hôm nay lại xuất hiện thêm một chú voọc non nữa, trông nó dễ thương lắm!".

Gã giới thiệu tên là Đán Văn Khoan, thôn Hồng Tiến, xã Tùng Bá và 3 năm nay là thành viên đội Kiểm lâm tuần bảo vệ voọc ở Khau Ca. Khoan bảo, mình làm cái việc bảo vệ voọc này là vì tình yêu đối với voọc và cũng như một sự "trả nợ" với voọc, với núi rừng Khau Ca, chứ không phải vì tiền.

img
Voọc mũi hếch ở Khau Ca thường sống trên núi cao, cây cao.

Khoan cho biết, năm 12 tuổi, mình đã biết đi săn. Khoan bảo, trước kia voọc nhiều vô kể, có khi hàng vài trăm con, voọc xuống cả vườn dân để hái trộm bí, ngô. Ngày đó chưa có phong trào ngâm rượu, nấu cao voọc, khỉ như bây giờ, mà học bắn chủ yếu là lấy thịt, lấy mật...

"Nhưng phải nói thịt voọc không được ngon lắm, nhiều khi bắn voọc chỉ vì chúng hay xuống phá mùa màng. Bên cạnh đó, loại voọc rất tinh, nhanh, bắt được voọc cũng là một chiến tích của làng săn, nên cứ vậy đua nhau hạ voọc để lấy "chém gió" với nhau" - Khoan cho hay.

Theo Khoan, thợ săn bắn voọc để lấy mật vì có thể chữa được nhiều bệnh về xương khớp. Cũng có người lấy xương nấu cao, nhưng nhiều khi ngại chẳng ai muốn làm, cứ róc thịt ăn hết, xương đổ. Khoan chỉ tay về phía bụi chuối cạnh bếp bảo, đó là nơi đổ xương voọc, phần vì phân hủy, phần vì chó tha đi chứ không thì còn cả thúng.

Khoan hồi nhớ lại: "Con voọc tôi hạ đầu tiên là bằng súng kíp, năm 1988 nặng gần 30kg. Khi đó, nó đang ngồi trên cây cao canh cho cả đàn ăn thì bị dính đạn rụng". Tôi hỏi, mỗi khi bóp cò hạ voọc, anh có nghĩ gì không, Khoan thật thà: "Thì còn nghĩ gì, cứ nhằm con to mà bắn thôi. Năm 1992, tôi bắn 1 phát rụng 2 con, 1 con đực và 1 con cái. Con cái đang địu con, con voọc bé cứ ôm chặt lấy mẹ, khi rơi xuống, nó đập đầu vào đá chết. Tính ra tôi đã hạ khoảng 20 con voọc, còn tính cả đội săn thì khoảng 62 con".

Nói đến đây bỗng da mặt Khoan chùng xuống. Rít điếu thuốc lào, Khoan kể tiếp: "Đến giờ tôi vẫn ám ảnh mãi. Hôm đó (năm 1996), tôi bắn rụng con voọc cái, lúc buộc đòn khênh về mắt nó vẫn còn mở cứ trừng trừng nhìn tôi, về mổ ra thấy 4 con non, họ xin về ngâm rượu hết. Hôm sau, tôi ốm vật mấy ngày liền. Sự ám ảnh này đã khiến tôi quyết định gác súng, quay lại bảo vệ voọc như sự trả nợ cho rừng".

Xạ thủ hoàn lương...

Năm 2002, được sự giúp đỡ của Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã quốc tế (FFI), UBND tỉnh Hà Giang đã thành lập KBT Khau Ca. Để bảo vệ voọc BQL Khau Ca đã khoanh vùng, thành lập đội tuần tra, đồng thời "chiêu mộ" hai xạ thủ về làm bảo vệ… Ngày nhận nhiệm vụ, gã chịu nhiều áp lực lắm, nhiều người xì xào bảo: "Giao trứng cho ác". Khoan buồn lắm, nhưng đành để trong bụng, rồi lao vào công việc.

img
Anh Đán Văn Khoan (phải) kể với tác giả những lần đi săn voọc .

Và bạn anh, xạ thủ Đán Văn Hùng luôn là người đồng hành cùng Khoan. Ngày nào cũng thế 2 người bắt đầu lên rừng từ tờ mờ sáng và chập choạng tối mới về, có lần còn ngủ rừng cùng voọc. Để tiện cho quá trình tuần tra, sau nhiều lần nghiên cứu địa hình, quy luật hoạt động của quần thể voọc, Đội tuần tra đã lập thành "vành đai nóng".

Tháng trước tôi may mắn gặp cả "đại gia đình" voọc, khi chúng di chuyển qua một vách đá, tôi phải nằm sát vào vách đá, nín thở đếm được tất cả 92 con, trong đó có 6 cá thể voọc con khoảng vài tháng tuổi.

"Vành đai nóng" là tuyến đường bao quanh khu voọc hay xuất hiện, được đánh dấu bằng sơn tại các vị trí voọc hay đi lại kiếm ăn lên gốc cây. Mỗi mốc cách nhau khoảng 500 - 800 mét, đặc biệt tại đây được đặt các "hộp thông tin". Khi đi tuần (mỗi tổ 2 người/ngày) tổ phát hiện voọc ở vị trí nào, số lượng bao nhiêu, có dấu hiệu gì khác lạ… đều được ghi lại cho vào hộp thông tin.

Khoan kể, công việc bảo tồn voọc rất khó khăn, vất vả, trách nhiệm của đội tuần tra rất quan trọng và nặng nề. Voọc mũi hếch thường sống trên núi cao, vách đá. Để kiểm soát voọc, các anh phải leo trèo lên các vách đá cheo leo, rồi xuyên từ quả núi này đến quả núi nọ, mỗi ngày leo trèo hàng chục cây số. Những ngày đầu về nhà chân, tay chi chít nốt muỗi, vắt rừng cắn, mình mẩy đau mỏi tê nhức có người còn xuýt bị rắn độc xơi.

Nguy hiểm là thế, vất vả là thế, nhưng trong đội, đặc biệt là Khoan và Hùng chẳng hề ca thán điều gì, ngược lại rất hăng hái. "Nếu làm vì tiền chắc chúng tôi bỏ lâu rồi và cũng chẳng ai làm (mỗi tháng các anh chỉ nhận 1,2 triệu đồng). Nhiều lúc mệt quá không muốn bước nữa, nhưng thấy bầy voọc ríu rít chuyền cành, vài con non nhoẻn miệng tập ăn lá non, anh em lại có thêm động lực.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem