Tăng quảng cáo, giảm doanh thu
Công ty cổ phần sữa Hà Nội (Hanoimilk) vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 3.2014. Trong đó, điểm đáng lưu ý nhất chính là dù Hanoimilk đẩy mạnh marketing nhưng doanh thu vẫn không được cải thiện.
Cụ thể, tại thời điểm 30.9, chi phí marketing của Hanoimilk đạt 9,29 tỷ đồng, tăng 2,13 tỷ đồng, tương ứng 29,75% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, doanh thu quý 3 chỉ đạt 52,33 tỷ đồng, giảm 16,57 tỷ đồng, tương ứng 24.05%; lũy kế 9 tháng đạt 161,69 tỷ đồng, giảm 41,81 tỷ đồng, tương đương 20,55% so với cùng kỳ năm ngoái.
|
Hanoimilk tăng cường marketing nhưng doanh thu lại giảm nhẹ |
Sản phẩm bán không chạy nên cuối kỳ, hàng tồn kho của Hanoimilk đạt 44,95 tỷ đồng, tăng 26,68 tỷ đồng, tương ứng 146,03% so với cuối tháng 9.2013.
Doanh thu giảm, hàng tồn tăng khiến lợi nhuận gộp của Hanoimilk đi xuống. Trong quý 3, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 15,88 tỷ đồng, giảm 3,82 tỷ đồng, tương đương 19,39%; lũy kế 9 tháng đạt 46,36 tỷ đồng, giảm 7,31 tỷ đồng, tương ứng 13,62% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận gộp đi lùi nhưng do Hanoimilk “thắt lương buộc bụng” nên lợi nhuận được cải thiện. Tất cả các chi phí của Hanoimilk trong quý 3 đều sụt giảm. Đáng kể nhất là chi phí bán hàng chỉ đạt 11 tỷ đồng, giảm 3,55 tỷ đồng, tương ứng 24,40%, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm hơn 800 triệu, chi phí tài chính giảm 260 triệu.
Kết quả là các chỉ tiêu lợi nhuận đều tăng mạnh. Lợi nhuận sau thuế quý 3 đạt 1.374,92 tỷ đồng, tăng 793,37 tỷ đồng, tương ứng 136,42% so với cùng kỳ năm ngoái; lũy kế 9 tháng lỗ 226,73 triệu đồng.
Đây không phải lần đầu tiên những nỗ lực marketing của Hanoimilk chưa đáp ứng kỳ vọng. Quý 2, dù chi phi marketing trả trước lên tới 10 tỷ, Hanoimilk vẫn lỗ thảm.
“Tiền ngoài” cao
Trong khi lãi quý 3 đạt 1.374,92 tỷ đồng, “tiền ngoài” của Hanoimilk cao gấp 8 lần lãi. Tại thời điểm 30.9, các khoản phải thu ngắn hạn dù giảm mạnh so với cuối quý 3.2013 nhưng vẫn đạt 10,41 tỷ đồng. Trong đó, công ty cổ phần thiết bị ô tô Việt Nam “giữ” tiền của Hanoimilk nhiều nhất với 4,67 tỷ đồng, không đổi so với 31.12.2013.
Hanoimilk vẫn duy trì đầu tư vào các công ty khác. Cuối quý 3, đầu tư dài hạn của Hanoimilk đạt 27,75 tỷ đồng. Trong đó, số vốn tại công ty cổ phần Hapro Thanh Hóa là 750 triệu đồng. 27 tỷ đồng được Hanoimilk “gửi” tại công ty cổ phần Sữa tự nhiên.
Hanoimilk dành một khoản ngân sách nho nhỏ đầu tư vào cổ phiếu niêm yết của công ty Sông Đà 9. Giá gốc và dự phòng cổ phiếu SD9 đạt 115,2 triệu đồng.
Tiền mặt tại Hanoimilk đang sụt giảm. Cuối quý 3, tiền và các khoản tương đương tiền là 1,47 tỷ đồng, giảm 770 triệu đồng, tương ứng 34,38% so với 31.12.2013. Trong đó, tiền gửi ngân hàng nhiều hơn tiền mặt tại quỹ.
Tại ngày 30.9, tổng tài sản của Hanoimilk là 238,59 tỷ đồng, tăng 10,86 tỷ đồng, tương ứng 4,8% so với cuối năm 2013.
(Theo VTC New)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.