Xây dựng “lá chắn thép” cho hàng Việt Nam xuất khẩu
Xây dựng “lá chắn thép” cho hàng Việt Nam xuất khẩu
Thanh Phong
Chủ nhật, ngày 21/11/2021 17:44 PM (GMT+7)
Theo ông Chu Thắng Trung, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) nhận định, việc nâng cao năng lực cảnh báo sớm sẽ giảm thiểu rủi ro cho hàng Việt Nam xuất khẩu.
Số liệu được Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh công bố mới đây cho thấy, trong vài năm trở lại đây, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang tăng nhanh.
Cụ thể, giai đoạn 2005-2010 mới có 25 vụ việc (15 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp, 6 vụ việc tự vệ và 3 vụ việc chống lẩn tránh). Đến giai đoạn 2011-2015 là 52 và giai đoạn 2016-tháng 9/2021 tăng mạnh lên 109 (58 vụ việc chống bán phá giá, 16 vụ việc chống trợ cấp, 24 vụ việc tự vệ và 11 vụ việc chống lẩn tránh).
Giai đoạn trước năm 2005, số tổng số vụ việc khoảng 22 vụ, qua đó tổng số vụ việc tính đến nay là 208 vụ việc.
Trao đổi với Dân Việt về nội dung trên, ông Chu Thắng Trung cho biết, đây là hệ quả tất yếu cùng với việc kim ngạch xuất khẩu tăng cao, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam ngày càng có khả năng trở thành đối tượng bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại.
"Hệ thống cảnh báo sớm được xây dựng trên nguyên tắc theo dõi biến động xuất khẩu của những mặt hàng đã bị thị trường xuất khẩu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hoặc các biện pháp hạn chế thương mại khác với nước thứ ba nhưng chưa áp dụng biện pháp tương tự đối với Việt Nam.
Nếu xuất hiện những yếu tố rủi ro như xuất khẩu từ Việt Nam có sự tăng trưởng nhanh, hàng Việt Nam chiếm thị phần đáng kể tại thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, có những dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp sản xuất tại thị trường xuất khẩu đang bị ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh từ hàng Việt Nam, hệ thống sẽ đưa những mặt hàng này vào danh sách cảnh báo", ông Trung chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Trung cũng cho hay, các hoạt động cảnh báo sớm hỗ trợ doanh nghiệp dù mới được triển khai nhưng đã thu được một số kết quả tích cực ban đầu.
"Điển hình như trong vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm lốp xe, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam (chiếm 95,5% tổng kim ngạch xuất khẩu lốp xe của Việt Nam sang Hoa Kỳ) không bị áp thuế chống bán phá giá. Trong vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm ống đồng, thuế chống bán phá giá đối với doanh nghiệp Việt Nam là 8,35%, thấp hơn nhiều so với mức do ngành sản xuất trong nước của Hoa Kỳ cáo buộc (110%)", ông Trung cho biết.
Cũng theo phân tích của vị lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép các nước thành viên áp dụng để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.
"Vì vậy, khi đã tham gia vào thương mại quốc tế, doanh nghiệp cần xác định khả năng sẽ gặp phải các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài. Điều quan trọng là cách thức xử lý, ứng phó của doanh nghiệp khi gặp phải các cuộc điều tra như vậy.
Các thông tin về cảnh báo là một trong những kênh thông tin giúp doanh nghiệp sớm nhận biết nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại đối với mặt hàng xuất khẩu của mình. Các doanh nghiệp cũng có thể chủ động cân nhắc để điều chỉnh chiến lược kinh doanh của mình một cách hợp lý nhằm tránh để ảnh hưởng lớn trong trường hợp hoạt động xuất khẩu có kết quả không mong muốn do biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài gây ra", ông Trung thông tin thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.