Tỉnh Quảng Ninh đang đặt quyết tâm cao trong đổi mới công nghệ, xây dựng thành phố thông minh thuộc hàng top đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Các đồng chí lãnh đạo một số bộ, ngành; Bí thư, Chủ tịch nhiều tỉnh thành tham dự.
Công nghệ giúp kết nối minh bạch giữa chính quyền và người dân
Phát biểu tại lễ khai trương, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: đây là mô hình mà bước đầu Tỉnh cảm nhận rất hiệu quả và có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc điều hành của cơ quan công quyền, cũng như là kết nối với người dân và doanh nghiệp. Các công việc đều được giải quyết nhanh chóng, rõ quy trình và hạn chế được các tiêu cực. Bên cạnh đó, qua hệ thống có thể giúp lãnh đạo Tỉnh đưa ra được các giải pháp, chỉ đạo kịp thời. Tuy nhiên đây là mô hình bước đầu hoạt động sẽ không tránh khỏi bất cập, Tỉnh sẽ tập trung hoàn thiện và bổ sung những nhu cầu cấp thiết để phục vụ nhân dân tốt hơn trong nay mai.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.
Ông Dumitrascu Eduard Calin, Chủ tịch Hiệp Hội thành phố thông minh thế giới đánh giá: đây là mô hình đầy đủ, toàn diện nhất mà tôi từng chứng kiến; qua chương quốc gia thông minh, Việt Nam đã ngày càng sử dụng công nghệ để phục vụ người dân tốt hơn, trong đó tích hợp rất nhiều các lĩnh vực đời sống như y tế, giáo dục, giao thông... Có thể nói trên thế giới chưa có mô hình nào tốt hơn như ở Quảng Ninh và mong muốn được nhân rộng tại các tỉnh thành, địa phương của Việt Nam.
Ông Anothai Wettayakorn, Phó Chủ tịch Công ty Dell EMC - một trong những tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới cho biết: Quảng Ninh là địa bàn quan trọng về kinh tế, chính trị, đối ngoại, du lịch của Việt Nam. Thời gian qua chúng tôi đã đầu tư hàng tỷ đô la cho công nghệ trên thế giới và cũng đã - đang và sẽ tìm các giải pháp để hỗ trợ Quảng Ninh. Vì chúng tôi thấy đây là một trung tâm điều hành thông minh và trợ giúp rất nhiều cho cuộc sống của người dân, an toàn dân sinh kết hợp tốt yếu tố công tư, giữa điều hành của chính quyền và đời sống của nhân dân. Tôi nghĩ đây là mô hình điển hình mà các địa phương cần noi theo.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải cho biết: đất nước ta đang từng bước thực hiện chính quyền điện tử thì việc đưa công nghệ vào để điều hành quản lý cho hiệu quả là bức thiết, vì mục đích cuối cùng vẫn là nhằm đáp ứng và phục vụ nhu cầu cuộc sống của nhân dân. Tuy nhiên, không có một mô hình nào khi vận hành ban đầu mà có thể thông minh ngay, nên cần phải vận hành nhiều, càng sử dụng càng thông minh và khắc phục được các điểm yếu bất cập. Và mong muốn các địa phương trong cả nước cần tập trung khi triển khai.
Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc cùng lãnh đạo tỉnh và tập đoàn AIC bấm nút khai trương.
Mô hình đầu tiên tại Việt Nam
Nhiều người vẫn thường nói, chúng ta đang sống trong “thời đại 4.0”, “thành phố thông minh”, “thành phố sáng tạo”… Tuy nhiên, những thuật ngữ này dường như đang là câu cửa miệng và còn vẫn “xa xỉ” với không ít người, trong đó có cả cán bộ quản lý và người dân. Gọi là thành phố thông minh, nhưng nó có những gì, để xây dựng như thế nào; vận hành ra sao; máy móc thiết bị, đội ngũ nhân lực được đổi mới có thông minh, nhịp nhàng hay không..? Quả là một bài toán mà bất kỳ một thành phố nào cũng bỡ ngỡ, lúng túng khi bắt nhập và triển khai.
Những vấn đề trên, Công ty Cổ phân Tiến bộ Quốc tế AIC – đơn vị đang tiên phong đi đầu trong xây dựng Quốc gia thông minh và thành phố thông minh cho rằng: nền hành chính công nước ta đang đổi mới mạnh mẽ, nhưng bất cập nhất là giữa công nghệ “mới – cũ” chưa đồng bộ; giữa con người vận hành chưa đồng đều và chưa được đào tạo tiếp cận nhiều về công nghệ mới. Để hóa giải những điều này thì Công ty phải vận dụng, kết hợp rất nhiều mô hình trên thế giới, khi vận dụng vào thực tế đất nước ta phải triển khai từ những việc đơn giản nhất, từ cái nhỏ đến cái lớn và tỉ mỉ không quá cao siêu khó hiểu. Và tóm lại, thông minh là làm sao để mọi thành phần, mọi tầng lớp nhân dân; mọi công việc trong đời sống xã hội đều được xử lý một cách thuận lợi, tiện ích và nhanh nhất có thể. Rồi từ đó mới tính đến những việc lớn hơn để làm sao hướng tới mang lại nhiều nguồn lợi thiết thực và sự hưởng thụ về đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân.
Vì vậy, việc xây dựng Quốc gia thông minh và thành phố thông minh đang được triển khai thành công và đang áp dụng cho việc quản lý, điều hành tại nhiều bộ, ngành trung ương và nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Trong đó, việc xây dựng Trung tâm Điều hành Đô thị Thông minh tỉnh Quảng Ninh được coi là mô hình mẫu đầu tiên tại Việt Nam, bởi sự hiện đại, nhiều tiện ích cho người dân và sẽ là nền tảng để đúc kết tiến tới xây dựng tại nhiều địa phương. Khi có trung tâm này thì người dân hạn chế được rất nhiều việc đi lại, thủ tục giấy tờ và có thể giải quyết ngay tại nhà hay là tại cấp chính quyền phường, xã.
"Gói gọn" ngàn tiện ích
Vậy, Trung tâm Điều hành Đô thị Thông minh tỉnh Quảng Ninh sẽ có những gì và người dân được hưởng lợi ra sao?
Đây là trung tâm điều hành hiện đại và có quy mô tích hợp đồng bộ nhất tại Việt Nam; sẽ là “bộ não số”, tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có của tỉnh, cùng với các phần mềm sẽ được đầu tư thêm, tạo ra một cái nhìn toàn cảnh về Quảng Ninh trên mọi lĩnh vực đời sống về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục. Đặc biệt, đây là tỉnh có tiềm năng, thế mạnh mũi nhọn là du lịch, du khách khi đến đây cũng có rất nhiều thuận tiện trong việc tìm hiểu các điểm tham quan, đi lại, khách sạn, ẩm thực, bệnh viện.. .với những thao tác rất đơn giản và được tích hợp đồng bộ dữ liệu trong cùng một phần mềm ứng dụng.
Sau lễ khai trương, trung tâm điều hành này sẽ tiếp tục được hoàn thiện và kết nối một cách rộng rãi hơn, từ đó tạo lập các cơ sở dữ liệu lớn để phục vụ công tác báo cáo theo thời gian thực, ứng dụng các thuật toán đặc biệt và trí tuệ nhân tạo để phân tích, mô phỏng, dự báo, hỗ trợ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và hỗ trợ lãnh đạo tỉnh trong việc ra các quyết sách, quyết định quan trọng.
Trong tương lai, nó sẽ được kết nối tới trung tâm điều hành các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành, tạo thành mạng “nơ ron thần kinh số” của tỉnh tỉnh Quảng Ninh.
Ngay dịp khai trương, sẽ thí điểm triển khai mới và nâng cấp hàng loạt phần mềm và tiện ích phục vụ cho người dân, du khách và cơ quan quản lý nhà nước như: nhiều hợp phần được tích hợp đồng bộ xem báo cáo và gửi báo cáo, chỉ đạo – điều hành, quản lý văn bản, quản lý lịch làm việc, quản lý nhiệm vụ, chương trình họp thông minh, tiếp nhận và trả lời ý kiến người dân, theo dõi – phân tích báo chí và mạng xã hội, hệ thống hiển thị thông minh nhiều lớp trên bản đồ GIS (hệ thống thông tin địa lý), hệ thống tích hợp camera và cảm biến, hệ thống giám sát an ninh – an toàn thông tin, các ứng dụng di động cho lãnh đạo tỉnh uỷ, HĐND, UBND, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, các cán bộ công chức, viên chức và người dân trong toàn tỉnh.
Tỉnh cũng sẽ triển khai ứng dụng di động “Smart Quảng Ninh”, là app chạy trên cả hệ điều hành Android và iOS, cung cấp cho người dân và du khách đến Quảng Ninh rất nhiều tính năng thông minh, hữu ích. Chẳng hạn như, người dân có thể dễ dàng nắm bắt các tình huống khẩn cấp trong tỉnh, tiếp cận mọi thông tin, thông báo từ chính quyền tỉnh; người dân cũng có thể gửi ý kiến góp ý hoặc thông báo cho các cơ quan biết về các sự cố, các vấn đề liên quan tới hạ tầng đô thị, giao thông, an ninh an toàn, môi trường…bằng vài thao tác bấm nút cực kỳ đơn giản trên điện thoại di động.
Tiếp cận thông tin phong phú và các tiện ích hỗ trợ trong lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục & đào tạo. Bên cạnh đó người dân có thể dễ dàng đọc báo hay giải trí trên app di động này nghe nhạc, xem phim...
Ngoài ra, người khiếm thị, người khuyết tật cũng có thể sử dụng trong việc đọc tìm hiểu thông tin, chỉ đường, thanh toán tiền.
Đặc biệt, ứng dụng có nhiều tính năng thông minh nổi bật như: Phần mềm dịch thuật tự động, phần mềm tự động đọc văn bản điện tử và văn bản in.
Nguyễn Văn Cảnh (Thể Thao & Văn Hóa)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.