Xây dựng thị trường điện cạnh tranh: Chạy đua với thời gian

Thứ năm, ngày 19/08/2010 12:02 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào tại Hội thảo về thị trường điện cạnh tranh do Bộ Công Thương tổ chức hôm qua,18-8 tại Hà Nội.
Bình luận 0
img
Đề án thị trường điện cạnh tranh dự kiến được thử nghiệm trong năm 2011.

Phát triển theo ba cấp độ

Theo lộ trình do Bộ Công Thương xây dựng, thị trường điện VN sẽ phát triển theo 3 cấp độ, mỗi cấp độ được thực hiện theo 2 bước thí điểm và hoàn chỉnh. Cấp độ 1: Thị trường phát điện cạnh tranh (giai đoạn 2005 - 2014), Cấp độ 2: Thị trường bán buôn điện cạnh tranh (giai đoạn 2015 - 2022). Cấp độ 3: Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (giai đoạn sau 2022).

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào, đề án thị trường điện cạnh tranh sẽ hoàn thành trong năm nay và năm 2011 đưa và thử nghiệm, nếu được sẽ thực hiện chính thức hệ thống thị trường phát điện cạnh tranh vào cuối 2011. Thời gian đã quá gần, hệ thống cơ sở, hệ thống thiết kế đã xong, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cơ bản đã hoàn thành, nhưng để thử nghiệm, hoàn chỉnh và đưa vào trong thực tế lại là vấn đề không đơn giản. Bởi thị trường điện là công cụ để điều hành khâu phát điện, nó sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ mối quan hệ cũng như cách thức giao dịch, vận hành của người bán với người mua.

Theo đề án đưa ra, các nhà máy điện có công suất từ 30MW trở lên đấu nối vào lưới điện quốc gia sẽ được tham gia cạnh tranh phát điện theo các hình thức: Trực tiếp giao dịch (chào giá cạnh tranh trực tiếp) và gián tiếp giao dịch (do các đơn vị khác chào thay hoặc công bố sản lượng điện phát).

Khi thị trường này vận hành, các nhà máy phát điện sẽ phải cạnh tranh với nhau, chào giá tới đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện trong khung từ giá sàn tới giá trần. Nhà máy nào có mức giá chào thấp nhất được ưu tiên lựa chọn để huy động. Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện chịu trách nhiệm xác định và công bố giá sàn, giá trần phát điện của từng loại nhà máy điện và dự báo phụ tải.

Với nguyên tắc trên: Cạnh tranh ở khâu phát điện, vị thế độc quyền của EVN trong cung ứng điện hiện nay sẽ bị phá bỏ.

Tách bạch người bán với người mua

Năm 2008, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ đề án tái cơ cấu ngành điện, và đề xuất tách các nhà máy điện ra khỏi EVN và EVN chỉ còn làm công việc truyền tải, phân phối và mua bán điện, đồng thời quản lý một số nhà máy điện thuộc quyền quản lý của nhà nước. Tuy nhiên, đến nay, đề án này chưa được Chính phủ phê duyệt vì EVN có ý kiến phản đối.

Vấn đề mà các doanh nghiệp trong ngành điện quan tâm là: Khi thị trường điện cạnh tranh ra đời, việc mua bán điện có được minh bạch hơn hay không và đưa cạnh tranh vào hoạt động điện lực, có nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh điện, giá điện có được ổn định...? Nhiều người còn thắc mắc khi thị trường này vận hành, các nhà máy điện của EVN có được tách ra khỏi tập đoàn và có đảm bảo được tính minh bạch trong khâu mua - bán điện?

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào cho biết, thị trường điện cạnh tranh ra đời nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định, thu hút được đầu tư và phát triển các nguồn điện; ổn định giá điện nói chung... Về nguyên tắc, người bán và mua phải tách biệt ra mới khách quan. Đặc biệt, điều đầu tiên ở thị trường này là người điều hành hệ thống thị trường phải độc lập hoàn toàn thì mới khách quan.

Thiếu căn cứ để tăng giá điện

“Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) không có căn cứ gì để đòi tăng tới 50%. Tính giá điện là bài toán cực kỳ phức tạp, phải tính toán đủ hết tất cả chi phí của các khâu: Từ khâu phát điện, truyền tải đến phân phối điện. Ý kiến đề nghị tăng giá của VEA chỉ dựa trên lợi ích của một số doanh nghiệp - những người đầu tư xây dựng nguồn, chưa dựa trên lợi ích của khách hàng sử dụng điện” - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Phạm Mạnh Thắng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem