Xây dựng vùng an toàn dịch tả lợn châu Phi đầu tiên

Nguyên Vỹ Thứ năm, ngày 07/05/2020 18:06 PM (GMT+7)
Xây dựng vùng an toàn dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đầu tiên trên cả nước là mục tiêu khả thi khi căn cứ vào thực tế chăn nuôi và công tác phòng chống dịch mà Bình Dương đã và đang làm được trong thời gian qua.
Bình luận 0

An toàn sinh học - chìa khóa giữ đàn lợn

Ông Võ Bá Cang - chủ hệ thống trang trại lợn Vĩnh Tân cho biết, năm 2012, ông bắt tay đầu tư xây dựng trại lợn Vĩnh Tân 5 tại xã huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) và cho đến thời điểm nay, hệ thống của ông đã có tổng cộng 5 trại nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Bình Dương, với tổng đàn lợn nái 2.900 con, 42.000 con lợn thịt.

Tại các trại nuôi của mình, ông Cang cho biết không chỉ đầu tư làm trại kín mà còn đầu tư cả nhà lưới để chống chuột, chim chóc, côn trùng; cùng với rất nhiều khoản đầu tư khác mới mong giữ được đàn lợn.

Xây dựng vùng an toàn dịch tả lợn châu Phi đầu tiên - Ảnh 1.

Đàn lợn con trong trại nuôi của hệ thống trang trại Vĩnh Tân (huyện Dầu Tiếng). NGUYỄN VY

Các phương tiện vận chuyển lợn phải sát trùng nhiều lần mới được vào trại. Xe chở cám cũng phải được sát khuẩn từ cách xa trại 3km. Việc quản lý con người cũng nghiêm ngặt không kém.

Trước đây, nhân công vào trại chỉ phải cách ly 2 ngày, nay tăng lên 16 ngày. Trong đó có 14 ngày nhân công phải cách ly vì dịch Covid-19. Tất cả những biện pháp này đều nhằm bảo vệ "tử huyệt" của ngành chăn nuôi là an toàn dịch bệnh và được triển khai đồng bộ cho tất cả các trại nuôi lợn.

Với kinh nghiệm chăn nuôi quy mô lớn trong nhiều năm, ông Cang đánh giá tỉnh Bình Dương có vùng đệm tốt hơn so với Đồng Nai đang phát triển chăn nuôi với mật độ dày đặc. "Đây là điều kiện tốt để Bình Dương tiếp tục cung cấp nguồn thịt lợn sạch bệnh cho thị trường" - ông Cang nói.

Ông Trần Phú Cường - Chi Cục trưởng Chi Cục Chăn nuôi - thú y và thủy sản Bình Dương cho biết, tỉnh có quy mô chăn nuôi nông hộ ít hơn hẳn so với Đồng Nai. Đến cuối năm 2019, tổng đàn lợn của tỉnh gần 645.000 con. Trong đó, chăn nuôi nông hộ có số lợn chiếm hơn 8%. Năm 2020, ngành chăn nuôi tỉnh Bình Dương tiếp tục quy hoạch theo hướng phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tại 4 huyện phía bắc của tỉnh là Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng và Bắc Tân Uyên. Đến hết quý I/2020, tổng đàn lợn của tỉnh hơn 785.800 con, trong đó chăn nuôi nông hộ giảm xuống chỉ còn 6%.

Xây dựng vùng an toàn dịch

Năm 2019, DTLCP đã gây thiệt hại cho gần 1.400 hộ, trại chăn nuôi, với tổng số lượng lợn phải tiêu hủy là hơn 87.000 con, chiếm 15% tổng đàn. Đầu năm nay, toàn tỉnh có 3 xã phát sinh DTLCP, phải tiêu hủy 30 con. Tuy nhiên, các địa phương trong tỉnh đều đã qua 30 ngày không ghi nhận phát sinh ổ dịch mới. Cuối tháng 3, Bình Dương công bố hết DTLCP.

Tuy nhiên, do chưa có vaccine phòng bệnh DTLCP nên lúc này, UBND các cấp địa phương phối hợp với cơ quan thú y vẫn kiểm soát chặt chẽ việc tái đàn chăn nuôi lợn, chỉ khuyến khích tái đàn chăn nuôi đối với các cơ sở có quy mô trang trại, chăn nuôi theo hình thức trại kín, đảm bảo an toàn sinh học.

Chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2016 - 2020 là một trong những đòn bẩy để Bình Dương khuyến khích việc tái đàn chăn nuôi theo định hướng trên. Đến nay, cả tỉnh đã có 23 trang trại chăn nuôi tiếp cận được chính sách này với tổng vốn đầu tư 243 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 42,6% trong cơ cấu vốn vay cho cả trồng trọt, chăn nuôi và chế biến.

Với đàn lợn, tổng đàn toàn tỉnh hiện nay giảm khoảng 1,9 % so với cùng kỳ năm 2019, trong đó số lượng lợn chỉ giảm nhiều ở loại hình chăn nuôi nông hộ, hơn 48%. Đến tháng 4/2020, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh đã tăng gần 22% so với hồi tháng 1. "Điều này cho thấy, hiệu quả trong công tác quản lý để khống chế bệnh DTLCP. Đồng thời các trang trại và các công ty chăn nuôi đều được tạo điều kiện thuận lợi để cung cấp sản phẩm cho thị trường" - ông Cường nói.

Ông Bạch Đức Lữu - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết, Bình Dương là 1 trong 2 tỉnh được Cục Thú y đầu tư kinh phí thực hiện giám sát lưu hành virus dịch bệnh. Chương trình sẽ tiếp tục triển khai trở lại sau một thời gian bị gián đoạn bởi dịch Covid-19.

Cho đến nay, Bình Dương là tỉnh duy nhất trên cả nước xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh với bệnh dịch tả lợn cổ điển và dịch lở mồm long móng ở cấp huyện. "Bằng nguồn kinh phí tiêm phòng do tỉnh hỗ trợ, Bình Dương đã làm rất tốt công tác phòng chống dịch thời gian qua" - ông Lữu nhận định.


Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem