Xây “thành Cổ Loa” trên biển Trường Sa

Thứ ba, ngày 16/08/2011 19:13 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hơn 36 năm qua, những người lính Trung đoàn Công binh Hải quân 83 đã thầm lặng cống hiến sức trẻ, mồ hôi và cả xương máu để xây hàng chục công trình trên biển Trường Sa.
Bình luận 0

Đó là những “thành Cổ Loa” để bảo vệ chủ quyền đất nước.

Đội đá xây đảo

Ngay sau ngày giải phóng, dấu chân người lính công binh “tám ba” đã in khắp đảo lớn, đảo nhỏ, đảo chìm, đảo nổi của quần đảo Trường Sa. So với đất liền, thi công ở Trường Sa gian truân gấp bội. Chỉ riêng việc vận chuyển nguyên vật liệu đã kỳ công. Nhằm tránh nhiễm mặn, xi măng, cát, sạn, sắt thép luôn phải bao gói cẩn thận từ đất liền.

Do địa hình Trường Sa xung quanh bao bọc bởi san hô nên tàu không thể đậu sát đảo. Những năm từ 1994 trở về trước, bộ đội bắc cáp nối từ tàu vào đảo rồi dùng những chiếc xuồng con chở vật liệu men theo đường cáp này.

img
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 83 thi công công trình ở quần đảo Trường Sa.

Hơn chục năm trở lại đây, cùng với được đầu tư thêm máy móc trang bị, đơn vị có nhiều sáng kiến cải tiến loại xuồng nhôm máy đẩy (va vào thành đá san hô dễ bị thủng) bằng xuồng sắt, phủ bên ngoài lớp bảo vệ chống sự ăn mòn của nước biển nên đã nâng cao thời hạn sử dụng, giúp giảm 2/3 chi phí sản xuất, mỗi năm tiết kiệm hàng trăm triệu đồng.

Trung tá Lã Ngọc Tuân - Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 83, người có thâm niên 16 năm “bám trụ” ở Trường Sa, kể: “Ra đảo, tiêu chuẩn đầu tiên của người lính công binh là phải bơi như cá. Bởi nhiều hạng mục, bộ đội phải dầm mình hàng giờ trong nước biển mặn chát, áo quần lúc nào cũng sũng nước, toàn thân bị san hô “cào” xây xước”.

Công trình trụ cập tàu ở đảo Đá Tây, chiến sĩ phải lặn sâu 10m xây phần móng, đổ được 300m3 bê tông thì bất ngờ gặp bão, trụ bê tông chưa kịp khô đã bị sóng đánh vỡ. Chứng kiến bao mồ hôi, công sức trôi ra biển, ai cũng như đứt từng khúc ruột...

Khi thi công âu tàu đảo Song Tử Tây, do tác động của sóng, một đoạn kè dài 10m bị nghiêng, đơn vị phải kiên nhẫn hàng tuần liền gia cố phần móng, “nắn” lại bờ kè. Bộ đội “tám ba” vẫn gọi vui những công trình kiên cố ở Trường Sa là những “thành Cổ Loa trên biển”.

Trường Sa là máu thịt, là quê hương

Đi xây thành trì cho Tổ quốc, các anh thường trực đối mặt với vô vàn khó khăn. Có những chuyến ra đảo, cả đơn vị say sóng, mấy ngày liền chỉ uống nước cầm hơi. Có thời điểm nước ngọt khan hiếm, mọi người phải chắt chiu từng ca. Vậy mà nước để thi công vẫn không suy chuyển.

Gần 4 thập kỷ qua, như những chú ong thợ cần mẫn, Trung đoàn Công binh Hải quân 83 đã xây hàng chục công trình nhà ở, công sự, trận địa, bờ kè chắn sóng, trạm khí tượng thủy văn… ở khắp các đảo chìm, đảo nổi. Nhờ đó, nhiều đảo chìm giờ đây đã nổi lên vững vàng trên sóng nước.

Những năm từ 1994 trở về trước, gặp mùa bão, có khi hàng tháng trời bộ đội chỉ ăn toàn thịt hộp, thèm đến xót lòng một cọng rau xanh. Ngay đến bây giờ, phương tiện đi lại thuận tiện hơn, có anh vẫn phải hoãn cưới vì không có tàu vào đất liền đúng hẹn. Còn việc tứ thân phụ mẫu từ trần, vợ sinh con, người lính không có mặt ở nhà đã trở thành… chuyện thường ngày.

Không chỉ đương đầu với gian khổ, lật lại trang sử truyền thống của “tám ba”, trận hải chiến năm 1988 bảo vệ chủ quyền ở Trường Sa đã có 64 chiến sĩ hy sinh anh dũng. Người lính “tám ba” đã đổ xuống Trường Sa những giọt máu thắm đỏ tình yêu Tổ quốc. Vì thế Trường Sa đã là máu thịt, là quê hương thứ hai của đơn vị. Những quân nhân từng một lần đến với Trường Sa đều đau đáu mong ngày trở lại. Còn những chiến sĩ trẻ mới nhập ngũ, hay tin có đợt đi Trường Sa là hàng trăm cánh tay xung phong giơ cao.

Thượng tá Trung đoàn trưởng Bùi Quang Hải tâm sự: “Mỗi lần ngắm nhìn những công trình mới mọc lên ở Trường Sa, lòng chúng tôi lại phơi phới tự hào. Được xây dựng Trường Sa là niềm hạnh phúc của các thế hệ Công binh Hải quân 83”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem