Ứng dụng thông minh tác động tích cực lên mọi đối tượng
Bắt đầu từ năm 2014, các ứng dụng gọi xe công nghệ Grab, Uber chính thức ra mắt, tham gia vào thị trường vận tải tại Việt Nam. Cho đến nay đã có thêm hàng loạt các ứng dụng đặt xe hiện đại như Go - Việt, Vato, DiDi, Mego, FastGo... Những ứng dụng sử dụng công nghệ thông minh này đã và đang từng ngày làm thay đổi nền giao thông tại các đô thị của Việt Nam.
Không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại với những trải nghiệm tuyệt vời của người dân, các ứng dụng thông minh đang ngày càng mở rộng, đáp ứng các nhu cầu khác ngoài nhu cầu đi lại.
Grab là một đơn vị tiên phong trong vấn đề này. Không đơn thuần chỉ là ứng dụng đặt xe thông minh tại Việt Nam, 5 năm có mặt tại Việt Nam, Grab đã không ngừng thay đổi, mở rộng với nhiều loại hình dịch vụ.
Từ những ứng dụng tiện ích ban đầu nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân như GrabBike, GrabCar, GrabShare, GrabTaxi, JustGrab, Rent, Grab đã mạnh dạn cung ứng thêm những dịch vụ gọi đồ ăn, ship đồ ăn tận nơi như GrabFood, GrabExpress. Những dịch vụ này đã và đang mang lại sự hài lòng nhất định cho khách hàng sử dụng.
Thông qua việc phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách tại Việt Nam, ứng dụng Grab đang mang đến nhiều cơ hội nâng cao thu nhập cho các đối tác tài xế.
Bên cạnh đó còn tăng hiệu quả và năng suất hoạt động cho các doanh nghiệp vận tải vừa và nhỏ, tạo động lực cạnh tranh sinh động cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng. Hiện nay, theo số liệu cứ 4 người dân Việt Nam thì có 1 người đang sử dụng ít nhất một dịch vụ của Grab mỗi tháng.
Là ứng dụng đặt xe hàng đầu Việt Nam, Grab luôn kỳ vọng mang đến cho khách hàng sử dụng các dịch vụ của mình sự thoải mái, thuận tiện và hài lòng nhất.
Là một khách hàng thân thiết của GrabCar, anh Nguyễn Hoà (Hoàng Mai, TP.Hà Nội) nhận định, với dịch vụ GrabCar, anh có cảm giác như được dùng chính chiếc xe cá nhân của gia đình mình.
“Tôi thấy có ý kiến cho rằng Grab không minh bạch, tuy nhiên, những gì ứng dụng công nghệ này đang làm lại phủ nhận điều đó. Mỗi cuốc xe tôi đặt, các thông tin hiển thị đều có, về quãng đường, về thời gian di chuyển, về số tiền. Tất cả đều rất rõ ràng.
Hơn nữa, việc đặt xe công nghệ giúp tôi thêm tự tin khi di chuyển gặp đối tác hay khách hàng. Nó rất tiện lợi, giống như một chiếc xe gia đình, một chiếc xe cá nhân, một điều các loại xe khác không thể có được.
Anh Nguyễn Văn Bình (28 tuổi, Nghệ An, một tài xế GrabCar tại Hà Nội) thì bày tỏ, GrabCar đang mang đến cho anh nhiều cơ hội việc làm hơn những lựa chọn trước đó của mình.
Theo chia sẻ của tài xế Bình, trước đó anh đã từng chạy taxi, tuy nhiên, khi được tiếp cận với GrabCar, anh đã quyết định trở thành đối tác của Grab bởi những tiện ích mà ứng dụng này mang lại.
“Xe có thể nhận cuốc ở bất kỳ nơi nào, không phụ thuộc vào vị trí địa lý như loại hình dịch vụ khác. Ngoài ra, thời gian nào rảnh rỗi tôi bật ứng dụng lên là có thể chạy được như bình thường, không bị gò bó về thời gian làm việc.
Hơn nữa, các ưu đãi của GrabCar giúp cho thu nhập của tôi cũng tăng lên đáng kể”, anh Nguyễn Văn Bình chia sẻ.
Ứng dụng mang lại sự sòng phẳng, minh bạch
Trao đổi với Dân Việt, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho biết, việc các ứng dụng công nghệ đặt xe ra đời đã giúp ích cho người dân rất nhiều trong việc di chuyển, hơn nữa, các ứng dụng còn đem đến sự minh bạch, trong đó ứng dụng Grab là tiêu biểu.
Ông Bùi Danh Liên chia sẻ, xe công nghệ mang đến sự minh bạch, sòng phẳng cho khách hàng, đối tác và cơ quan Nhà nước.
Theo quan điểm của ông Liên, các ứng dụng như Grab đã tận dụng được phương tiện dư thừa trong xã hội, lao động trong xã hội. Những tài xế xe công nghệ như Grab đều có những chứng chỉ, bằng cấp liên quan đến giao thông vận tải đầy đủ, họ có phương tiện là xe máy, xe ô tô cá nhân, không có gì trái với luật pháp Việt Nam.
Việc tận dụng các phương tiện dư thừa của ứng dụng Grab không làm tăng mật độ phương tiện trong xã hội vì tự thân những phương tiện này đã có sẵn.
Ứng dụng Grab, cụ thể là GrabCar cũng tận dụng được chiều rộng. Cụ thể, phương tiện sử dụng ứng dụng này đi đến đâu, khách hàng có thể đặt xe đến đấy, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường vì không phải chạy đi chạy lại nhiều để đón khách như các loại hình khác.
Tiếp theo, ông Liên nhận định, ứng dụng Grab sòng phẳng về mặt nghĩa vụ đóng góp cho nhà nước, có ý kiến cho rằng các ứng dụng này không hoàn thành được nghĩa vụ này, nhưng tôi cho rằng nó rất minh bạch.
“Xe sử dụng ứng dụng của Grab chạy nửa mét thông tin cũng thể hiện đầy đủ trên phần mềm, hàng tuần, hàng tháng thông tin đều minh bạch, rõ ràng về quãng đường, thời gian di chuyển và số tiền tương ứng. Hơn nữa, cơ quan thuế cũng thể hiện, ứng dụng đặt xe đều hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước”, ông Liên nói.
Chia sẻ về việc sử dụng ứng dụng GrabCar của mình, vị nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, ông đã chuyển hẳn sang sử dụng dịch vụ của Grab từ khi biết đến loại hình này.
Cho đến nay, Grab là đơn vị ứng dụng gọi xe đầu tiên thực hiện việc xuất hóa đơn điện tử tại Việt Nam và chủ động phối hợp với cơ quan thuế trong việc truyền, quản lý dữ liệu chuyến đi của đối tác, khách hành tới cơ quan thuế như là một trong các biện pháp chống thất thu thuế.
Hiệu suất sử dụng xe Grab đạt đến hơn 70%, điều này có nghĩa là cứ mỗi 10 giờ các đối tác tài xế Grab chạy trên đường thì có hơn 7 giờ được tận dụng để kiếm thu nhập.
Việc đóng góp nghĩa vụ thuế vào Ngân sách Nhà nước qua mỗi năm luôn tăng trưởng bằng những con số ấn tượng. Chỉ tính riêng trong năm 2018, Grab đã đóng góp vào Ngân sách Nhà nước hơn 441 tỷ đồng.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.