Năm 2017, giám đốc điều hành Tesla, Elon Musk đã gọi ý tưởng gắn pin mặt trời trên xe hơi là viễn vông, cho rằng thiết kế này không phù hợp với diện tích bề mặt của xe hơi để lắp các tấm pin. “Gắn tấm pin mặt trời lên xe là việc làm kém hiệu quả nhất”, Musk nói tại cuộc họp của hiệp hội thống đốc quốc gia năm 2017. Hãng Telsa của tỉ phú Elon Musk chuyên sản xuất xe hơi chạy điện và là nhà sản xuất tấm năng lượng mặt trời lắp trên nhà ở, nhưng vẫn chưa nghiên cứu kết hợp hai thế mạnh của mình thành xe hơi chạy bằng điện mặt trời.
Bắt đầu từ Toyota…
Ý tưởng xe hơi chạy điện được sạc bằng năng lượng mặt trời được Toyota ứng dụng vào chiếc Prius hồi năm 2015 khi dùng năng lượng mặt trời cung cấp điện cho hệ thống thông gió của xe. Hiện Toyota đang theo đuổi xu hướng này. “Mặt trời là cơ hội tuyệt vời để biến năng lượng tự nhiên thành năng lượng pin”, Nathan Kokes, phát ngôn viên của công ty công nghệ Toyota Motors Bắc Mỹ nói.
Hồi tháng 7/2019, Toyota đã hợp tác với tổ chức Phát triển công nghệ Công nghiệp và Năng lượng mới (NEDO) của Nhật Bản và Sharp để thử nghiệm các mẫu xe hơi điện trang bị các tấm pin năng lượng mặt trời hiệu suất cao tại Nhật Bản. Loại xe này lắp các tấm pin mặt trời trên mui xe, trần xe và cửa sau với tổng diện tích là 0,84m2.
Theo Nathan Kokes, hệ thống pin mặt trời trên xe hơi điện của Toyota đạt hiệu suất 34% (lượng ánh sáng mặt trời của một tấm pin mặt trời chuyển đổi thành điện năng). Từ đó, Toyota hy vọng, hiệu suất trên sẽ giúp họ đạt được mục tiêu kéo dài quãng đường chiếc xe hơi điện chạy thêm 20-29 dặm/ngày.
Với quan niệm khi xe hoạt động sẽ ở ngoài trời, hệ thống này sẽ nạp năng lượng từ ánh sáng mặt trời.
Toyota không đi ngược quan điểm của tỷ phú Musk về những hạn chế của việc trữ điện nhờ mặt trời, nhưng cũng cho rằng: không nên bỏ qua bất kỳ cải tiến nào về năng lượng. “Toyota tiếp cận theo hướng thay đổi từng bước. Ở quê hương của Elon, có thể ánh nắng mặt trời không đủ để nạp năng lượng cho xe hơi”, Kokes mỉa mai. Ông cho biết, Toyota sẽ thử nghiệm dòng xe điện xạc pin mặt trời vào mùa xuân 2020.
Huyndai với dòng xe Sonata HEV
Tháng 8 vừa qua, Hyundai đã giới thiệu phiên bản xe Sonata HEV có các tấm pin mặt trời trên trần xe tại Hàn Quốc. “Ngay cả khi phát triển thêm nữa, rất khó để phổ biến xe có gắn tấm pin năng lượng mặt trời, vì nguồn năng lượng cung cấp cho xe không nhiều”, nhóm nghiên cứu của Hyundai nói.
Cũng giống như dòng Prius của Toyota, Sonata HEV sử dụng năng lượng mặt trời bên cạnh năng lượng pin 12V để hỗ trợ xe cũng như các tính năng có dùng năng lượng trong xe như đèn chiếu sáng, hệ thống điều hòa… Với sáu giờ sạc năng lượng mặt trời mỗi ngày, ước tính các tấm pin mặt trời có thể giúp xe chạy thêm tới 800 dặm/năm.
Dan Edmunds, giám đốc công ty đánh giá phương tiện cho rằng, tích hợp tấm pin mặt trời vào trần xe có thể thu hút một số người tiêu dùng. Ông tin rằng một chiếc xe như Hyundai Sonata HEV với các tấm pin mặt trời trên trần xe có thể bán chạy ở Hoa Kỳ. Hyundai cho biết, các tấm pin mặt trời sẽ đẩy giá thành thêm khoảng 1.075 USD. Theo hãng này, người tiêu dùng ở Bắc Mỹ hy vọng việc sản xuất đại trà dòng xe Sonata HEV sẽ bắt đầu nửa đầu năm 2020.
Thu hút cả giới khởi nghiệp
Không chỉ các thương hiệu lớn mà cả những công ty khởi nghiệp cũng nhảy vào lĩnh vực xe hơi chạy bằng năng lượng mặt trời.
Ở Munich (Đức), Sono Motors đang nghiên cứu chiếc Sion, một mẫu xe chạy bằng năng lượng mặt trời. Chiếc Sion được gắn 248 tấm pin mặt trời, từ mui xe đến trần xe và thậm chí cả cửa xe. Thiết kế của Sion độc đáo ở chỗ cho dù xe đậu ở đâu cũng nhận được lượng năng lượng mặt trời ở mức tối đa. Sono Motors được thành lập vào năm 2016 với đồng giám đốc điều hành Laurin Hahn và Jona Christians và giám đốc sáng tạo Navina Pernsteiner. Hahn và Christians bắt đầu theo đuổi giấc mơ về một chiếc xe chạy bằng năng lượng mặt trời từ năm 2012 sau khi tốt nghiệp trung học. Mathieu Baudrit, giám đốc nghiên cứu và phát triển của Sono Motors cho biết: “Ngay cả vào những ngày nhiều mây ở Munich, chiếc xe vẫn nhận được nhiều năng lượng hơn mức cần thiết”. Chiếc Sion sẽ chạy thêm khoảng 3.600 dặm một năm nhờ năng lượng mặt trời, với trung bình mỗi ngày từ 3 đến 14 dặm, tùy theo mùa. Hệ thống pin năng lượng mặt trời của Sion được nhúng trong một loại polymer mà Sono tuyên bố có độ bền cao và bảo vệ pin mặt trời không bị trầy xước. Sono Motors đang lên kế hoạch làm sách và video hướng dẫn sửa chữa cho các dòng xe để giúp chủ xe và nhà cung cấp dễ dàng hơn các dịch vụ bảo trì. Sono Motors cho biết, đã có hơn 10.000 đơn đặt hàng trước với khoản đặt cọc tối thiểu khoảng 550 USD cho chiếc xe có giá khoảng 28.000 USD. Sono Motors dự kiến bắt đầu sản xuất vào nửa cuối năm 2020.
Lightyear của Hà Lan hồi tháng 6 cũng giới thiệu chiếc Lightyear One, có trần và mui xe được gắn pin mặt trời. Chiếc xe có thể di chuyển được 7,5 dặm/ngày bằng năng lượng mặt trời. Lightyear tuyên bố, với thời tiết thường âm u như ở Hà Lan, cứ một năm với chặng đường 12.400 dặm, Lightyear One sẽ chạy khoảng 40% quãng đường trên bằng năng lượng pin mặt trời. “Sứ mệnh của chúng tôi là làm chiếc Lightyear chạy hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời vào năm 2035”, Lex Hoefsloot, giám đốc điều hành Lightyear chia sẻ. Lightyear One không phải là rẻ với mức giá đặt trước là 164.000 USD, giao hàng vào năm 2021. Công ty đang tìm cách sản xuất với các dòng xe có giá thấp hơn.
Dòng xe Lightyear One của Hà Lan.
Chuyển sang sử dụng năng lượng xanh sẽ thúc đẩy doanh số ô tô trong tương lai gia tăng, nhưng Edmunds cho rằng giá thành chưa thể hạ thấp trong những năm tới. “Khi chúng ta đang cố gắng giảm CO2 và cải thiện khả năng tiết kiệm nhiên liệu, khách hàng sẽ chấp nhận những gì mà các nhà sản xuất xe hơi năng lượng mặt trời đang làm cho xu hướng này”, Edmunds nói.
(Theo Thế Giới Tiếp Thị)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.