Xem thường sinh mạng

Thứ sáu, ngày 14/01/2011 11:54 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vụ tai nạn chìm đò ở Tuyên Quang làm ít nhất 8 người chết, mất tích đã liên tục gióng lên hồi chuông báo động về an tòan giao thông đường thủy.
Bình luận 0

Chỉ vì một niềm vui thái quá trong ngày vui (ăn hỏi), 14 người dân bất chấp hiểm nguy đã trèo lên con thuyền nhỏ, không áo phao, không phương tiện bảo vệ để đánh đu với sinh mạng của mình. Ngày vui của đôi bạn trẻ bỗng chốc thành ngày buồn. Ngày Tết sum họp của nhiều gia đình bỗng chốc trở thành ngày chia ly... '

Còn nhớ, vụ tai nạn đường thuỷ tại huyện Quảng Trạch, Quảng Bình năm 2009 làm 42 người dân thiệt mạng cũng xảy ra vào ngày cận Tết. Ngày thường, đò chỉ chở trên dưới chục người, ngày Tết dân có đồng ra đồng vào nên rủ nhau đi mua sắm. Kết cục sau đó thật đau lòng.

Ai chịu trách nhiệm các vụ tai nạn trên? Đương nhiên là chủ thuyền, như trường hợp 2 lái thuyền ở Quảng Bình người lĩnh 14 năm tù, kẻ bóc lịch 15 năm; vụ tai nạn đường thuỷ ở Tuyên Quang, lái thuyền chắc chắn khó thoát vòng lao lý. Nhưng còn cơ quan chức năng, ai chịu trách nhiệm? Đến thời điểm này vẫn chưa có cơ quan nào lên tiếng nhận lỗi.

Văn hoá nhận lỗi có lẽ không đâu như ở đất nước ta: “Chỉ đổ lỗi còn không biết nhận lỗi”. Có cơ quan đổ cho chủ đò không có bằng lái, bến đò không phép. Điều này có lý vì toàn quốc có gần 2.000 bến đò ngang nhưng chỉ 892 bến có giấy phép hoạt động; có hơn 2.500 tàu thuyền, sà lan chở khách nhưng số được đăng ký chỉ 1.789. Nhưng ai chịu trách nhiệm về số tàu thuyền và bến đò hoạt động không phép?

Lại có cơ quan cho rằng ý thức của chủ phương tiện, người tham gia giao thông yếu kém, đến mức hỗ trợ cả kinh phí đăng kiểm cũng không ai đến đăng kiểm. Có lý do là đa phần chủ phương tiện đều sống, làm việc trên sông nước ở những vùng sâu, vùng xa. Họ không nhận được thông tin từ cơ quan chức năng.

Là cơ quan chức năng, có trong tay cả hệ thống giúp việc, lẽ ra dân không biết, không hiểu thì phải tổ chức tuyên truyền, phân tích thiệt hơn để dân hiểu, dân thực hiện. Thậm chí, nếu dân không thực hiện nhưng vì sự an nguy chung thì cần có chế tài, biện pháp xử lý thích đáng. Còn cứ thảm hoạ xảy ra lại thi nhau đổ vòng, có lẽ những vụ tai nạn kế tiếp là điều khó tránh và như vậy xem ra sinh mạng người dân còn bị coi thường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem