Liên quan đến đoạn clip hai hành khách hành hung một nữ nhân viên sân bay Nội Bài, bên cạnh sự bức xúc trước hành vi này, nhiều độc giả cũng đang rất quan tâm và ngưỡng mộ trước hành động "ra tay nghĩa hiệp" của một người đàn ông, khi anh lao vào tấn công nam hành khách đang hành hung cô gái, giải cứu cô khỏi nam hành khách hung hãn.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Bắc, cho hay đến thời điểm hiện tại, Cảng vụ hàng không miền Bắc vẫn chưa xác định được người đàn ông xông vào đánh hành khách hành hung chị Quỳnh Anh là ai. Các cơ quan chức năng khác cũng chưa có thông báo gì.
"Nếu xác định được danh tính, chúng tôi sẽ cân nhắc và xem xét xử lý người này về hành vi gây rối trật tự công cộng. Tất nhiên sẽ tùy thuộc vào nhiều tình tiết khác" - ông Phương nói.
Trong khi đó, ông Hoàng Thanh Quang, Giám đốc Công ty Dịch vụ an ninh hàng không Nội Bài, cho biết người đàn ông trên có thể là hành khách đi máy bay.
Hình ảnh cho thấy một người đàn ông lao vào đánh trả người hành hung nữ nhân viên hàng không (ảnh cắt từ clip).
Theo ông Phương, xét về mặt tình cảm thì có thể thông cảm với hành động của người đàn ông này, bởi chứng kiến việc phụ nữ bị bắt nạt ai cũng sẽ bức xúc. Tuy nhiên, xét về mặt luật pháp thì hành động này chưa đúng.
“Mọi thứ đều có luật pháp điều chỉnh, hai hành khách hành hung chị Quỳnh Anh thì đã có pháp luật xử lý, không thể tùy tiện hành động như vậy được. Anh đánh người, tức là anh đã vi phạm luật” - ông Phương khẳng định.
Theo ông Phương, trong sự việc trên, nếu cảm thấy bức xúc trước hành vi của hai hành khách, người đàn ông hoàn toàn có thể chạy tới ôm, can ngăn hoặc tước vật gây thương tích cho người bị hại.
"Nếu xem clip từ camera, lực lượng an ninh chỉ cần đến muộn 10 giây nữa thôi, hai bên sẽ lao vào đánh nhau. Rồi giả sử nếu bạn bè, người thân chị Quỳnh Anh ở đó, thấy vậy cũng lao vào đánh thì chắc chắn sẽ xảy ra đánh lộn nhiều người, hậu quả rất nghiêm trọng" - ông Phương nói.
Vị này chia sẻ thêm lực lượng an ninh của sân bay được bố trí để đảm bảo trật tự, tuy nhiên không thể đòi hỏi bố trí theo sát từng người một, do đó không thể xuất hiện trong tích tắc. Với môi trường đòi hỏi tính đảm bảo an ninh cao như sân bay và với những vụ việc tương tự thì đã có lực lượng chức năng chuyên nghiệp để xử lý.
Ông Phương cũng bày tỏ sự lo ngại trong trường hợp nếu không may cú đấm của người đàn ông kia vào chỗ hiểm, gây chết người hoặc thương tích nặng cho vị hành khách, hậu quả sẽ vô cùng khó lường.
Phòng vệ chính đáng chứ không phải đánh nhau, gây rối
Liên quan đến vụ việc này, dư luận nhìn chung ủng hộ hành động nghĩa hiệp, giải cứu phụ nữ của anh thanh niên nói trên.
Có ý kiến cho rằng anh đã có hành vi phòng vệ chính đáng "bảo vệ lợi ích hợp pháp của bản thân, xã hội và người khác" chứ không phải hành vi "đánh nhau" hay gây rối.
Anh hành động khi việc hành hung nữ nhân viên hàng không đang tiếp tục diễn ra. Việc anh kịp thời hành động đã giúp làm chấm dứt hành vi đánh cô gái của nam hành khách, giúp hạn chế thiệt hại có thể xảy ra do việc hành hung, trong khi an ninh hàng không chỉ xuất hiện sau đó.
***
Định nghĩa phòng vệ chính đáng: Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
|
Tuyến Phan - Viết Long (Pháp luật TP.HCM)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.