Xét xử vụ tai nạn liên hoàn: Luật sư và VSK tranh luận gay gắt

Xuân Lực Thứ sáu, ngày 13/05/2016 21:39 PM (GMT+7)
Trong phần tranh luận, luật sư Tạ Bảo Ngọc - đại diện bị đơn dân sự và đại diện Viện kiểm sát Nhân dân (VKSND) TP.Hải Dương xảy ra tranh luận gay gắt về quyền của luật sư khi đề cập đến quyền lợi của một đương sự trong vụ án.
Bình luận 0

img

 Luật sư Tạ Bảo Ngọc (áo trắng) và đại diện VKSND TP.Hải Dương đã tranh luận gay gắt trong ngày thứ 2 xét xử vụ án tai nạn liên hoàn trên Quốc lộ 5.

Vì sao không có vết phanh?

Ngày 13.5, Tòa án Nhân dân (TAND) TP.Hải Dương (tỉnh Hải Dương) tiếp tục xét xử vụ tai nạn liên hoàn giữ 5 ô tô trên quốc lộ (đoạn đường thuộc khu vực cầu Phú Lương qua địa phận xã Nam Đồng, TP. Hải Dương) hồi tháng 12.2013.

Trong đó 5 phương tiện liên quan đến vụ tai nạn, có 1 xe cứu thương, 1 xe của Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) tỉnh Hải Dương và 1 xe khách Hà Nội – Hải Phòng.

Bị cáo trong vụ án này là Tạ Quang Hồng (SN 1982, Kim Bảng, Hà Nam) bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.

Trong phần tranh luận, hôm qua, đại diện VKSND TP.Hải Dương cho rằng, căn cứu lời khai nhân chứng, hồ sơ vụ án, đủ căn cứ xác định cáo trạng truy tố đúng người đúng tội.

Tuy nhiên, sáng nay (13.5), bị cáo Hồng không đồng tình với bản luận tội của bị cáo, bị cáo Hồng cho rằng, khi xe bị cáo lao vào xe cứu thương và gây ra cú va chạm liên hoàn, chắc chắn sẽ để ra vết trượt trên mặt đường. Tuy nhiên, tại sao trên sơ đồ hiện trường lại không có bất kì một vết phanh nào?

Luật sư Tạ Bảo Ngọc, người bảo vệ quyền lợi cho bị đơn dân sự (công ty xe khách tuyến Hà Nội  - Hải Phòng) cho rằng, xét trong hồ sơ vụ án này đã có vi phạm về thời hạn tạm giam bị can.

Ông Ngọc cho rằng, theo quy định của pháp luật, với trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng của bị cáo Hồng thì thời hạn tạm giam tối đa là 9 tháng. Tuy nhiên, cơ quan điều tra bắt tạm giam bị cáo Hồng đến nay đã gần 2 năm chưa được thay đổi biện pháp ngăn chặn dù bị cáo này có nhân thân tốt.

Về vụ tai nạn liên hoàn, luật sư Ngọc cho rằng, những chứng cứ bổ sung, kết luận giám định không xác định được nguyên nhân dẫn tới tai nạn liên hoàn và lỗi của bị cáo Hồng. Cáo trạng nêu xe không giữ khoảng cách an toàn nhưng trong hồ sơ vụ án không có tình tiết xác định khoảng cách giữa xe khách và xe cứu thương trước khi xảy ra tai nạn.

Ông Ngọc cũng đặt câu hỏi, vì sao các xe đã dừng và đạp phanh nhưng trên mặt đường lại không có vết ma sát với mặt đường.

Về phần mình, luật sư bảo vệ cho bị cáo Hồng cho rằng, quá trình điều tra vụ án còn thiếu khách quan, cáo trạng truy tố bị cáo ở khung hình phạt quá cao và đề nghị VKS bãi bỏ biện pháp ngăn chặn với bị cáo Hồng vì bị cáo thành khẩn khai báo, bố là thương binh…

img

 Sau hai ngày xét xử, phiên tòa xét xử vụ tai nạn liên hoàn giữ 5 ô tô vẫn chưa có phán quyết cuối cùng.

Đại diện VKS và luật sư tranh luận gay gắt

Đối đáp lại các ý kiến các luật sư, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, việc tạm giam bị cáo Hồng là đúng quy định. Căn cứ theo quy định pháp luật, bị cáo Hồng phạm tội nghiêm trọng, khung hình phạt từ 3- 10 năm. Trong quá trình giải quyết vụ án, bị cáo không thành khẩn. Ngoài ra, vụ án gây thiệt hại rất lớn nhưng bị cáo chưa khắc phục hậu quả.

Đại diện VKS cũng cho rằng, căn cứ lời khai các nhân chứng tại tòa và hồ sơ vụ án đủ cơ sở khẳng định chiếc xe khách do bị cáo Hồng điều khiển đã đâm vào xe cứu thương do ông Phạm Văn Biềng điều khiển khiến chiếc xe này lao về phía trước va vào xe của VKSND tỉnh Hải Dương. Chiếc xe của VKS tiếp tục lao về trước làm 2 xe phía trước va vào nhau.

Trong phần đối đáp cuối phiên xét xử buổi chiều 13.5, luật sư Tạ Bảo Ngọc đề nghị xem xét “Đơn xin không yêu cầu bồi thường” của ông Nguyễn Thanh Bình, con bà Nguyễn Thị Hòa (SN 1923, người bệnh nằm trên xe cứu thương tử vong sau vụ tai nạn nhưng gia đình từ chối giám định nguyên nhân tử vong) có hợp pháp hay không. Nếu ông Bình là đại diện hợp pháp của bà Hòa thì phải có giấy ủy quyền của đại diện những người con khác của bà Hòa.

Lúc này, đại diện VKSND tỉnh Hải Dương đã đề nghị HĐXX công bố giấy ủy quyền của các con bà Hòa cho ông Hòa làm đại diện hợp pháp ký đơn.

Sau đó, giữ luật sư Ngọc và đại diện VKS xảy ra tranh luận gay gắt về quyền của luật sư khi đề cập đến quyền lợi, nghĩa vụ của ông Bình. Đại diện VSK đề nghị HĐXX xem xét, luật sư Ngọc là đại diện quyền nghĩa vụ hợp pháp của bị đơn dân sự nhưng lại đề cập đến quyền và nghĩa vụ của đương sự là ông Nguyễn Thanh Bình.

Luật sư Ngọc đáp lại, mình đang trình bày quan điểm đối đáp lại quan điểm trước đó của vị đại diện VKS nhưng bị cắt lời.

Do vụ án còn nhiều tình tiết cần làm rõ nên HĐXX quyết định dừng phiên tòa, sáng thứ 2 (16.5) sẽ tiếp tục xét xử.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem