Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (ảnh Quochoi.vn).
Sáng nay (10.8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Dự luật này đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 5 vừa qua.
Một trong những vấn đề lớn xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN, cơ quan thẩm tra dự thảo Luật) của Quốc hội cho biết: Về quy định cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng của Giám đốc Công an tỉnh, thành phố, Thường trực UBQPAN nhận thấy, theo mô hình tổ chức bộ máy trước đây, khi sửa đổi Luật CAND năm 2014, Bộ Chính trị đã có chỉ đạo tại Thông báo số 147 ngày 21.10.2013 và Thông báo số 185 ngày 28.10.2014, theo đó Giám đốc Công an cấp tỉnh có cấp bậc hàm Đại tá.
Nhưng việc sửa đổi Luật CAND lần này theo tinh thần Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị thì mô hình tổ chức bộ máy của Bộ Công an được xây dựng theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tăng thẩm quyền và thực hiện phân cấp mạnh xuống Công an cấp tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành thực hiện chức năng, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh, do đó dự thảo Luật Chính phủ trình có quy định vị trí cấp tướng đối với Giám đốc Công an một số địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I là phù hợp.
“Thường trực UBQPAN cơ bản nhất trí với quy định của dự thảo Luật; tuy nhiên, nội dung này các ĐBQH còn có ý kiến khác nhau, vậy đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Đảng đoàn Quốc hội trình Bộ Chính trị xem xét cho ý kiến”, Thượng tướng Võ Trọng Việt cho biết.
Phát biểu góp ý về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, theo quy định hiện hành, cấp bậc hàm giám đốc Công an tỉnh, thành phố (trừ Hà Nội và TP.HCM) là Đại tá thì một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có vị trí rộng lớn, dân số đông, quy mô kinh tế, đối nội, đối ngoại lớn hơn… mà lãnh đạo Công an ở đó là Đại tá, giống như lãnh đạo Công an một tỉnh bé thì liệu có hợp lý, công bằng không.
Tuy nhiên, ông Uông Chu Lưu cũng cho rằng cần phải xem xét mối quan hệ giữa bên Quân đội và Công an. Nếu đồng ý việc một số tỉnh, thành phố loại 1 Giám đốc Công an cấp tướng thì Chỉ huy trưởng Chỉ huy quân sự cũng phải cấp tướng mới tương quan. “Nhưng như thế liệu dư luận xã hội, nhân dân và cán bộ có tán thành không, cần báo cáo để Bộ Chính trị xem xét”, ông Lưu nói.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp Luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, đây cũng là vấn đề phức tạp, nhạy cảm nên cần phải xin ý kiến. “Khi Bộ Chính trị có chỉ đạo, việc hoàn thiện dự thảo Luật sẽ dễ hơn”, ông Định cho hay.
Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhất trí với các ý kiến cho rằng cần phải sớm xin ý kiến Bộ Chính trị quyết định.
“Theo kết luận cũ của Bộ Chính trị, chỉ có Giám đốc Công an TP. Hà Nội, TP. HCM được cấp tướng. Giờ mở rộng thêm thì UBQPAN nhất trí nhưng lại trái với kết luận trước đây của Bộ Chính trị, do đó phải xin ý kiến”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.