Xoắn tinh hoàn nhưng chỉ truyền kháng sinh, thiếu niên bị tổn thương nghiêm trọng

Diệu Linh Thứ năm, ngày 16/03/2023 18:43 PM (GMT+7)
Bị sưng đau tinh hoàn do xoắn tinh hoàn nhưng bệnh viện tuyến dưới chỉ truyền kháng sinh, sau 2 tuần không đỡ gia đình mới chuyển bệnh nhân tới Bệnh viện Việt Đức.
Bình luận 0

Ngày 16/3, tin từ Trung tâm Nam học, Bệnh viện Việt Đức cho bết, một thiếu niên bị xoắn tinh toàn nhưng chậm trễ điều trị đến khi nhập viện đã phải cắt bỏ một bên tinh hoàn. 

Bệnh nhân là một cậu bé 14 tuổi (ở Thái Bình) nhập viện trong tình trạng tinh hoàn phải treo cao, cứng chắc, siêu âm cho thấy mất hết tín hiệu mạch, hoại tử trung tâm.

Người nhà cho biết khi xuất hiện sưng đau tinh hoàn bất thường, bệnh nhân được chữa trị tại địa phương. Bệnh nhân trải qua 13 ngày điều trị kháng sinh truyền dịch, các triệu chứng đau đều không thuyên giảm, gia đình đã chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Việt Đức điều trị.

Thiếu niên 14 tuổi phải cắt tinh hoàn sau gần 2 tuần truyền kháng sinh - Ảnh 1.

Do chậm chễ điều trị, tinh hoàn bị xoắn quá lâu bị hoại tử, các bác sĩ phải cắt bỏ một bên. (Bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh vện Việt Đức sau hậu phẫu. Ảnh: BVCC)

Bác sĩ Nguyễn Duy Khánh, Trung tâm Nam học, Bệnh viện Việt Đức, do tinh hoàn phải của bệnh nhân đã bị hoại tử, không còn chức năng nên các bác sĩ đã phải mổ cấp cứu, cắt bỏ tinh hoàn phải và cố định tinh hoàn trái cho bệnh nhân. 

Theo PGS Nguyễn Quang, Giám đốc Trung tâm Nam học, Bệnh viện Việt Đức, các dấu hiệu xoắn tinh hoàn rất dễ bị chẩn đoán nhầm với u tinh hoàn, viêm tinh hoàn.

Khi chẩn đoán thành bệnh khác, người ta có thể điều trị giảm đau, truyền dịch trong khi bản chất bệnh lại là xoắn tinh hoàn. Nếu tình trạng xoắn kéo dài trên 6 tiếng, tinh hoàn sẽ bị hoại tử và không còn khả năng bảo tồn. Việc cắt tinh hoàn là tất yếu với những trường hợp xoắn tinh hoàn để muộn.

Do đó, với nam giới, khi có đau tinh hoàn bất thường, thậm chí là đau vùng bụng dưới, các bác sĩ thăm khám lâm sàng cho bệnh nhân cần loại trừ nguyên nhân xoắn tinh hoàn đầu tiên để tránh bỏ sót thương tổn.

Theo bác sĩ Bùi Tiến Công - Trưởng khoa Ngoại thận Tiết niệu (Bệnh viện đa khoa Hà Đông), xoắn tinh hoàn thường xảy ra trong khi ngủ, thể điển hình thường gặp ở trẻ lớn.

Các triệu chứng như đau bìu đột ngột, ban đêm bệnh nhân bật thức dậy, đau dữ dội lan dọc theo thừng tinh, ống bẹn đến hố chậu kèm theo cảm giác buồn nôn hay nôn. Bìu to dần, da bìu đỏ thắm hay bầm tím, phù lan rội sang cả bên đối diện.

"Xoắn tinh hoàn là xoắn các cấu trúc của thừng tinh ngăn cản luồng máu đến tinh hoàn và mào tinh hoàn làm cho tinh hoàn có thể bị hoại tử. Xoắn tinh hoàn có thể coi là một tối cấp cứu vì nếu chẩn đoán và điều trị sớm có thể cứu được tinh hoàn ngược lại nếu sử trí muộn thường phải cắt bỏ tinh hoàn.

Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi từ ngay sau khi đẻ cho đến người cao tuổi. Tần suất mắc bệnh là 1/60 nam giới, 2/3 số trường hợp là xuất hiện ở tuổi thanh niên, hai đỉnh cao là sơ sinh và 14 tuổi. Mức độ và thời gian xoắn quyết định thương tổn tinh hoàn.

Chẩn đoán sớm mổ cấp cứu ngay, khả năng hồi phục tinh hoàn còn hy vọng; Trước 6 giờ khả năng hồi phục 83%, trước 10 giờ 70%, sau 10 giờ 10%", bác sĩ Công làm rõ thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem