Nguyễn Văn Thọ
Thứ ba, ngày 16/02/2021 08:15 AM (GMT+7)
Chúng tôi sống bao nhiêu năm ở cạnh nhau tại giao điểm phố Trần Cao Vân và ngõ Trần Cao Vân giữa khu chợ Giời. Năm 1953, Hiệp định Geneve được ký, nước Việt Nam bị tạm thời chia cắt thành hai miền qua vĩ tuyến 17.
Tôi bất ngờ gặp lại chị Hiền ở Bệnh viện Hữu Nghị Việt - Xô. Chị đeo khẩu trang nên tôi không sao nhận ra chị. Còn chị, đôi mắt sáng, ánh lên, rõ là chị rất mừng. Chị cật vấn:
- Ôi, em không nhận ra chị ư?
Rồi chợt như nhận ra cái khẩu trang che khuôn mặt mình, chị Hiền giật nó ra.
- Trời ơi, chị Hiền!- Tôi thốt lên
Chúng tôi ngồi dãy ghế trong cái hành lang bệnh viện vắng tanh. Khuôn mặt người đàn bà đã hơn 70 xuân chợt cứ ngời lên, cho bao câu chuyện từ ngày ấy, thời ấy, đã hơn 60 năm trời
Chúng tôi sống bao nhiêu năm ở cạnh nhau tại giao điểm phố Trần Cao Vân và ngõ Trần Cao Vân giữa khu chợ Giời. Năm 1953, Hiệp định Geneve được ký, nước Việt Nam bị tạm thời chia cắt thành hai miền qua vĩ tuyến 17. Có chiến tranh, loạn lạc, chia ly là có chợ Giời. Ban đầu, 1953, dân di cư đi nhiều, chợ họp ở quanh hồ Hale, sau chuyển xuống quanh khu Chùa Vua đặt tên là Chợ Hòa Bình. Chợ Giời ban đầu chỉ bán đồ gỗ, dụng cụ gia đình, bát đĩa, thìa chén và quần áo cũ. Sau nhu cầu phát triển trong thời buổi hàng hóa khan hiếm, người ta mới bán đủ thứ đồ cũ như ngày nay.
Thời ấy và cho tới tận ngày nay, dân Chợ Giời vốn mang tiếng xấu. Nói tới dân Chợ Giờ là ai chả e ngại. Ngại một khu chợ phức tạp, người ngay kẻ gian, lũ đầu gấu hổ báo... Song thực ra người ngụ cư ở Chợ Giời đa số là dân lao động. Họ thuần nhất và hiền lành. Khu Chợ Giời còn có ba khu dân lao động về chật cứng. Đó là xóm Vạn Phúc cạnh trường Đoàn Kết, do người Nhật xây nên đền bù trước 1954 cho chính quyền thuộc địa Pháp. Đó là khu đất Chùa Vua, dân chiến khu, dân tự do về ở như nêm quanh đền trên đất Chùa Vua. Cả bên trái phố Thịnh Yên, tính từ trường Đoàn Kết ra phố Huế bây giờ, là khu Thịnh Yên, cũng 3-4 dãy nhà nửa lá chạy dài cả trăm mét dành cho xóm người lao động. Khu ở đó toàn dân nghèo lắm. Họ là dân tứ xứ về đây, là dân bán dạo trên phố, ông làm kẹo kéo, bà đi đổi lông gà lông vịt, dân đạp ba gác xích-lô cũng túm tụm sống ở đó. Dân cư vốn vậy, nên về bản chất khu chợ người ta chung đụng, đối xử với nhau chẳng khác người nông thôn của một khu làng xóm giữa khu phố sầm uất.
***
Cũng khu này nhiều viên chức cũ của Nhà nước như cánh họa sĩ, kiến trúc sư, giáo viên đến đây tìm khu đất yên tĩnh không cách xa trung tâm mấy để ở. Gia đình chị Hiền từ chiến khu về. Bố chị là ông Võ Văn Ngải - võ sĩ quyền anh, từng chỉ huy đội biệt động đánh vào sân bay Cát Bi trong kháng chiến chống Pháp. Kế bên nhà chị là nhà một kiến trúc sư, là bạn cậu (bố) tôi. Cả ba nhà chung một cái giếng. Sau nhà có cửa thông ngách có thể để sang giếng lấy nước về. Chị Hiền còn có cậu em tên Bằng cùng học với tôi. Nhà rộng, trên gác dưới nhà đều thông nhau, tụi trẻ con chúng tôi có thể trèo sang nhà nhau chơi, rủ nhau học bài trên sân thượng những đêm hè mát mẻ, mà không bị ai quở mắng.
Tôi mới hơn 10 tuổi, lại hay hát. Đi lấy nước giếng về đánh phèn dùng cũng hát, tắm cũng hát. Ba nhà ấy cách nhau bức tường một mỏng manh nên bất cứ tiếng động nào cả ba nhà đều nghe thấy. Thường là chị Hiền nghe tôi hát cũng quen, hễ cứ không hát nữa là chị Hiền lại ới sang: "Thọ ơi, em hát nữa đi".
Đó là một thời yên ả. Chúng tôi đi vắng có thể gửi chìa khóa nhà cho nhau. Mượn của nhau cái thớt, cái nồi nấu bánh chưng khi tết đến. Trẻ con ba nhà tha hồ trèo leo nghịch ngợm. Không khí chợ Giời xóm giềng hệt như sự sinh hoạt của một làng xóm nào đó ở nông thôn Bắc Bộ.
Những đứa trẻ gắn kết không chỉ ở trường mà còn ở nhà. Tôi và Bằng chơi với tụi trẻ em cùng phố. Tụi tôi vượt qua đê Trần Khát Chân bây giờ vào khu làng Thanh Nhàn. Đó là cả miền đất lạ so với đám trẻ em đường phố. Ở đó có những ruộng rau muống kế tiếp. Có rau khúc tháng Ba tha hồ hái đem về cho mợ tôi giã trộn bột nếp làm bánh khúc. Có cỏ mần trầu hái đêm về làm thuốc. Ở đó có những hàng ổi trồng trên bờ ruộng, trên cây thì ổi chín, dưới ruộng thì niễng có củ trắng ngọt mọc đầy. Tụi tôi rủ nhau câu cá rô, cá cờ (xin xít) trong các dãy hồ, ao chuôm nhan nhản trong làng Thanh Nhàn. Lại ven con sông Tô Lịch lượn lờ trong đó cá rô to, béo vàng, có bận câu cả mớ… Mùa áp tết, cả khu hồ mênh mông từ sát hồ chùa Hai Bà trải dài kế nhau kéo tới tận trường Đoàn Kết được tát cạn để bắt cá. Trẻ em khu Chợ Giời tha hồ đi hôi cá. Đó là một thời kỳ hạnh phúc của đám trẻ em khu Chợ Giời.
Cái thời sau 1954 ấy, nhất là sau 1960, nhiều gia đình như gia đình tôi có lúc neo bấn. Mợ tôi những khi ấy hay vay mượn, khi thì cân gạo, chai mắm, lúc dăm ba hào... Và sự vay mượn ấy là sự đồng lần hàng xóm láng giềng quanh khu Chợ Giời, không riêng nhà tôi như vậy.
Rồi lũ tụi tôi lớn lên và chiến tranh bùng nổ. Năm 1965 Mỹ đánh bom miền Bắc, tôi vào quân ngũ lính cao xạ bảo vệ thủ đô. Thằng Bằng cũng vào lính, đi học lái máy bay Mig, trở về bảo vệ bầu trời Hà Nội. Vĩnh - bạn hàng xóm và cùng trường, con ông kiến trúc sư bạn cậu tôi, cũng xung phong vào bộ đội và hy sinh tại Quảng Trị. Trẻ em Chợ Giời cùng lứa đều như vậy. Có thằng tên Nam đi lính sau tôi, đánh nhau ở 3-4 chiến trường, lên tới Trung đoàn trưởng chỉ huy pháo binh ở tận phía Nam.
Trẻ em lớn lên và ra trận. Nhà cửa ở lại là cha mẹ chúng tôi, vẫn xóm giềng nương tựa nhau. Nhà nào sơ tán thì giao nhà cho nhau giữ. Mợ tôi là Trưởng ban phụ nữ Tiểu khu nên không sơ tán mà ở lại làm công tác tiểu khu. Năm 1972 mợ tôi đột quỵ tại nhà. Chị Hiền nghe cháu gái tôi la lên vôi chạy sang. Hai cô cháu bế bà lên nhà và gọi cấp cứu.
Cả một thời tắt lửa tối đèn có nhau như vậy.
***
Cuộc nói chuyện dài miên man khó dứt. Chị Hiền hỏi tôi có thi thoảng về Chợ Giời không? Tôi đi nước ngoài bao năm, năm nào cũng về Hà Nội, về 15 phố Trần Cao Vân ấy. Sao quên nó được, khi nơi đấy chôn giấu cả tuổi thơ tôi. Bao kỷ niệm gia đình, bè bạn phố phường, tình nghĩa xóm giềng với gia đình chị và bao gia đình khác. Hầu như nhiều gia đình quanh tôi không còn ở đó. Chợ Giời bây giờ cũng thay đổi khác lạ, nhiều nhà cao mọc lên thay cho những dãy nhà tranh vách nửa lợp lá gồi xập xệ. Nhưng con người thì bao thay đổi, nhiều quan hệ mới đâu còn như trước, khi thời buổi thị trường đang có xu hướng coi trọng những giá trị vật chất hơn cái tình nghĩa, làng nghĩa xóm vốn là cội gốc người Việt.n
Vui lòng nhập nội dung bình luận.