Nữ sinh tốt nghiệp bằng giỏi bị trầm cảm vì... thất nghiệp
Nữ sinh tốt nghiệp bằng giỏi bị trầm cảm vì... thất nghiệp
Thứ năm, ngày 18/02/2021 14:23 PM (GMT+7)
Không có kinh nghiệm, không có định hướng về ngành học... cô nữ sinh chuẩn bị nhận bằng tốt nghiệp loại giỏi tại một ĐH có tiếng ở TPHCM đang lo lắng mình bị trầm cảm vì thất nghiệp.
Chia sẻ "nỗi lo thất nghiệp" của nữ sinh T.A (tên nhân vật đã được thay đổi), 22 tuổi, học ngành Kinh doanh quốc tế tại một trường ĐH ở TPHCM, đang trong thời gian chờ nhận bằng tốt nghiệp thu hút sự quan tâm của nhiều người ngay thềm năm mới.
Cô gái cho biết, vào tháng 11/2020, cô đi thực tập tại một công ty , chủ yếu được giao việc nhập liệu, thu thập thông tin. Sợ lãng phí thời gian, cô xin dừng chuyển sang thực tập tại một ngân hàng. Tại đây, cô ngại ngần, khó chịu vì hầu như chỉ ngồi không, lâu lâu được sai in, scan hồ sơ này nọ.
T.A bị sốc bởi thấy việc thực tập không học được gì để mình có thể sau này xin việc, không được trả lương cũng như không có cơ hội ở lại làm việc nên cô gái lại... xin nghỉ.
Tốt nghiệp loại Giỏi nhưng theo T.A, ngành học của mình quá rộng, cô không định hướng, cũng không xác định được mình sẽ làm công việc gì.
Chính vì vậy, cô rải CV khắp nơi nhưng chưa nơi nào phản hồi tích cực, tiếp nhận. Cô gái rơi vào lo lắng, hoảng loạn khi nhiều bạn bè cùng lớp nhiều người đã có việc làm, hoặc đã xin được việc, đang trong thời gian chờ.
Cô thừa nhận, mình tốt nghiệp bằng Giỏi nhưng không có chút kinh nghiệm thực tế nào. Chưa kể, tiếng Anh cho sử dụng thực tiễn cũng bập bõm.
T.A kể, gia đình mình khá khó khăn, ba đã lớn tuổi vẫn đang chạy xe ôm, mẹ bán rau để mưu sinh và trả nợ tiền vay nuôi con ăn học đại học. Từ nhỏ cô gái đều học giỏi, luôn ở hạng nhất ở các cấp, xinh xắn, bố mẹ luôn trông đợi vào con gái.
Với cô, đây là một cái Tết vô cùng nặng nề. Cô gái mất ngủ, stress nhưng trước mặt ba mẹ, luôn tỏ ra mình đang ổn. Sắp trở lại Sài Gòn, cô gái chưa biết phải tiếp tục như thế nào.
Nữ tân cử nhân lo lắng mình sẽ bị trầm cảm . Trong đầu cô gần đây luôn nghĩ tới cái chết khi cho rằng mình không có cơ hội, mình là người thất bại...
Tránh thất nghiệp: Cần thái độ tích cực
Thất nghiệp nhiều năm gần đây là nỗi lo bao trùm với người trẻ, nhất là vào dịp đầu năm. Họ gặp nhiều áp lực, khó khăn trong quá trình xin việc. Có người không có việc làm giấu bố mẹ, trốn ở thành phố không dám về quê hoặc có thể rơi vào trầm cảm.
Sau chia sẻ của T.A, chị Hoàng Lê Giang, phụ trách nhân sự tại một ngân hàng ở TPHCM phân tích việc cô gái có phần nóng vội, chưa thực tế khi mong muốn mình được trả lương, có vị trí ngay. Trong khi, bản thân chưa thể hiện được thái độ tích cực, sự chủ động trong công việc
Với sinh viên đi thực tập, khi bạn chưa thể hiện được năng lực của mình, những công việc như nhập liệu, in, scan, hay rót nước, pha trà... đều cho mình những bài học nhất định. Đó là cơ hội để mình quan sát, học cách giao tiếp, tương tác với mọi người.
"Tốt nghiệp nghiệp bằng Giỏi nhưng không có kinh nghiệm thực tế, không định hướng được chính ngành nghề mình theo học, tiếng Anh hạn chế cho thấy "lỗ hổng" trong quá trình học tập của cô gái", chị bộc bạch.
Nhiều người cũng chia sẻ với cô gái, thời điểm này, trước ảnh hưởng của dịch bệnh, hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa, tìm việc sẽ khó khăn hơn. Tìm việc làm cần đi từng bước một, bắt đầu từ những việc nhỏ, đừng nghĩ mình phải ở vị trí, thu nhập này kia thì chính bản thân sẽ bị áp lực lớn.
Trong lần trao đổi gần đây, ông Giản Tư Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục IRED nhấn mạnh đến nghịch lý đang tồn tại là các doanh nghiệp đang rơi vào khủng hoảng thiếu người , thiếu người trầm trọng. Nhưng sinh viên ra trường nhiều, thất nghiệp nhiều nhưng doanh nghiệp vẫn không thể tuyển được người.
Theo nhà giáo dục này, ở thời trước, tấm bằng cử nhân được em là lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động. Nhưng bây giờ, việc vào đại học dễ dàng, giá trị tấm bằng giảm đi.
Để đáp ứng được nhu cầu thực tế, không chỉ dựa vào tấm bằng mà đòi hỏi mỗi người phải có khả năng tự học, trau dồi khả năng cho mình để trang cho mình kiến thức chuyên môn lẫn văn hóa.
Theo Sở LĐ-TB&XH TPHCM, ngay sau tết Nguyên đán 2021, dự kiến TPHCM sẽ có nhu cầu tuyển dụng khoảng 30.000 lao động. Các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng đầu năm cao như: Công nghệ thông tin, điện - điện tử, chế biến thực phẩm, xây dựng; vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng; kinh doanh - bán hàng; marketing; tư vấn - chăm sóc khách hàng; du lịch; khách sạn.
Nhu cầu nhân lực ở trình độ Đại học chiếm 21%, Cao đẳng chiếm 18%, trung cấp chiếm 22%, sơ cấp chiếm 25% và lao động chưa qua đào tạo 14%.
Nhu cầu tuyển dụng rất lớn nhưng để đáp ứng được thị trường lao động, đòi hỏi nhân sự rất nhiều yếu tố như về sức khỏe, chuyên môn, kỹ năng (kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng công nghệ, ngoại ngữ).
Và đặc biệt, điều ý người chú ý là nhà tuyển dụng rất quan tâm đến thái độ, năng lượng tích cực, tinh thần vượt khó của người lao động.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.