Ở Việt Nam chỉ có một đơn vị được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại có chứa PCB là Công ty TNHH xi măng Holcim Việt Nam. Đơn vị này được cấp phép vào tháng 12.2012 và từng xử lý thành công hai tấn dầu thải nhiễm PCB lưu giữ tại Nhà máy nước Thủ Đức (TP.HCM).
Công nghệ được Holcim áp dụng là đồng xử lý chất thải nguy hại trong lò nung xi măng - giải pháp được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới. Theo các chuyên gia, đơn vị này có khả năng xử lý máy biến thế và 7.000 lít máy biến thế nhiễm PCB đặt tại bờ vịnh Hạ Long.
Tuy nhiên, nơi xử lý chất thải chứa PCB của Công ty Holcim đặt tại Hòn Chông, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, cách TP.HCM gần 400 km. Như thế, máy biến thế cùng 7.000 lít dầu nhiễm PCB sẽ phải di chuyển gần 2.000 km đến nơi xử lý.
|
Các chuyên gia cho rằng nên xử lý máy biến thế và 7.000 lít dầu biến thế nhiễm PCB ở miền Bắc. |
Theo các chuyên gia về PCB, phương án này ít tính khả thi vì số lượng dầu nhiễm PCB lớn, thân máy biến thế lên đến hàng chục tấn, quãng đường di chuyển quá xa, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình vận chuyển.
Một phương án xử lý khác được các chuyên gia khuyến nghị là tiến hành xử lý, tiêu hủy lô máy biến thế và dầu biến thế tại Nhà máy xi măng Thành Công ở tỉnh Hải Dương.
Một chuyên gia của dự án PCB Việt Nam cho hay, Nhà máy xi măng Thành Công có đủ năng lực kỹ thuật để xử lý máy biến thế và dầu nhiễm PCB. Tuy nhiên, đơn vị này chưa có giấy phép vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại PCB nên để có thể xử lý tại đây, Bộ TN&MT phải cấp phép cho đơn vị này hoặc áp dụng một cơ chế đặc biệt.
Chuyên gia của dự án PCB Việt Nam cho hay, với số lượng hơn 7.000 lít dầu biến thế nhiễm PCB cùng thân máy biến thế, chi phí vận chuyển, xử lý ước khoảng 5-7 tỷ đồng. Nếu chỉ xử lý dầu biến thế thì kinh phí khoảng 2-3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, ở góc độ bảo vệ môi trường thì phải xử lý triệt để cả dầu biến thế và máy biến thế. Thời gian xử lý tùy thuộc vào yêu cầu của phía chủ hàng, càng xử lý nhanh càng tốn kém. Tuy nhiên, để khả thi về mặt kỹ thuật, việc tiêu hủy lô hàng phải kéo dài từ 3-6 tháng.
Điều đáng nói là hiện nay Việt Nam vẫn chưa ban hành thông tư hướng dẫn kỹ thuật bảo quản, đóng gói, vận chuyển, tiêu hủy PCB. Dự thảo thông tư mới chỉ đang trong quá trình lấy ý kiến, dự kiến ban hành trong năm 2014.
(Theo Tiền phong)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.