Điều 27 trong Pháp lệnh Phòng chống mại dâm về mức xử lý đối với người mua dâm nêu rất rõ việc xử lý người mua dâm. Vậy, tới giờ đã có người mua dâm nào bị xử lý theo điều khoản này chưa?
- Đúng là Pháp lệnh đã quy định rất rõ ràng, thế nhưng thực tế khi các trường hợp bị xử lý vi phạm theo điều khoản này chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Trong quá trình thực hiện, một số đối tượng mua dâm bị phát hiện và bị xử lý hành chính.
Tuy nhiên, đối tượng này không nhiều. Luật quy định xử lý nghiêm, vì ngoài việc xử lý hành chính tại chỗ ra, các cơ quan chức năng còn gửi thông báo về tận địa phương hoặc cơ quan để xử lý kỷ luật, giáo dục, răn đe. Tuy vậy, như trên đã nói, thực tế việc thực thi pháp lệnh chưa đúng, chưa đủ.
Vậy nếu phát hiện, thì cơ quan nào có nhiệm vụ gửi thông báo về cơ quan hoặc địa phương của người mua dâm?
- Việc công bố danh tính người mua dâm và gửi thông báo về nơi cư trú sẽ do thủ trưởng đơn vị điều tra, phát hiện quyết định. Chế tài xử lý theo Pháp lệnh Phòng chống tệ nạn mại dâm thì chỉ xử lý hành chính. Trước hết là xử phạt hành chính tại chỗ, sau đó là gửi thông báo về nơi cư trú hoặc cơ quan nơi đối tượng làm việc để giáo dục và xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, như tôi nói, số “bị” thông báo còn rất ít.
|
Công an lấy lời khai ban đầu của các đối tượng mua và bán dâm. |
Công an vừa triệt phá 2 đường dây mại dâm có sự tham gia của các hoa hậu, người mẫu... và danh tính họ được công khai và đăng trên nhiều báo, nhưng không thấy công khai danh tính người mua dâm. Ông nghĩ sao?
- Pháp lệnh không hề đề cập tới chuyện công khai danh tính, nhất là công khai trên các phương tiện truyền thông hay cộng đồng của cả người mua dâm, bán dâm lẫn môi giới.
Ông Lê Đức Hiền cho biết: Trong năm 2011, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 4.427 đối tượng liên quan tới mại dâm, trong đó có 1.385 gái bán dâm, 1.206 khách mua dâm, 843 đối tượng là chủ chứa môi giới.
Theo ông, mức xử lý vi phạm hành chính có đủ sức răn đe đối tượng mua dâm?
- Theo cá nhân tôi, luật đã quy định rất cụ thể về việc xử lý vi phạm về mại dâm cũng như chức năng nhiệm vụ của các cơ quan chức năng trong việc phòng chống tệ nạn mại dâm.
Đúng là một số điều khoản trong việc xử phạt hành chính còn nhẹ, cần phải được bổ sung. Sắp tới, Quốc hội sẽ thảo luận để thông qua Luật Xử lý hành chính, trong đó có nội dung về công tác phòng chống tệ nạn mại dâm. Tôi hy vọng chế tài sẽ được sửa theo hướng tăng nặng.
Xin cảm ơn ông
Minh Nguyệt (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.