Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Công an toàn quốc (ảnh TTXVN).
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng và đóng góp to lớn của lực lượng Công an nhân dân vào thành tựu chung của đất nước; ghi nhận và tôn vinh những tấm gương cán bộ, chiến sĩ Công an thực sự "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ", mưu trí, dũng cảm, không quản hiểm nguy, chấp nhận hy sinh, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Năm 2018 và nửa nhiệm kỳ qua, lực lượng Công an nhân dân đã thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, được cộng đồng quốc tế đánh giá là đất nước thanh bình, là điểm đến an toàn của bạn bè quốc tế.
Một trong những nội dung nổi bật là lực lượng Công an đã tích cực triển khai thực hiện việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gắn với tăng cường xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp theo các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII…
Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã chủ động đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ huy, đẩy mạnh các phong trào thi đua, xây dựng phong cách làm việc gần dân, sâu sát cơ sở; khẩn trương sắp xếp đội ngũ cán bộ đồng thời với việc đổi mới, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy; thẳng thắn chỉ ra, xử lý và đề xuất xử lý một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật; xử lý nhiều vấn đề tồn tại về công tác cán bộ từ những năm trước, nhiệm kỳ trước, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo chỉ huy cao cấp, bước đầu ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, thực tế cho thấy, việc xử lý nghiêm một số cán bộ có sai phạm không hề làm giảm vị thế, uy tín của Công an như có người lo ngại, mà ngược lại, càng khẳng định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, bản lĩnh, sức mạnh kỷ luật, kỷ cương, nâng cao uy tín của lực lượng Công an nhân dân…
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng chỉ rõ những khuyết điểm, tồn tại ngành Công an cần khắc phục trong thời gian tới, như công tác nắm, dự báo và xử lý tình hình, nhất là ở một số công an địa phương vẫn còn hạn chế; một số vụ việc chưa được phát hiện, báo cáo kịp thời, dẫn đến lúng túng trong xử lý, giải quyết.
Công tác đấu tranh với tội phạm kinh tế, tham nhũng ở một số địa phương còn hạn chế. Công tác phòng, chống cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ chưa đạt kết quả như mong muốn; còn để xẩy ra nhiều vụ cháy, nổ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Chất lượng đội ngũ cán bộ ở một số đơn vị, địa phương chưa đáp ứng yêu cầu; việc đánh giá, bố trí cán bộ một số trường hợp chưa được quan tâm đúng mức. Công tác quản lý cán bộ, bảo vệ nội bộ vẫn còn sơ hở, để xảy ra một số vụ việc tiêu cực nghiêm trọng, một số cán bộ trong ngành bị xử lý kỷ luật, bị tước danh hiệu, xử lý hình sự, làm ảnh hướng đến uy tín của lực lượng công an nhân dân.
Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, ngành Công an cần tiếp tục thực hiện đạt hiệu quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VI.
Toàn ngành phát huy vai trò nòng cốt giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống; tuyệt đối không chủ quan, để bị động, bất ngờ; chủ động dự báo sớm, đánh giá đúng tình hình; nhận diện rõ các nguy cơ, mối đe dọa lợi ích quốc gia, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước các chủ trương, chính sách, giải pháp lớn có tính chiến lược trong xử lý các vấn đề về an ninh, trật tự.
Toàn ngành cần tiếp tục đổi mới các mặt công tác, chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, ngăn ngừa khủng bố, gây rối, phá hoại; ứng phó có hiệu quả với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống và các vấn đề phức tạp nổi lên về an ninh, trật tự. Trong xử lý các vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự, phải quán triệt sâu sắc quan điểm "lấy dân làm gốc" và đề cao phương châm 4 tại chỗ: "Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ"; có đối sách sắc bén, kịp thời, phù hợp với từng vụ việc cụ thể; xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các cấp, các lực lượng, vai trò, trách nhiệm của người chỉ huy, người đứng đầu, chủ động phối hợp, hiệp đồng tác chiến với các lực lượng.
Toàn ngành cần kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ; kiên quyết tấn công, trấn áp mạnh, xử lý nghiêm, đúng pháp luật, làm giảm các loại tội phạm và vi phạm pháp luật, không để hình thành các băng nhóm, tổ chức tội phạm hoạt động "lộng hành" theo kiểu "xã hội đen", bảo đảm trật tự, kỷ cương, cuộc sống bình yên, an toàn của nhân dân.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, ngành Công an cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong phòng ngừa, đấu tranh, không để kẻ địch, phần tử xấu thâm nhập, lôi kéo, móc nối, tác động "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; bảo đảm mọi chủ trương, đường lối của Đảng phải được thực hiện có hiệu quả trong thực tế; đề cao cảnh giác, kịp thời phát hiện và kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm thù địch, sai trái; vạch trần những âm mưu và hành động lợi dụng một số vụ án, vụ việc tiêu cực, làm tổn hại tới khối đại đoàn kết toàn dân, hạ thấp vai trò, uy tín của Đảng, Nhà nước và lực lượng công an nhân dân…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.