Xử lý ra sao đối với Ngân hàng Thương mại bị rút tiền hàng loạt?

An Linh Thứ sáu, ngày 19/01/2024 11:55 AM (GMT+7)
Theo quy định của Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, trường hợp các tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt, Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng hàng loạt các biện pháp khống chế bằng nghiệp vụ kỹ thuật.
Bình luận 0

Cụ thể, tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước và thực hiện ngay các biện pháp. Trong đó, không chia cổ tức bằng tiền mặt; tạm dừng hoặc hạn chế các hoạt động cấp tín dụng và các hoạt động khác có sử dụng nguồn tiền của tổ chức tín dụng; các giải pháp khác để đáp ứng yêu cầu chi trả tiền gửi cho khách hàng.

Thực hiện các biện pháp tại phương án khắc phục trong tình huống bị rút tiền hàng loạt quy định tại Điều 143 của Luật này; cập nhật, điều chỉnh phương án trong trường hợp cần thiết.

Xử lý ra sao đối với Ngân hàng Thương mại bị rút tiền hàng loạt?- Ảnh 1.

Trong Luật Các Tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2024, Ngân hàng nhà nước đưa ra hàng loạt biện pháp hỗ trợ ngân hàng thương mại khi tổ chức này bị rút tiền hàng loạt (Ảnh: SCB từng có thời điểm bị rút tiền hàng loạt)

Trường hợp tổ chức tín dụng đang được can thiệp sớm bị rút tiền hàng loạt, tổ chức tín dụng đó phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước về tình trạng rút tiền hàng loạt và rà soát, đánh giá lại thực trạng để xây dựng, điều chỉnh phương án khắc phục theo quy định.

Trong các giải pháp mà tổ chức tín dụng được áp dụng biện pháp hỗ trợ khi bị rút tiền hàng loạt, họ được quyền bán giấy tờ có giá cho Ngân hàng Nhà nước trên nghiệp vụ thị trường mở với lãi suất 0%.

Bên cạnh đó, ngân hàng này được thực hiện giao dịch ngoại tệ với Ngân hàng Nhà nước để bảo đảm thanh khoản theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Cuối cùng, ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô được vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước; vay đặc biệt từ tổ chức bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi; vay đặc biệt từ tổ chức tín dụng khác.

Ngoài quy định về khắc phục nguy cơ ngân hàng bị rút tiền ồ ạt, Luật Các Tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung quy định về khái niệm người có liên quan, theo đó bổ sung trách nhiệm công bố, công khai thông tin của cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng trở lên, người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng. Bổ sung, bảo đảm quyền của cổ đông thiểu số.

Sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện người quản lý, điều hành, nâng cao tính độc lập, chuyên trách của thành viên Hội đồng quản trị độc lập; thành viên Ban kiểm soát; tăng số lượng tối thiểu thành viên Ban kiểm soát của ngân hàng thương mại. Sửa đổi, bổ sung để tăng cường trách nhiệm của Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng.

Sửa đổi, bổ sung các quy định tăng cường vai trò của ngân hàng hợp tác xã trong việc hỗ trợ quỹ tín dụng nhân dân thành viên...

Bên cạnh đó, Luật cũng bổ sung quy định để hợp nhất Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, phù hợp với định hướng chung của Đảng, Nhà nước trong việc cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Luật Các tổ chức tín dụng 2024 cũng bổ sung quy định về cấm tổ chức tín dụng, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm dịch vụ ngân hàng.

Để hạn chế tác động lớn tới thị trường khi Luật được ban hành, Luật có quy định điều khoản chuyển tiếp đối với những quy định được sửa đổi, bổ sung tại Luật.

Các ngân hàng chuẩn bi kịch bản cho can thiệp sớm

Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế Luật Các tổ chức tín dụng 2024 bổ sung quy đinh yêu cầu các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xây dựng phương án khắc phục dự kiến trong các trường hợp bị can thiệp sớm. Quy định này nhằm yêu cầu các ngân hàng thương mại có sẵn các kịch bản cho trường hợp bị can thiệp sớm. Theo đó, khi tổ chức tín dụng có vấn đề phát sinh thì triển khai ngay các giải pháp cần thiết, đảm bảo tính kịp thời.

Luật Các tổ chức tín dụng 2024 thay đổi về cách tiếp cận đối với can thiệp sớm tổ chức tín dụng. Theo đó, can thiệp sớm không phải là một trạng thái xử lý cụ thể. Trên tinh thần từ xa, từ sớm, khi phát hiện các tổ chức tín dụng thuộc trường hợp can thiệp sớm, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi tổ chức tín dụng để thực hiện các yêu cầu, xây dựng, cập nhật phương án khắc phục để quay trở lại hoạt động bình thường.

Luật Các tổ chức tín dụng 2024 cũng bổ sung các trường hợp can thiệp sớm so với Luật hiện hành như trường hợp tổ chức tín dụng có lỗ lũy kế lớn hơn 15% vốn điều lệ, vốn được cấp và các quỹ dự trữ… Trong quá trình tổ chức tín dụng thực hiện phương án khắc phục, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét điều chỉnh theo hướng áp dụng bổ sung thêm, kéo dài hoặc rút ngắn thời gian áp dụng các biện pháp, hạn chế để phù hợp với tình hình thực hiện phương án khắc phục của tổ chức tín dụng. Trường hợp tổ chức tín dụng thực hiện thành công phương án khắc phục và trở lại hoạt động bình thường thì việc áp dụng các biện pháp hạn chế, yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước cũng chấm dứt.

Luật Các tổ chức tín dụng 2024 cũng bổ sung quy định về rút tiền hàng loạt, trong đó quy định rõ các biện pháp hỗ trợ thanh khoản, các biện pháp khác đối với tổ chức tín dụng khi tổ chức này bị rút tiền hàng loạt, đảm bảo an toàn hệ thống và đảm bảo quyền lợi người gửi tiền.

Trên cơ sở kế thừa Luật hiện hành, Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi quy định về kiểm soát đặc biệt và các phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng, trong đó có điều chỉnh để xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh thời gian qua.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem