Xuất khẩu dệt may hướng tới mục tiêu 48 tỷ USD: Chuyên gia nói "lợi thế của Việt Nam chưa thật sự rõ ràng"
Xuất khẩu dệt may hướng tới mục tiêu 48 tỷ USD: Chuyên gia nói "lợi thế của Việt Nam chưa thật sự rõ ràng"
L. Anh
Thứ năm, ngày 30/01/2025 13:00 PM (GMT+7)
Dù các doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến quý 1/2025 và đang đàm phán cho những quý tiếp theo. Nhưng ngoài những điều kiện tích cực, chuyên gia nhấn mạnh rằng, lợi thế của Việt Nam chưa thật sự rõ ràng để có thể hưởng lợi lớn trong xu hướng dịch chuyển khỏi Trung Quốc.
Ngành dệt may "thoát hiểm" nhờ đơn hàng dịch chuyển từ Bangladesh
Số liệu Hải quan Việt Nam cho biết, năm 2024, trị giá xuất khẩu hàng dệt may đạt 37,04 tỷ USD, tăng 11,2% (tương ứng tăng 3,72 tỷ USD) so với năm trước. Dệt may là 1 trong 3 ngành xuất khẩu có giá trị xuất khẩu tăng trưởng mạnh của Việt Nam, chỉ sau nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị và phụ tùng.
Trong đó, Hoa Kỳ đạt 16,15 tỷ USD, tăng 11,6%; Nhật Bản đạt 4,33 tỷ USD, tăng 6,7%; EU (27 nước) đạt 4,32 tỷ USD, tăng 12,2% và Hàn Quốc đạt 3,15 tỷ USD, tăng 3,3% so với năm trước là các thị trường nhập khẩu lượng lớn nhóm hàng dệt may của Việt Nam.
Một số thị trường nhập khẩu lượng lớn nhóm hàng dệt may của Việt Nam.
Nhìn lại quý 1, quý 2 năm 2024, tình hình hoạt động của nhóm doanh nghiệp hàng dệt may của Việt Nam vẫn rất khó khăn. Các doanh nghiệp cho biết, yếu tố khách quan chủ yếu đến từ kinh tế thế giới tiếp tục suy giảm, lạm phát tăng; bất ổn chính trị tiếp tục duy trì… Bên cạnh đó, nhu cầu dệt may không tăng, đơn hàng với ngành may tiếp tục là đơn hàng nhỏ lẻ, yêu cầu khắt khe về chất lượng, thời gian giao hàng nhanh.
Đáng chú ý, đơn giá ngành may trong 6 tháng đầu năm vẫn ở mức rất thấp trên nền đơn giá của năm 2023. Với ngành sợi, thị trường vẫn ảm đạm, giá bán dưới giá thành, tuy có cải thiện một chút nhưng vẫn lỗ.
Tuy nhiên, nửa cuối năm có sự đảo chiều bất ngờ. Một số thị trường "đối thủ" của dệt may Việt Nam bị bất ổn chính trị, điển hình là Bangladesh - nước xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ hai trên thế giới (chỉ sau Trung Quốc). Hiện, hầu hết doanh nghiệp dệt may cho biết đã có đơn hàng đến quý 1/2025, đồng thời một số doanh nghiệp ghi nhận đang đàm phán đơn hàng cho quý 2-3/2025. Song điều chưa lạc quan nhiều, đơn giá vẫn không tăng.
Mặc dù vậy, theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), ngành dệt may hiện đang còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể, các doanh nghiệp hiện ít có cơ hội tiếp cận với những đơn hàng lớn, chủ yếu phải nhận những đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh và yêu cầu khắt khe.
Chuyên gia nói "lợi thế của Việt Nam chưa thật sự rõ ràng"
Thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, năm 2025 ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 47-48 tỷ USD. Đây là con số có sự tính toán và nghiên cứu kỹ lưỡng về xu thế đơn hàng.
TS. Cấn Văn Lực phân tích bối cảnh kinh tế thế giới 2024-2025 với dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu đạt 3,2%, lạm phát giảm còn 5,8% năm 2024 và 4,3% năm 2025. Đối với Việt Nam, các chỉ số kinh tế chính dự báo: GDP tăng 7-7,2%, Xuất khẩu đạt 401-408 tỷ USD, FDI thực hiện đạt 24-25 tỷ USD, Lạm phát kiểm soát ở mức 3,8-4%.
Ông Lực khuyến nghị doanh nghiệp cần tận dụng chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lãi suất cũng như nắm bắt xu hướng xanh hóa và số hóa để đa dạng hóa thị trường, đối tác, sản phẩm.
Đáng chú ý, một số chuyên gia trong ngành này cũng nhìn nhận, dù biến động chính trị đang ảnh hưởng đến Bangladesh, nhưng nước này cũng phục hồi đơn hàng xuất khẩu nhanh, bởi dệt may là ngành đóng góp ngoại tệ xuất khẩu lớn của họ.
Do đó, về dài hạn, năm nay sẽ không còn nhiều dư địa khai thác đơn hàng dịch chuyển từ nước này, chưa kể phần lớn đơn hàng chảy về từ năm nay đều có giá trị không lớn.
Trong khi đó, chuyên gia Cao Ngọc Quân của Chứng khoán Rồng Việt kỳ vọng, thị trường Châu Âu sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn so với Mỹ. Lý do nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng trong 2025 sẽ dịch chuyển dòng tiền từ kênh tiết kiệm sang tiêu dùng nhiều hơn. Các hộ gia đình tại Châu Âu đã gia tăng đáng kể tỷ lệ tiết kiệm kể từ khi ECB nâng lãi suất điều hành kể từ tháng 07/2022.
Bên cạnh đó, việc các hộ gia đình duy trì tỷ trọng chi tiêu cho quần áo và chỉ số niềm tin kinh doanh đã thoát được ra khỏi xu hướng giảm và kỳ vọng sẽ cải thiện rõ ràng hơn trong năm 2025 cũng là những cơ sở để chuyên gia phân tích đưa ra dự báo về thị trường Mỹ.
Hộ gia đình Châu Âu duy trì tỷ trọng chi tiêu cho quần áo.
Ngoài những điều kiện tích cực, ông Quân nhấn mạnh rằng, lợi thế của Việt Nam chưa thật sự rõ ràng để có thể hưởng lợi lớn trong xu hướng dịch chuyển khỏi Trung Quốc.
Phân tích thêm, ông Quân cho rằng, phần lớn thương mại của Mỹ được thực hiện theo cơ chế Tối huệ quốc (MFN) với mức thuế trung bình là 3,5% (5,2% đối với sản phẩm nông nghiệp).
Giá trung bình hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩuvào Mỹ đang cao hơn so với các đối thủ quốc tế (2019 = 100).
Trung Quốc là quốc gia bị áp thuế trừng phạt 7,5% đối với các sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ. Trong khi đó các quốc gia Châu Á khác đều được đối xử bình đẳng dẫn đến lợi thế cạnh tranh của các quốc gia phụ thuộc vào chi phí sản xuất, thời gian xử lý đơn hàng, tuân thủ tiêu chuẩn ESG.
Giá bán trung bình của Việt Nam mặc dù đã giảm khoảng 30% từ mức đỉnh của 2022 nhưng vẫn cao hơn so với các quốc gia cùng khu vực
Tại Châu Âu, Việt Nam sẽ gặp bất lợi hơn về thuế quan, so với các quốc gia Châu Á khác như Bangladesh, Campuchia, Myanmar. Bởi nguyên liệu vải được nhập khẩu phần lớn từ Trung Quốc và Đài Loan nên chưa được hưởng mức ưu đãi thuế suất 0% của EVFTA.
SSI Research dự báo biên lợi nhuận gộp của Ngành dự kiến đi ngang trong năm 2025 so với năm 2024. Bất kỳ sự cải thiện nào của biên lợi nhuận gộp có thể đến từ tỷ lệ đơn đặt hàng FOB cao hơn trong tổng doanh thu. Chi phí vận chuyển vẫn biến động, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận ròng - đặc biệt là trong nửa đầu năm 2025 khi dự kiến sẽ có đơn đặt hàng trước. Thu nhập ngoại hối ròng có thể bù đắp cho mức tăng này do chỉ số DXY tăng mạnh, ít nhất là trong nửa đầu năm 2025. Dự báo tỷ giá USD/VND sẽ giảm khoảng -3% trong năm 2025, sau khi giảm khoảng -4% trong năm 2024.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.