Xuất khẩu dệt may Việt Nam cần điều kiện gì tiếp đà tăng trưởng sau khi leo "top" thế giới?
Xuất khẩu dệt may Việt Nam cần điều kiện gì tiếp đà tăng trưởng sau khi leo "top" thế giới?
Vũ Khoa
Thứ ba, ngày 07/01/2025 07:30 AM (GMT+7)
Đại diện Tổng công ty May 10 cho rằng, sự tăng trưởng xuất phát từ việc các doanh nghiệp dệt may đã tận dụng được một phần lợi thế từ 15 hiệp định Thương mại (FTA) đã có hiệu lực, từ đó mở rộng được thị trường xuất khẩu.
Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố ngày 6/1, tính chung cả năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,3%; nhập khẩu tăng 16,7%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,77 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 12/2024 đạt 35,53 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 12/2024 tăng 12,8%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 17,6%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 10,9%.
Tính chung cả năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 405,53 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm trước. Trong năm 2024 có 37 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong nhóm 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, dệt may có thể coi là một điểm sáng khi xuất khẩu tăng 11,2% so với năm 2023.
Năm 2024 tăng trưởng quy mô toàn cầu đối với ngành dệt may không có sự chuyển biến, tăng trưởng rõ nét. Nhưng Việt Nam có sự tăng trưởng là nhờ đón được sóng dịch chuyển đơn hàng.
Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, hết năm 2024, xuất khẩu dệt may Việt Nam sẽ cán đích xấp xỉ 44 tỷ USD, tăng xấp xỉ 11% so với năm 2023. Với kết quả này, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2 sau Trung Quốc về tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may.
Một trong những tác động lớn nhất đến sự tăng trưởng xuất phát từ việc các doanh nghiệp dệt may đã tận dụng được một phần lợi thế từ 15 hiệp định Thương mại (FTA) đã có hiệu lực, từ đó mở rộng được thị trường xuất khẩu. Nhiều thị trường, nhiều dòng sản phẩm vào thị trường FTA đã có thuế suất bằng 0.
Đặc biệt trong năm 2024 các doanh nghiệp đã tận dụng rất tốt xu thế chuyển dịch đơn hàng xuất khẩu từ một số quốc gia, điển hình như Trung Quốc, Bangladesh… thích ứng nhanh với những yêu cầu từ thị trường nhập khẩu.
Cùng với đó, là việc áp dụng các giải pháp về công nghệ, chuyển đổi số, tự động hoá …nhằm nâng cao năng lực quản trị và năng suất lao động.
Việc tham gia các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA,… đã mang lại nhiều lợi ích, mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam tăng trưởng và đa dạng hoá thị trường xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, mang lại những tác động tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thúc đẩy tăng trưởng giá trị thương mại.
Theo đại diện May 10, Việt Nam là quốc gia duy nhất ký kết FTA với tất cả các đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Anh, Nga.
Đặc biệt, Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 được Chính phủ phê duyệt mới đây sẽ là nền móng thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sợi - dệt - nhuộm, tạo cơ hội cho ngành dệt may tận dụng ưu đãi từ các hiệp định.
Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp khai thác triệt để được các thế mạnh của ngành cũng như lợi thế từ các FTA.
Dư địa để phát triển, khai thác lợi thế từ các hiệp định FTA vẫn còn rất lớn tuy nhiên cũng đòi hỏi các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực sản xuất, có sự liên kết chuỗi, phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước và các hiệp hội ngành hàng để xử lý kịp thời các phát sinh.
"Tại May 10 chúng tôi tiếp tục đa dạng hóa thị trường, khách hàng và mặt hàng. Theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững đi đôi với phát triển thích ứng với đòi hỏi của thị trường toàn cầu về vấn đề "chuyển đổi kép" và dây chuyền thích ứng giao hàng nhanh, mã hàng nhỏ, chất lượng cao", ông Bạch Thăng Long nói thêm.
Những điểm nghẽn nào cần tháo gỡ?
Để tạo thêm đà tăng trưởng, đại diện Tổng công ty May 10 cho rằng Bộ Công Thương cần sớm làm việc với các địa phương để hoạch định phát triển các khu công nghiệp đáp ứng quy định của Luật Bảo vệ môi trường và cho phép kêu gọi đầu tư vào ngành công nghiệp dệt và nhuộm, qua đó hỗ trợ cho các doanh nghiệp dệt may có thể tận dụng tốt nhất các FTA.
Ngoài ra, khảo sát của Tổng cục Thống kê cho biết, 42% doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo kiến nghị giảm lãi suất cho vay. 22,1% doanh nghiệp kiến nghị cần cắt giảm điều kiện, thủ tục vay vốn và được hỗ trợ quá trình hoàn thiện hồ sơ vay vốn nhanh hơn để doanh nghiệp có nguồn vốn sản xuất kinh doanh kịp thời và hiệu quả hơn.
Về nguồn nguyên, vật liệu đầu vào cho sản xuất, 33,3% doanh nghiệp kiến nghị cần bình ổn giá nguyên, nhiên, vật liệu, giá dịch vụ đầu vào cho SXKD; 25,9% doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước cần ổn định nguồn cung nguyên, vật liệu.
Cùng đó, 25,2% doanh nghiệp kiến nghị cần rút ngắn thời gian và cắt giảm quy trình xử lý thủ tục hành chính.
Mặt khác, doanh nghiệp kiến nghị tiếp tục cải thiện chất lượng dịch vụ logistic, nguồn điện ổn định phục vụ sản xuất kinh doanh, tiền thuê đất phục vụ sản xuất kinh doanh..
Cùng đó, về thị trường đầu ra, 22,1% doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục có các biện pháp kích cầu trong nước, tuyên truyền để người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; 20,3% doanh nghiệp kiến nghị cần tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.