Xuất khẩu nông sản quý 1: Tăng nhưng vẫn lo

Đình Thắng Thứ sáu, ngày 08/04/2016 14:00 PM (GMT+7)
Theo đánh giá của các chuyên gia, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản các quý tới có khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng khi nhiều mặt hàng bắt đầu tăng giá, thị trường đang phục hồi.
Bình luận 0

Tuy nhiên những tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng hạn hán đang diễn ra tại các khu vực sản xuất nông nghiệp trọng điểm có thể sẽ cản trở tốc độ tăng trưởng trong xuất khẩu nông sản.

Tăng do được giá

Bộ NNPTNT cho biết tổng giá trị xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2016 đạt 6,73 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 3,41 tỷ USD, tăng 8,6%. Cụ thể, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 3 ước đạt 629.000 tấn với giá trị đạt 274 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2016 ước đạt 1,59 triệu tấn với 692 triệu USD, tăng 41,6% về khối lượng và tăng 40,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

imgThủy sản là 1 trong 3 lĩnh vực tăng trưởng cả về sản lượng và giá trị trong quý 1.2016. Ảnh:I.T

Đánh giá về tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu gạo trong thời gian tới, tiến sĩ Lê Văn Bảnh - Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NNPTNT) cho biết: “Mặt hàng gạo xuất khẩu có nhiều khả quan về giá cả, thị trường nhập khẩu gạo mở rộng hơn, Trung Quốc đã mở cửa tiếp tục nhập khẩu gạo Việt Nam. Hiện nay, Trung Quốc đứng vị trí thứ 2 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm với 17,15% thị phần. Tiếp đó là Indonesia, nước này đang vươn lên là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần đạt 31,42%”.

Để xuất khẩu thủy sản các quý tới tiếp tục tăng trưởng như quý 1.2016 không phải là đơn giản bởi vì hiện nay một số mặt hàng thiếu hụt nguyên liệu do biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, giảm nuôi trong năm 2015 do tác động về giá cả.
Ô

ng Trương Đình Hoè 

Xuất khẩu cà phê có sự phục hồi so với cùng kỳ năm trước, kéo theo giá cà phê trong nước đã được đẩy lên. Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho rằng: “Cà phê cũng đang tăng giá, những đợt tăng giá như thế này sẽ giải quyết tốt lượng hàng cà phê tồn trong kho”. Thực tế khối lượng xuất khẩu cà phê 3 tháng qua đạt 479.000 tấn với 808 triệu USD, tăng 30,2% về khối lượng và tăng 5,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, theo nhận định tình hình hạn hán hiện nay ở Tây Nguyên có thể sẽ cản trở việc xuất khẩu của mặt hàng này trong thời gian tới.

Trong khi đó, xuất khẩu thuỷ sản cũng đã phục hồi, giá trị xuất khẩu thủy sản 3 tháng đạt gần 1,36 tỷ USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2015. Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2016, chiếm 51,84% tổng giá trị xuất khẩu.

Ông Trương Đình Hoè - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay: “Giá cả của các mặt hàng thủy sản đã tăng lên so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu thủy sản bắt đầu đi vào ổn định. Trong thời gian tới ngành thủy sản cần đẩy mạnh xúc tiến thị trường tháo gỡ những rào cản kỹ thuật đến từ các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, đồng thời mở rộng ra các thị trường mới ở châu Á với 3 tỷ khách hàng tiềm năng”.

Vẫn lo thủy sản, cà phê

Nhiều chuyên gia nhận định năm 2016, sự biến đổi của khí hậu ngày càng rõ nét, những tác động của các hiện tượng El Nino, La Nina khiến cho thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn. Điều này sẽ tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản. Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng: “Vấn đề hạn hán xâm nhập mặn cũng ảnh hưởng tới tình hình xuất khẩu gạo. Hạn mặn đã làm thiệt hại giảm năng suất vụ đông xuân”. Theo nhận định của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), có thể năm 2016 sản lượng gạo sẽ giảm khoảng 1 triệu tấn do hạn hán.

Mặt hàng cà phê cũng không tránh khỏi các tác động xấu của biến đổi khí hậu, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, hiện sản xuất cà phê đang chịu ảnh hưởng nặng do hạn hán tồi tệ nhất suốt ba thập kỷ qua. Thiếu nước, khô hạn đe dọa trên 165.000ha (gần 30% tổng diện tích trồng cà phê ở Tây Nguyên), trong đó, tới 40.000ha bị hư hỏng. Gặp nhiều khó khăn trong thu mua sản phẩm phục vụ xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp đặt ra mục tiêu giữ chân những khách hàng truyền thống của mình trước khi tính đến mục tiêu mở rộng thị trường trong năm nay.

Đối với thủy sản, tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn khuyến cáo: “Ngành thủy sản cần có những tính toán để tăng sản lượng phù hợp, tính toán đến các tác động của biến đổi khí hậu để chủ động trong sản xuất cũng như lựa chọn đầu tư phát triển các mặt hàng có ưu thế. Bên cạnh đó hiện nay về mặt thị trường, có một số thị trường lớn truyền thống đang xây dựng và áp dụng các chương trình kiểm soát đối với các mặt hàng thủy sản Việt Nam, nên các hộ nuôi cần có sự chủ động cập nhật thông tin để kịp thời chuyển đổi vùng nuôi đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe hơn từ các nước nhập khẩu”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem