Bà Đỗ Thị Thược (85 tuổi) đi bộ 2 tiếng đồng hồ để đến nhà Tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông mong được viếng Đại tướng Lê Đức Anh.
Sáng nay (3.5), quanh khu vực nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, lực lượng chức năng đã thắt chặt an ninh tại khu vực Nhà tang lễ quốc gia để phục vụ lễ tang Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.
Ngay từ sáng sớm, rất nhiều người có mặt ở nhà Tang lễ quốc gia viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.
Ngay từ sáng sớm, khu vực nội thành Hà Nội đổ mưa nhỏ, nhưng quanh khu vực nhà Tang lễ Quốc gia có rất đông các phái đoàn và người dân đến viếng và tiễn đưa Đại tướng Lê Đức Anh. Trong số này, có những bà cụ tự mình đi bộ hàng tiếng đồng hồ chỉ để có thể chào Đại tướng trong những phút cuối cùng. Cũng có người mang theo những tấm hình đã cũ nhuốm màu năm tháng chụp cùng nguyên Chủ tịch nước như một cách để tri ân.
Lọ mọ thức dậy từ sáng sớm, bà Đỗ Thị Thược (85 tuổi) mặc mưa gió ngoài trời, cuốc bộ 2 tiếng đồng hồ từ Khu tập thể NM Dệt 8/3 (Kim Ngưu, Hoàng Mai) để có mặt tại cổng nhà tang lễ. Hướng ánh mắt vào bên trong bà nói: “Ngày nghe tin Đại tướng mất, tôi rất bàng hoàng và xúc động. Đại tướng Lê Đức Anh là người đã có nhiều công lao với Đất nước nên hôm nay dù mưa gió tôi vẫn cố lên đây bằng được để viếng Đại tướng".
Bà Mai Thị Nhật (83 tuổi) mang theo những bức ảnh chụp cùng nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh mong được vào thắp nén tâm hương cho Đại tướng.
Cũng giống như bà Thược, bà Mai Thị Nhật (83 tuổi) đã có mặt tại khu vực nhà tang lễ từ rất sớm. Đôi tay run run cầm một tập ảnh đã phai màu, bà nói với PV: “Trước đây, tôi may mắn đã có dịp được gặp và được chụp ảnh cùng Đại tướng Lê Đức Anh. Khi nghe tin Đại tướng ốm phải nằm viện, tôi rất buồn. Cả đời Đại tướng đã đóng góp vì dân vì nước... Hôm nay, trong giờ phút này, tôi mang theo những bức hình này chỉ mong được vào thắp nén tâm hương cho Đại tướng”.
Trời về trưa, mưa đã ngớt, sân nhà Tang lễ Quốc gia vẫn không ngớt đoàn xếp hàng lần lượt vào viếng. Mỗi đoàn, sau khi làm lễ, thắp hương trước linh cữu nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh đều dành một phút mặc niệm trong tiếng nhạc Hồn tử sĩ và bước chậm rãi vòng quanh linh cữu tiễn biệt.
Đoàn học sinh trường Trung học Cơ sở Lương Yên đại diện cho học sinh toàn TP.Hà Nội đến viếng Đại tướng Lê Đức Anh.
Nhiều người tay chắp trước ngực, đầu cúi thấp khi bước đến bên linh cữu cố Chủ tịch nước. Sau đó, chậm rãi tiến đến chia sẻ nỗi đau mất mát với nhiều người trong gia quyến Đại tướng Lê Đức Anh trước khi ngồi vào bàn ghi sổ tang.
Chia sẻ với PV, Đại úy Phạm Xuân Hương (77 tuổi, Hà Nội), cựu binh lái tàu không số vẫn nhớ như in trong ký ức của mình, vào cuối năm 1964, ông vinh dự được làm thợ máy trên chuyến tàu chở Thủ trưởng - Đại tướng Lê Đức Anh từ miền Bắc vào Nam. "Chúng tôi nhận được lệnh đến bến K15, Hải Phòng đón đoàn lãnh đạo cấp cao vào Cà Mau. Sau này tôi mới biết rằng trên chuyến tàu đó có tướng Lê Đức Anh. Chuyến đi gian khó nhưng rất tự hào", ông Hương kể.
Đặc biệt, trong dòng người từ khắp nơi về viếng Đại tướng Lê Đức Anh có đoàn của thầy và trò trường Trung học Cơ sở Lương Yên đại diện cho học sinh toàn TP.Hà Nội do cô Đinh Thị Phương, Hiệu trưởng nhà trường làm trưởng đoàn đến viếng. “Trong không khí trang nghiêm hôm nay, được đại diện cho học sinh trường, em thấy rất xúc động. Nhân dịp này, em và các bạn đã biết thêm những đóng góp của Đại tướng cho đất nước”, em Trần Nhan Thủy Tiên, lớp 7A1 chia sẻ.
Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh qua đời lúc 20h10 ngày 22.4 tại nhà số 5A, Hoàng Diệu, Hà Nội.
Sinh năm 1920, tại xã Lộc An (Phú Lộc, Thừa Thiên Huế), Đại tướng Lê Đức Anh là một trong số ít người có sự nghiệp gắn liền với nhiều thời kỳ cách mạng.
Ông vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1938, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới Phía Bắc.
Năm 1981-1986, ông làm Thứ trưởng Quốc phòng, kiêm tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia; được Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 5 bầu vào Bộ Chính trị (năm 1982); được thăng quân hàm Đại tướng năm 1984; giữ chức Tổng Tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam từ năm 1986.
Tháng 2.1987, ông làm Bộ trưởng Quốc phòng. Năm 1992, ông được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Từ năm 1997, ông là cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng đến khi nghỉ hưu năm 2001.
Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh được khen thưởng: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng nhất, Huân chương Chiến công hạng nhì, Huân chương Chiến thắng hạng nhất và nhiều huân chương của Liên Xô (cũ), Cu Ba, Campuchia, Lào. Ông là đại biểu Quốc hội khóa: VI, VII, VIII và IX; Ủy viên Trung ương Đảng từ khóa IV đến VIII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa: V, VI, VII và VIII.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.