Trong phòng trọ nhỏ ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, chị Nguyễn Thị Thu Trang (39 tuổi) đang chăm sóc chồng bị bại liệt trong cái thời tiết nóng bức. Chồng chị là Nguyễn Văn Trung cũng 39 tuổi, anh bị liệt gần 10 năm nay.
Cách đây hơn 10 năm, hai anh chị tình cờ gặp nhau tại một ảnh viện áo cưới ở Việt Trì. Chị Trang (Phú Thọ) xin làm thu ngân, anh Trung (quê Yên Bái) xin học chụp ảnh. Sau một thời gian tìm hiểu, họ về chung một nhà vào năm 2009.
Cưới nhau được 3 tháng, trong một lần đón vợ đi làm về, anh Trung bị ô tô đâm trúng, chấn thương sọ não.
Sau khi điều trị ở Phú Thọ rồi trở lại Yên Bái, tay chân của anh Trung vẫn không cử động được, gần như vô thức. Một năm sau, người đàn ông gây tai nạn đưa anh Trung xuống Hà Nội châm cứu, thời điểm đó chân tay anh Trung cử động được. Từ đó chị Trang bắt đầu chuỗi ngày bám trụ ở Hà Nội chăm chồng.
Mới đầu chưa tìm được việc làm, chị Trang đi bán nước vỉa hè nuôi chồng. Hiện tại, chị Trang làm cho một công ty ở Thanh Trì với mức lương hơn 4 triệu đồng/tháng.
Hoàn cảnh gia đình hai bên cũng khó khăn nên một mình chị vất vả, ngược xuôi nuôi chồng. Mỗi tháng, mẹ anh Trung gửi cho anh chị 1,5 triệu đồng. Già yếu lại bị bệnh thoái hóa cột sống nên từ ngày anh Trung đến Hà Nội, bà chưa gặp con lần nào.
Thời gian dài chăm chồng khiến chị Trang từ một cô gái xinh đẹp giờ chỉ còn tấm thân gầy 35kg. Tấm thân gầy gò, tất bật chăm chồng không chỉ như một người vợ chung thủy mà còn như một người mẹ, người bạn tâm giao…
Hằng ngày, chị Trang thức dậy từ 5h sáng, nấu cơm, mua đồ ăn sáng về cho chồng. Đến trưa, được nghỉ 1,5 giờ đồng hồ, chị lại vội về cho chồng ăn, xoa bóp tay chân cho anh. Nhiều hôm, để kịp giờ làm, chị đành ăn tạm chiếc bánh mỳ. Chiều tan tầm, chị lại chạy 10km về nhà xoa bóp, nấu cơm cho chồng…
Sợ chồng nằm lâu trên giường lại bị lở loét thêm, chị thường xuyên lật người chồng, bế để chồng ngồi vào ghế. Nhìn tấm thân gầy gò cố hết sức kéo chồng dạy khỏi giường, những người hàng xóm rất xúc động.
“Hoàn cảnh hai vợ chồng như vậy chúng tôi thương lắm, nhiều lúc Trang đi vắng chúng tôi sang giúp đỡ Trung sinh hoạt”, bà Nguyễn Thị Giàu (62 tuổi, quê An Giang, ở phòng trọ kế bên) nói.
Tuy khó khăn, có những lúc chị phải vừa bón vừa dụ chồng ăn nhưng anh không ăn khiến chị phát khóc. Nhưng có những lúc cả hai nở nụ cười tình tứ với nhau khi nghe những bản nhạc trữ tình. Hiện tại, vợ chồng anh chị chưa có con.
Mắt ngấn lệ, chị Trang mong muốn thời gian tới có điều kiện đưa chống tới bệnh viện lớn điều trị để anh được đi tập tễnh hay nói được đôi ba câu. “Vợ chồng tôi sinh chỉ chênh nhau đúng một giờ, nếu anh ấy sinh chậm khoảng 1 giờ đồng hồ nữa thì chúng tôi sẽ sinh cùng giờ, cùng tháng và cùng năm”, chị Trang tiết lộ.
Mỗi lần có khách, chị Trang lại mang album cưới ra khoe về cái thời mà hai anh chị đẹp nhất.
Một phụ nữ khuyết tật Trung Quốc đang làm dậy sóng cộng đồng mạng khi làm tất cả mọi việc trong nhà từ rửa bát,...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.