“Ỷ thế độc quyền, nửa đêm tăng giá xăng”

Thứ năm, ngày 04/04/2013 08:51 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tại buổi họp báo định kỳ mới đây, Bộ Công Thương cho biết, từ nay việc tăng giá xăng dầu sẽ không được báo trước để tránh ảnh hưởng tới thị trường, tránh đầu cơ, trục lợi.
Bình luận 0

Trả lời phỏng vấn của NTNN, chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cho rằng, phát ngôn như vậy là “Ỷ thế độc quyền”!

Giá xăng dầu của ta thường được quyết định tăng, hoặc có hiệu lực tăng giá vào lúc tối, thậm chí nửa đêm, ông nghĩ sao về điều này?

- Trên thực tế, vị thế độc quyền của xăng dầu sẽ khiến họ làm được như thế. Độc quyền thì họ tăng lúc nửa đêm là quyền của họ, trong khi các nước không làm thế. Việc đưa ra các quyết định tăng giá không giống ai chính là bởi họ tăng giá không phải do sức ép của thị trường buộc phải tăng, hay ổn định thị trường gì cả, mà nhờ vị thế độc quyền thì người ra tạo được ra cái quyền tăng giá như thế. Chừng nào chưa giải quyết được độc quyền xăng dầu thì người dân buộc phải chấp nhận.

img
Ông Phạm Tất Thắng.

Nhưng việc công bố công khai giá xăng dầu tăng ở đây là các cơ quan nhà nước, đâu phải doanh nghiệp xăng dầu, thưa ông?

- Cơ quan nhà nước thì cũng phải công bố dựa trên cơ sở mà cơ quan nhà nước tính toán, dựa trên ý kiến của doanh nghiệp. Nói gì thì nói, xăng dầu của ta đã không theo cơ chế thị trường thì nó bất bình thường từ ngay cả việc công bố tăng - giảm giá cũng là bình thường...

Nhưng các cơ quan chức năng cho rằng, các quyết định tăng giá đều là văn bản “mật” khiến họ không thể công bố được một cách công khai?

- Thôi đành, lý do của họ thì họ có quyền đưa ra. Nhưng tôi cho rằng, nhu cầu của người tiêu dùng, của thị trường có quyền đòi hỏi sự công khai, minh bạch. Đây cũng là xu hướng tất yếu. Hiện thời các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp có thể vẫn giữ được cung cách quản lý, kinh doanh xăng dầu như hiện nay nhưng về lâu dài chắc chắn họ sẽ buộc phải thay đổi trước sức ép của người dân, thị trường.

Mỗi lần giá xăng dầu biến động thì người dân lại nơm nớp, ùn ùn đi mua xăng, thậm chí có doanh nghiệp đã kịp trữ cả vạn lít xăng dầu, nhiều cửa hàng còn đóng cửa chờ tăng giá... Việc “giữ bí mật” về giá xăng tăng đâu có giúp ổn định được thị trường, thưa ông?

- Đúng là như thế. Tôi ví dụ tại Campuchia, Thái Lan, giá xăng dầu do doanh nghiệp quyết định. Tất cả đều hoạt động theo sự thúc ép của thị trường. Xăng dầu VN phải mở cửa cho nước ngoài vào kinh doanh. Ngay gạo - ảnh hưởng tới quốc kế dân sinh ta còn mở được, tại sao xăng dầu không mở?! Quyền nhập khẩu xăng dầu cũng phải mở ra cho các cơ sở khác, rồi cho phép mở các cơ sở bán lẻ xăng dầu, không thể để các doanh nghiệp hiện nay nương tựa mãi vào nhà nước.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem