Hai phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt (thứ 2 từ trái sang và thứ 2 từ phải sang) tham gia cùng Tổ công tác kiểm tra, xử lý hành vi đánh bắt thủy sản trái phép vào ban đêm trên hồ Thác Bà. Ảnh: Lam Anh - Hoàng Chiên
PV Báo Dân Việt đã dành thời gian dài điều tra các hoạt động đánh bắt thủy, hải sản bằng hình thức tận diệt như kích điện, vó đèn ở nhiều địa phương trên cả nước khiến môi trường, tài nguyên hủy hoại đầy xót xa.
Điều này đặc biệt trở nên trầm trọng, sau bão số 3 - Yagi vừa qua, tình trạng ngập lụt nặng, cá nuôi ở nhiều ao, hồ, đầm, lồng bè của người dân bị "xổng" ra hồ Thác Bà, khiến nhiều người càng… đổ xô đem kích điện đi bắt cá trái phép.
Nhận thấy, vùng lòng hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái nguồn lợi thủy sản bị tận diệt khủng khiếp vào bậc nhất, nhóm Phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã cung cấp thông tin đến đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái và đề nghị địa phương vào cuộc, xử lý các vi phạm.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các địa phương thuộc vùng lòng hồ Thác Bà ở hai huyện Yên Bình, Lục Yên nhanh chóng ra quân tuần tra, kiểm soát, ngăn chạn hành vi vi phạm.
Theo đó, Ủy ban nhân dân huyện Yên Bình đã thành lập ngay tổ công tác do ông Lã Tuấn Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện làm tổ trưởng.
Khi chúng tôi có mặt, cùng tham gia đoàn còn có Thượng tá Đỗ Tùng Bảo - Phó Trưởng Công an huyện, cùng công an địa phương và lực lượng liên ngành, tiến hành tuần tra cả ngày lẫn đêm trên lòng hồ nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngăn chặn hoạt động khai thác thủy sản bằng ngư cụ bị cấm sử dụng.
Nhóm Phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã xuyên đêm tham gia cùng tổ công tác, kiểm tra, lập biên bản xử lý các vi phạm, thu giữ, tiêu hủy tang vật.
Trong hai đêm 5 và 6/11, tổ công tác của UBND huyện Yên Bình đã phát hiện, xử lý nhiều đối tượng dùng kích điện công suất lớn có gắn dây cáp bắt cá. Đồng thời tổ công tác đã thu giữ, phá hủy nhiều bộ ngư cụ là lưới mắt nhỏ và đèn điện công suất lớn (vó đèn) đánh bắt thủy sản trái phép trên lòng hồ Thác Bà.
Cùng với tuần tra, kiểm soát, UBND huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực khai thác các diện tích mặt nước hồ Thác Bà để phát triển nuôi trồng thủy sản, đánh bắt theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Lã Tuấn Hưng, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Yên Bình, Tổ trưởng Tổ công tác khẳng định: "Tổ công tác sẽ làm việc khẩn trương, xử lý đúng người, đúng tội. Đến 15/12/2024 trên cùng lòng hồ Thác Bà sẽ không còn kích cá, vó đèn và các hình thức đánh bắt hải sản tận diệt nữa".
Nghị định 42/2019NĐ-CP, ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản từ 3 - 50 triệu đồng. Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý phạt tiền ở mức cao hơn, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 10 năm về tội "Hủy hoại nguồn lợi thủy sản".
Luật thủy sản năm 2017 có quy định nghiêm cấm hành vi sử dụng dòng điện, xung điện để khai thác thủy sản. Cụ thể tại tại Khoản 7 Điều 7, các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy sản có bao gồm hành vi "Sử dụng chất, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, phương pháp, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản".
Từ năm 2022 đến nay, Nhóm phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt nhiều lần ghi nhận tình trạng một số bộ phận người dân ở tỉnh Yên Bái sử dụng thuyền lớn, đi cả đêm và dùng kích điện công suất lớn để đánh bắt thủy sản tại Hồ Thủy điện Thác Bà ở các xã Vĩnh Kiên, Xuân Long, Mông Sơn, Vũ Ninh....
Khu vực ghi nhận nhiều thuyền kích cá neo đậu nhất là tại cảng tự phát km 11, thị trấn Yên Bình, tỉnh Yên Bái vào các buổi chiều từ 16h30 đến 18h00 hằng ngày có khoảng 20 - 30 thuyền đánh cá di chuyển khỏi cảng để đi kích cá xuyên đêm.
Các đối tượng dùng xe máy chở bình ắc quy điện công suất lớn đến các thuyền neo đậu tại cảng, vợt vớt cá và dây điện giấu sẵn trên những hàng cây bạch đàn gần bờ hồ để đi bắt, giết các và nhiều loài hủy sản bằng hình thức tận diệt, hủy diệt. Mỗi chiếc thuyền sẽ có ít nhất hai người di chuyển đi khắp nơi trong vùng lòng hồ vắng và có nhiều cá (đặc biệt trong mùa cá vật đẻ); rồi họ tắt máy, chèo thuyền bằng tay đi kích cá.
Qua điều tra của chúng tôi cho thấy người kích cá sử dụng bình ắc quy công suất lớn, sử dụng dòng điện ba pha, khi kích nhiều lồng cá của người dân cách khoảng 500m vẫn bị ảnh hưởng, cá nhảy ra khỏi lồng.
Thậm chí, họ kích bằng dây cáp điện, thả xuống lòng hồ, có 3 dây cáp to bằng ngón tay, dài khoảng 4 đến 5m, khi di chuyển ven bờ, với bộ kích như vậy có thể kích sâu khoảng 15 -20 mét nước. Dòng điện công suất lớn khiến từng đàn cá lớn nổi lên, kể cả cá da trơn ở tầng sâu như chạch, lươn, ba ba,… cũng không thoát khỏi thảm hoạ. Các loài cá con, trứng cá, ấu trùng, cả hệ sinh thái nước bị hủy diệt; một số loài may mắn sống sót (vì ở xa tầm ảnh hưởng của dòng điện) cũng bị dị tật hoặc chết dần sau đó.
Sau mỗi đêm những người kích cá thu được cả tạ cá, thu nhập trung bình từ 2 - 3 triệu đồng/đêm, vì thế các đối tượng rất "ham", họ bất chấp pháp luật để trục lợi cá nhân. Cá sau khi kích được các thương lái thu mua tại bến thuyền, họ đem bán tại thành phố Yên Bái, Hà Nội…
Tìm hiểu những hoạt động công khai sử dụng phương tiện cấm để đánh bắt cá trên diện rộng tại vùng lòng hồ thủy điện Thác Bà, chúng tôi ghi nhận nhiều người tiết lộ: có dấu hiệu làm ngơ hoặc "bảo kê", thu phí hằng tháng của "ai đó" ở địa phương.
Báo Nông thôn Ngày nay/ Điện tử Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.