Yêu cầu công an điều tra sự cố chìm tàu lịch sử tại biển Quy Nhơn

Dũ Tuấn Chủ nhật, ngày 05/11/2017 16:58 PM (GMT+7)
9 tàu hàng bị chìm tại biển Quy Nhơn gây thiệt hại lên đến 400 tỷ đồng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu công an vào cuộc điều tra.
Bình luận 0

Sự cố chìm tàu kỷ lục trong lịch sử

Ngày 5.11, ông Nguyễn Thanh Tùng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định - đã có buổi làm việc với Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn (UBQGTKCN) và các cơ quan chức năng để triển khai biện pháp cứu nạn, cứu hộ các thuyền viên, ngư dân bị nạn và trục vớt các tàu bị chìm trên biển.

Theo Thiếu tướng Lê Mạnh Tiến - Phó Chánh văn phòng UBQGTKCN, hiện đang có 10 tàu đang triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ các nạn nhân trên biển. Các lực lượng đã phân chia ra nhiều khu vực trên vùng biển Quy Nhơn, theo khoảng cách hải lý để phối hợp tìm kiếm. Trong trường hợp cần thiết, có thể điều động thêm 2 tàu Hải quân để tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

“Ngoài ra, đối với việc trục vớt các tàu bị chìm, Cục Hàng hải đang phối hợp với chủ tàu xác định số lượng người, vị trí của từng khoang tàu để các đơn vị kỹ thuật của Hải quân và Cục Hàng hải định vị và thuê thợ lặn vào để kiểm tra thực tế, sau đó, mới trục vớt. Còn đối với sự cố tràn dầu của các tàu bị chìm, lực lượng ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Trung đang từ Đà Nẵng vào và sẽ phối hợp với tỉnh để xây dựng phương án khắc phục sớm nhất”, ông Tiến thông tin.

img

Tàu hàng bị sóng đánh trôi dạt vào bờ biển Quy Nhơn, đâm vào đá gây hư hỏng nặng. Ảnh: D.T

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Bí thư Tỉnh ủy - cho hay, mặc dù không phải là địa phương nằm trên đường đi trực tiếp của bão số 12, tuy nhiên những hậu quả do bão gây ra tại Bình Định rất nặng nề. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên tỉnh gặp phải sự cố chìm tàu với số lượng lớn như vậy. Do đó, việc triển khai các phương án tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ rất khó khăn nhất là trong điều kiện thời tiết bất lợi.

Ông Tùng đánh giá cao việc UBQGTKCN đã phối hợp cùng với các lực lượng chức năng thành lập Trạm tiền phương của Trung ương tại địa phương và huy động người, phương tiện cùng với tỉnh triển khai công tác cứu nạn, cứu hộ các nạn nhân trong sự cố chìm tàu.

“Tỉnh sẽ phối hợp và tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ UBQGTKCN tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích và huy động mọi nguồn lực để sớm khắc phục các sự cố chìm tàu”, ông Tùng khẳng định.

Bên cạnh đó, ông Tùng đề nghị các lực lượng của tỉnh tập trung bảo vệ những tàu hàng đang bị mắc cạn trên bờ biển, bảo đảm tài sản cho các chủ tàu. Đồng thời, hỗ trợ công tác y tế, cứu chữa các nạn nhân tại bệnh viện và thông báo cho gia đình, thân nhân các nạn nhân trong sự cố chìm tàu do bão số 12 gây ra.

img

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định - phát biểu.

Điều tra tàu hàng không vào cảng trú bão

Cùng ngày, tại cuộc họp triển khai công tác khắc phục và bàn biện pháp ứng phó với bão lũ, ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - đã phê bình UBND TP.Quy Nhơn về công tác thông tin xử lý các tình huống, sự cố xảy ra trên biển thuộc địa bàn mình quản lý. Chủ tịch tỉnh Bình Định giao công an tỉnh điều tra, làm rõ vì sao nhiều tàu hàng không vào cảng Quy Nhơn neo đậu mà phải neo ở phao số 0?

Đồng thời, ông Dũng yêu cầu phải khẩn trương tìm kiếm người gặp nạn và triển khai biện pháp xử lý sự cố tràn dầu. Lực lượng công an, biên phòng tỉnh phải đảm bảo an ninh trật tự khu vực ven biển, không để xảy ra tình trạng người dân lợi dụng sự cố tàu mắc cạn để “hôi của”.​

Nhiều đại biểu tham dự cuộc họp cho rằng, sự phối hợp trong công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển của tỉnh Bình Định còn chồng chéo, không thống nhất nên hiệu quả chưa như mong muốn. Cơ sở vật chất để bảo quản thi thể thuyền viên chưa đáp ứng yêu cầu.

img

Tỉnh Bình Định đang trải qua sự cố chìm tàu lớn nhất trong lịch sử. Ảnh: D.T

Theo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định, có đến 10 tàu hàng bị nạn (trong đó: 9 tàu bị chìm, 1 tàu bị mắc cạn) trong lúc bão số 12 càn quét. Ngày 5.11, đã cứu được 72 người và phát hiện 3 thuyền viên tử vong. Thuyền viên bị thương đang được chữa trị tại bệnh viện trên địa bàn tỉnh, nạn nhân tử vong được Bệnh viện Đa khoa tỉnh bảo quản. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 24 người đang gặp nạn trên biển, khả năng sống sót là rất thấp.

Bệnh viện Phong - Da liễu T.Ư Quy Hòa (TP.Quy Nhơn) cho biết, đã tiếp nhận và điều trị cho 41 thuyền viên của các tàu bị nạn, trong đó có những nạn nhân mang quốc tịch nước ngoài. Đến nay, nhiều người đã được xuất viện, 14 bệnh nhân đang điều trị sức khỏe rất ổn định. 

Lúc này, ngành chức năng tỉnh Bình Định vừa công bố con số tổn thất sau sự cố chìm tàu hàng lên đến 400 tỷ đồng. Người dân địa phương vẫn đang gồng mình chạy lũ, ngay sau khi bão tan.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem