Yêu cầu về xếp thời khóa biểu, môn tự nguyện, giờ chính khóa tại TP.HCM

Mỹ Quỳnh Thứ tư, ngày 04/10/2023 16:27 PM (GMT+7)
Lãnh đạo phòng Giáo dục tiểu học Sở GDĐT TP.HCM yêu cầu cơ sở giáo dục không xếp môn học tự chọn vào giờ học chính khóa nếu trong lớp có học sinh không có nhu cầu tham gia.
Bình luận 0

Ngày 4/10, Sở GDĐT TP.HCM tổ chức Hội nghị giao ban chuyên giáo dục bậc tiểu học, trung học cơ sở. Tại hội nghị này, lãnh đạo Sở GDĐT TP.HCM đã đưa ra nhiều yêu cầu liên quan đến việc sắp xếp thời khóa biểu, môn tự nguyện, giờ chính khóa cho học sinh.

Không xếp môn tự nguyện vào giờ chính khóa nếu có học sinh không tham gia

Phát biểu tại hội nghị, bà Lâm Hồng Lãm Thúy - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học cho biết, sau khi đã thực hiện đủ tiết định mức giảng dạy cho giáo viên, nhà trường có trách nhiệm thực hiện việc khảo sát, tổng hợp nhu cầu của học sinh và phụ huynh trên tinh thần tự nguyện, để tổ chức các hoạt động giáo dục theo nhu cầu, sở thích của học sinh.

Yêu cầu về sắp thời khóa biểu, môn tự nguyện, giờ chính khóa tại TP.HCM - Ảnh 1.

Bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học yêu cầu không xếp môn tự nguyện vào giờ chính khóa nếu có học sinh không tham gia. Ảnh: M.Q

Hiệu trưởng các trường xây dựng kế hoạch, thời gian thực hiện phù hợp với kế hoạch; thời gian thực hiện của chương trình môn học, hoạt động giáo dục tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của nhà trường.

Cũng theo bà Thúy, đối với hoạt động giáo dục STEM, các trường cần thực hiện đúng Công văn 909/BGDĐT-GDTH ngày 8/3/2023 của Bộ GDĐT về hướng dẫn thực hiện hoạt động giáo dục STEM đối với cấp tiểu học. Công văn này nhấn mạnh, việc thực hiện bài học STEM được tích hợp vào các môn học chính khóa là nhiệm vụ của nhà trường và giáo viên.

STEM là thuật ngữ tiếng Anh được viết tắt từ bốn chữ: Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật), Maths (Toán học). STEM là mô hình giáo dục theo cách tiếp cận liên môn. Thay vì học từng môn tách biệt, rời rạc, STEM tích hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực khác nhau, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành... được ứng dụng khá phổ biến tại các trường học trong những năm gần đây.

Đặc biệt, bà Thúy nhấn mạnh, các trường không xếp môn học tự chọn vào giờ học chính khóa nếu lớp có học sinh không tham gia.

Cụ thể, không được gây quá tải, không được ép học sinh tham gia, không được xếp lịch của hoạt động giáo dục tự nguyện vào giờ học chính khóa nếu trong lớp học có học sinh không đăng ký tham gia... Các cơ sở giáo dục cần sắp xếp linh hoạt và phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng trường, số lượng đăng ký của học sinh từng lớp để tạo điều kiện thuận lợi cho người học nhưng phải bảo đảm không ảnh hưởng đến các học sinh khác.

Đối với những học sinh không đăng ký, nhà trường có thể sắp xếp cho học sinh tham gia các câu lạc bộ, hoạt động khác phù hợp do giáo viên nhà trường thực hiện trong cùng khung giờ.

“Các trường phải thực hiện nghiêm túc việc khảo sát, lấy ý kiến của phụ huynh về các hoạt động giáo dục tự nguyện, để biết được học sinh nào đồng ý tham gia, học sinh nào không tham gia vào các hoạt động giáo dục tự nguyện này", bà Thúy nói.

Những điểm mới của chương trình tiểu học năm học 2023 - 2024

Bà Lâm Hồng Lãm Thúy cho biết, theo hướng dẫn từ Bộ GDĐT về kế hoạch giáo dục trong Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, trong năm học này, các môn học bắt buộc đối với cấp tiểu học là Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Tự nhiên Xã hội, Âm nhạc Mỹ thuật, Giáo dục thể chất, Công nghệ, Tin học (lớp 3,4,5), Ngoại ngữ 1 (Lớp 3,4,5), Lịch sử và Địa lý (lớp 4,5). Hoạt động giáo dục bắt buộc là hoạt động trải nghiệm. Các môn tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số từ lớp 1 đến lớp 5, Ngoại ngữ tự chọn (lớp 1,2).


Yêu cầu về sắp thời khóa biểu, môn tự nguyện, giờ chính khóa tại TP.HCM - Ảnh 4.

Ngoài hoạt động trải nghiệm, các học sinh tiểu học có các hoạt động bắt buộc gồm giáo dục STEM, giáo dục địa phương, An toàn giao thông, kỹ năng công dân số. Ảnh: M.Q

Nội dung mới trong hoạt động giáo dục bắt buộc đối với bậc tiểu học trong năm học này là ngoài hoạt động trải nghiệm, các em còn có hoạt động tích hợp vào nội dung học, giáo dục STEM, giáo dục địa phương, an toàn giao thông, kỹ năng công dân số.

Khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đối với lớp 1 đến 4 vẫn phải đảm bảo tỷ lệ mỗi lớp 1 phòng học, cơ sở vật chất, sĩ số lớp học vẫn phải đảm bảo đúng theo quy định, có đủ các thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định, đảm bảo tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp, cơ cấu giáo viên để dạy đủ các môn học, hoạt động giáo dục và tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đúng theo quy định.

Học sinh cấp tiểu học bố trí không quá 7 tiết/ngày, mỗi tiết kéo dài 35 phút, thực hiện kế hoạch dạy học tối thiểu 9 buổi/tuần, với 32 tiết học.

Yêu cầu về sắp thời khóa biểu, môn tự nguyện, giờ chính khóa tại TP.HCM - Ảnh 6.

Kế hoạch giáo dục năm học 2023-2024

Cũng tại hội nghị, ông Lê Duy Tân - Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GDĐT TP.HCM chia sẻ, ngoài chương trình chính khóa do Bộ GDĐT ban hành, chương trình trong nhà trường không được thiết kế một cách tùy hứng, xa rời các mục tiêu của giáo dục phổ thông.

Ông Tân dẫn chứng, hiện có một số trường phổ thông thực hiện mô hình lớp học theo phương pháp mới, lớp học phục vụ cho kỳ thi đánh giá năng lực... đây là hoạt động không đúng so với mục tiêu của giáo dục phổ thông. Ngoài ra, trường phổ thông triển khai thời khóa biểu nhiều hơn 8 tiết/ngày cũng sai so với quy định chung của chương trình.

"Hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 vẫn chưa kết thúc lộ trình triển khai cuốn chiếu, và cũng chưa có văn bản hướng dẫn việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, nên các trường vẫn thực hiện theo hướng dẫn tổ chức thực hiện dạy học 2 buổi/ngày của chương trình cũ. Trong đó các hoạt động của buổi 2 phải bám sát, bổ sung chương trình chính khóa, đáp ứng mục tiêu phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực cho người học", ông Tân nói.

Ngoài ra, ông Tân cho rằng, các hoạt động giáo dục tăng cường, bổ sung trong chương trình buổi 2, nếu triển khai đại trà sẽ gây áp lực cho học sinh. 

Do đó, để có được sự đồng thuận của phụ huynh, kế hoạch dạy học buổi 2 phải được các trường thực hiện tường minh, thời khóa biểu phân định rạch ròi giữa các nội dung, tránh để phụ huynh hiểu lầm là tất cả các hoạt động đều triển khai đại trà, bắt buộc tất cả học sinh tham gia.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem