Bộ Thông tin – Truyền thông (TTTT) đã xác định và xử lý rất nhanh vụ việc các clip dành cho trẻ em nhưng có nội dung phản cảm trên YouTube. Quá trình xác minh vi phạm của các bên liên quan đã được tiến hành như thế nào, thưa ông?
- Đây là vấn đề khá phức tạp vì trên môi trường Internet có người làm nền tảng, có người xây dựng nội dung và người làm mạng lưới kết nối. Đối với trường hợp cụ thể về các clip “Elsa Spiderman” trên YouTube có nhiều hình ảnh dung tục, phản cảm, chúng tôi xác định có 3 đối tượng có liên quan.
Ông Lê Quang Tự Do - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử.
Thứ nhất là nhóm làm nội dung. Nhóm này gồm khoảng 20 bạn trẻ từ 18-20 tuổi do Trà Ngọc Hải (sinh năm 1996) làm trưởng nhóm, chuyên xây dựng các clip dành cho trẻ em để đăng trên kênh YouTube “Spiderman Frozen Marvel Superhero in Real Life” từ giữa năm 2016 đến nay. Lúc đầu, các clip của nhóm có nội dung dễ thương, phù hợp với trẻ em. Nhưng sau đó, nhận thấy nếu thực hiện theo mô típ các clip của Mỹ sẽ ăn khách hơn nên họ đã chạy cách làm đó, vi phạm thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
“Chúng ta cần phải chung tay xây dựng một môi trường mạng lành mạnh, an toàn, nhằm giúp cho thế hệ trẻ nước ta không bị phơi nhiễm những nội dung, thông tin xấu độc. Các quy định của pháp luật đều hướng đến bảo vệ công dân, mà đặc biệt quan trọng là thế hệ trẻ bởi đó là tương lai của đất nước. Quan điểm của Bộ TTTT và Cục PTTH và TTĐT là xử lý nghiêm để không tái diễn những sự việc này về sau”.
|
Tôi cũng xin nhấn mạnh là dù nhóm Trà Ngọc Hải đăng ký trên YouTube phát hành các clip do nhóm xây dựng tại thị trường Mỹ, nhưng do tính mở của môi trường Internet nên người dùng ở Việt Nam vẫn truy cập được, dẫn đến sự phản ứng gay gắt của dư luận trong nước.
Thứ 2 là Yeah1 Network, mạng lưới này tập hợp các kênh cá nhân, các nhóm tạo thành một mạng lưới đa kênh (Multi-channel-network) của YouTube tại Việt Nam. YouTube không ủy quyền cho Yeah1 Network kiểm duyệt về mặt nội dung hoặc có quyền gỡ bỏ các thông tin sai phạm, các quyền đó đều thuộc YouTube. Tuy nhiên chúng tôi nhận thấy Yeah1 Network đã liên đới trách nhiệm trong vụ việc này vì khi họ phát hiện nhóm Trà Ngọc Hải đăng clip sai phạm, họ đã không loại nhóm này ra khỏi mạng lưới của mình.
Thứ 3 là YouTube: Họ cung cấp nền tảng cho người sử dụng đăng tải nội dung và chỉ tiến hành hậu kiểm. Khi YouTube nhận được thông báo của người sử dụng về sai phạm, họ mới tiến hành xem xét xử lý theo các quy định và quan điểm của họ. Thông tư 38 vừa được Bộ TTTT ban hành đã quy định rất rõ các trang mạng xã hội, trong đó có YouTube, phải phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước của Việt Nam trong việc gỡ bỏ hoặc ngăn chặn những nội dung thông tin sai phạm trên nền tảng do mình cung cấp.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Cục PTTH và TTĐT đã làm việc với các bên có liên quan để yêu cầu gỡ bỏ những nội dung vi phạm, và họ đã chấp hành.
Hình ảnh phản cảm trong clip dành cho trẻ em để đăng trên kênh YouTube “Spiderman Frozen Marvel Superhero in Real Life”
Cụ thể, căn cứ vào hành vi vi phạm, các bên liên quan đã bị xử lý ra sao?
- Sáng ngày 18.1, chúng tôi đã yêu cầu họ lên làm việc và tiến hành lập biên bản sai phạm. Đối với nhóm làm nội dung, Cục PTTH và TTĐT đã xử phạt vi phạm hành chính với mức cao nhất là 30 triệu đồng do có hành vi “chủ động cung cấp thông tin miêu tả hành động không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam trong các video clip phát tại kênh YouTube “Spiderman Frozen Marvel Superhero in Real Life”, theo quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 65 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13.11.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.
Đối với Công ty Cổ phần NVU (Yeah1 Network), Cục áp dụng mức phạt là 20 triệu đồng do có hành vi “Không thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc truy nhập thông tin hoặc loại bỏ thông tin trái pháp luật”, quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Ông có đánh giá thế nào về tác hại của những clip đó đã tạo ra đối với trẻ em, giới trẻ Việt Nam?
- Nền văn hóa của Việt Nam có những quan điểm, nhận thức, thuần phong mỹ tục có khác so với các nước, nhất là các nước phương Tây. Một số bạn trẻ chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, đôi lúc quên mất những nét văn hóa thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Trong quá trình xử lý vụ việc trên, các bạn trẻ làm nội dung đã nhận rõ sai phạm của mình và cam kết sẽ không tái phạm.
Họ chỉ suy nghĩ đơn giản rằng những clip này đăng ký phát hành ở Mỹ và sau một thời gian phát hành không thấy YouTube nhắc nhở nên họ nghĩ không vi phạm. Chúng tôi đã phổ biến cho các bạn hiểu rằng, các trang mạng xã hội ở nước ngoài khi cung cấp thông tin công cộng vào Việt Nam đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.
Nhiều nhà cung cấp nền tảng Internet có trụ sở ở nước ngoài, nhưng lại sản xuất nội dung phục vụ người sử dụng ở Việt Nam. Vậy Bộ TTTT sẽ thực hiện biện pháp gì để ngăn chặn, xử lý các nội dung độc hại?
- Thông tư 38/2016/TT-TTTT của Bộ TTTT vừa được hành vào tháng 12.2016 quy định rất rõ về việc quản lý những dịch vụ cung cấp thông tin công cộng qua biên giới. Theo đó, các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam có quyền thực thi các biện pháp cần thiết để đảm bảo thực hiện chính sách phát triển, quản lý thông tin trên mạng.
Thông tư này được coi như điều kiện về kỹ thuật áp dụng cho các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin xuyên biên giới trong bối cảnh có rất nhiều thông tin sai lệch, độc hại đang lan truyền trên nền tảng Internet.
Khi thông tư có hiệu lực, Bộ TTTT sẽ làm việc với các trang thông tin điện tử, các trang mạng xã hội lớn có lượt truy cập từ1 triệu người/tháng trở lên để thiết lập các cơ chế phối hợp xử lý các thông tin sai sự thật, xấu, độc trên mạng.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.