1 cù lao, 2 tỉnh tranh chấp 40 năm chưa ngã ngũ

Hồ Văn Thứ tư, ngày 26/07/2017 19:15 PM (GMT+7)
Nhiều năm nay, cả TP.HCM và Đồng Nai đều nhận cù lao Gò Gia là của mình không tỉnh nào nhường, nên phương án hiện nay là phải chờ một quyết định “hợp lý, hợp tình” từ T.Ư.
Bình luận 0

Ngày 16.3, đoàn công tác liên ngành T.Ư do Bộ Nội vụ chủ trì đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và TP.HCM để giải quyết việc tranh chấp khu vực Gò Gia. Sau khi khảo sát thực tế và thảo luận phương án xác định tuyến địa giới hành chính, đoàn công tác liên ngành đề xuất giao Gò Gia cho TP.HCM quản lý. Tuy nhiên, tỉnh Đồng Nai đã phản ứng và không đồng ý với đề xuất này.

Bên nào cũng... có lý

img

Bản đồ thể hiện cù lao Gò Gia (khu vực đường đứt đoạn) đang tranh chấp giữa TP.HCM và Đồng Nai. Ảnh: Hồ Văn

Khu vực cù lao Gò Gia rộng hơn 3.398ha. Theo TP.HCM, khu vực này thuộc xã Thạnh An, huyện Cần Giờ; còn theo tỉnh Đồng Nai thì thuộc ấp Bà trường, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch. Hiện cù lao có 107 hộ dân sinh sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản. Trong đó, dân TP.HCM chỉ có 10 hộ, dân Đồng Nai có 38 hộ (sinh sống từ 1982) và 59 hộ từ nơi khác đến. 

UBND TP.HCM cho biết, thành phố đang quản lý toàn diện huyện Cần Giờ (bao gồm cả khu vực cù lao Gò Gia) theo nghị quyết phê chuẩn phân vạch lại địa giới hành chính thành phố  từ kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa VI (12.1978). Tuy nhiên, tỉnh Đồng Nai lại cho rằng, trong quá trình bàn giao toàn diện và nguyên vẹn huyện Duyên Hải (nay là huyện Cần Giờ) của tỉnh Đồng Nai cho TP.HCM, theo đề nghị của tỉnh Đồng Nai vào thời điểm đó, TP.HCM đã đồng ý để cù lao Gò Gia cho tỉnh Đồng Nai quản lý. Theo UBND tỉnh Đồng Nai, tính từ năm 1957 đến 1964, cù lao Gò Gia thuộc huyện Cần Giờ, tỉnh Biên Hòa (nay là Đồng Nai). Năm 1975, Cần Giờ và huyện Quảng Xuyên sáp nhập thành huyện Duyên Hải (thuộc tỉnh Đồng Nai). Cù lao Gò Gia là nơi quân và dân tỉnh Đồng Nai đã tham gia trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Đặc biệt, đây là căn cứ cách mạng của Đoàn 10 Đặc công thuộc Chiến khu Rừng Sác (của tỉnh Biên Hòa cũ). Các hộ dân sinh sống tại xã Phước An (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) ít nhiều cũng có lịch sử hào hùng gắn liền với vùng đất cù lao này.

Cũng theo UBND tỉnh Đồng Nai, ngày 21.2.1978, tại phiên họp để bàn giao và nhận huyện Duyên Hải, nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM Vũ Đình Liệu và nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Văn Trung đã thống nhất trong biên bản “để cù lao Gò Gia cho tỉnh Đồng Nai quản lý”.

Ông Nguyễn Văn Thuộc - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đồng Nai cho biết, từ sự thống nhất đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã giao Lâm trường Long Thành triển khai trồng rừng tại khu vực Gò Gia. “Hiện khu vực Gò Gia có đường ống dẫn khí đốt từ Nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ về Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 và 2 của Đồng Nai. Do vậy, việc giao Gò Gia cho tỉnh Đồng Nai quản lý là phù hợp với thực tế và có tác động tích cực trong quá trình thúc đẩy việc đầu tư xây dựng thành phố Nhơn Trạch trong tương lai theo quy hoạch mà Chính phủ đã phê duyệt” - ông Thuộc nhận định.

Chờ Trung ương phân xử

Trước đó, tháng 8.2015, đoàn công tác của liên ngành Bộ Nội vụ và Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng đã đến làm việc với từng địa phương để tìm giải pháp tháo gỡ. Tại cuộc họp đó, quan điểm của TP.HCM về vấn đề chồng lấn quản lý tại khu vực cù lao Gò Gia (thuộc địa phận xã Thạnh An, huyện Cần Giờ) là do lịch sử để lại.

Qua buổi làm việc với đoàn kiểm tra liên Bộ Nội vụ và Bộ Tài nguyên - Môi trường, cả Sở Nội vụ Đồng Nai và Sở Nội vụ TP.HCM đều thống nhất phương án để Bộ Nội vụ chủ trì giải quyết. Phương pháp giải quyết là sau khi các địa phương có văn bản nêu ý kiến đối với dự thảo báo cáo, Bộ Nội vụ sẽ mời lãnh đạo các địa phương ký xác định đường địa giới hành chính giữa hai địa phương tại khu vực chồng lấn, làm cơ sở hoàn thiện bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính theo Đề án 513 trình Thủ tướng phê duyệt.

Ông Trương Văn Lắm - Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM cho biết, nguyên tắc giải quyết vấn đề chồng lấn quản lý hoặc tranh chấp đất đai giữa các địa phương trên cơ sở thỏa thuận là chính. Trường hợp địa phương không tự thỏa thuận được thì cơ quan quản lý nhà nước cấp trên hoặc cơ quan có thẩm quyển sẽ xem xét, quyết định.

Cả Đồng Nai và TP.HCM đều mong muốn có một quyết định từ phía T.Ư nhằm tránh việc thống kê, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quản lý địa bàn bị trùng lắp, gây lãng phí thời gian, công sức và kinh phí thực hiện khi triển khai đề án của Thủ tướng.

Theo ông Lê Minh Dũng - Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, do chưa thống nhất được ranh giới hành chính khu vực Gò Gia (theo hiện trạng quản lý thuộc xã Thạnh An, huyện Cần Giờ) nên xã Thạnh An chưa được công nhận là xã đảo. “Dù chưa được công nhận xã đảo, nhưng hiện tại TP.HCM vẫn thực hiện và vận dụng các chính sách biển đảo cho người dân xã Thạnh An. Tuy vậy, vẫn cần một quyết định chính thức từ Trung ương để Thạnh An được công nhận chính thức là xã đảo” - ông Dũng đề xuất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem