1 tháng chiến sự Nga-Ukraine: Thế giới đã thay đổi thế nào?

Đại sứ Trần Đức Mậu Thứ ba, ngày 22/03/2022 06:21 AM (GMT+7)
Còn 2 ngày nữa, chiến sự ở Ukraine giữa Nga và Ukraine tròn 1 tháng, vẫn tiếp diễn ác liệt và thật sự không ai dám chắc kết cục cuối cùng sẽ như thế nào đối với Nga và Ukraine.
Bình luận 0
1 tháng chiến sự Nga-Ukraine: Thế giới đã thay đổi thế nào? - Ảnh 1.

Ảnh chụp từ trên không cho thấy một trung tâm mua sắm bị phá hủy hoàn toàn sau trận pháo kích ở Kyiv, Ukraine ngày 21/3. Ảnh CNN

Cho dù không hoàn toàn loại trừ kịch bản Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định đưa quân đội vào Ukraine, thế giới vẫn bị bất ngờ ít nhiều về chuyện này.

Còn 2 ngày nữa, chiến sự ở Ukraine giữa Nga và Ukraine tròn 1 tháng, vẫn tiếp diễn ác liệt và thật sự không ai dám chắc kết cục cuối cùng sẽ như thế nào đối với Nga và Ukraine. Điều duy nhất hiện có thể chắc chắn được là chiến sự ở Ukraine đã và đang tiếp tục làm thay đổi cả thế giới chứ không chỉ có Ukraine hay Nga, NATO hay EU hoặc châu Âu nói chung.

Ở Ukraine hiện không chỉ có chiến sự giữa Nga và Ukraine, tức là không chỉ chuyện quan hệ khúc mắc giữa Nga và Ukraine mà còn có chuyện đối địch về mọi phương diện trực tiếp cũng như gián tiếp giữa Nga với các nước trong khối Phương Tây, gián tiếp về quân sự khi Phương Tây trực tiếp cung cấp vũ khí và tài chính cho Ukraine để giao tranh quân sự với Nga, nhưng trực tiếp về ý thức hệ, chính trị, kinh tế, thương mại, tài chính, truyền thông, ngoại giao, pháp lý và tâm lý. 

Châu Âu xuất hiện ranh giới phân chia châu lục và chính trị thế giới định hình phe phái đối địch nhau. Hệ luỵ không tránh khỏi là ngoài đối địch nhau trực tiếp còn có đối địch nhau qua tay kẻ khác, dùng lĩnh vực này để phục vụ cho cuộc đối địch trên lĩnh vực kia, là mất lòng tin lẫn nhau. 

Hợp tác vì thế sẽ rất khó khăn, không thực chất và không hiệu quả trong khi thế giới cần sự thống nhất quan điểm và phối hợp hành động của tất cả các nước và châu lục để cùng nhau giải quyết tất cả những vấn đề toàn cầu nhức nhối lâu nay và để vượt qua những thách thức mới nảy sinh.

Nhịp độ tăng trưởng của kinh tế thế giới bị ảnh hưởng tiêu cực nhưng vào thời điểm nào đấy sau này, những ảnh hưởng tiêu cực ấy có thể được khắc phục. Chỉ có điều vị thế, ưu thế và sức mạnh của châu Âu với tư cách là một trong những trung tâm kinh tế phát triển và tiềm năng hàng đầu của thế giới đã bị tổn hại nghiêm trọng. 

Thực trạng và triển vọng chẳng tốt lành gì về chính trị an ninh và ổn định xã hội trên châu lục báo hiệu châu Âu trong thời gian tới chưa thể trở thành một trong những trụ cột và động lực quan trọng cho tăng trưởng của kinh tế thế giới. 

Từ giác độ châu lục và khu vực mà suy xét thì khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được lợi nhiều nhất từ sự thay đổi vị thế và ưu thế, ảnh hưởng và vai trò như thế của châu Âu. Các nước tận dụng sự chuyển dịch này như thế nào lại là chuyện khác.

Các nước khối Phương Tây, ở trong đó có nhiều nền kinh tế phát triển, chủ trương giảm hoặc không còn lệ thuộc vào Nga về cung ứng năng lượng nên phải tìm nguồn cung ứng thay thế cho thời gian tới. Vì thế, các nước và các nơi khác có trữ lượng dầu lửa và khí đốt sẽ được coi trọng. Cục diện quan hệ quốc tế sẽ thay đổi trên phương diện này.

Tiềm lực quân sự và hiệu ứng trừng phạt, doạ dẫm và răn đe lẫn nhau lấn át ngoại giao và pháp lý, đối thoại và hợp tác trong xử lý các mối quan hệ quốc tế và thực hiện lợi ích riêng. Tăng cường vũ trang, coi trọng răn đe hạt nhân, củng cố liên minh, liên kết hiện có và hình thành liên minh, liên kết mới về chính trị, quân sự, an ninh cũng như kinh tế sẽ định hình thành xu thế diễn biến sôi động trong thời gian tới. 

Các thể chế đa phương sớm hay muộn thì rồi cũng sẽ phải điều chỉnh định hướng chính sách và thay đổi cơ chế hoạt động nếu như muốn duy trì vai trò và năng lực xử lý các vấn đề nổi cộm cũ cũng như mới trong thế giới hiện đại.

Mối quan hệ giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc chuyển dịch trọng tâm từ Mỹ - Trung Quốc sang Mỹ - Nga bởi Mỹ phải dành ưu tiên cho việc ngăn cản Trung Quốc hậu thuẫn Nga về quân sự ở Ukraine và châu Âu mà chỉ có thể phân rẽ Trung Quốc với Nga khi không còn gay cấn với Trung Quốc như lâu nay nữa, cho dù vẫn tiếp tục cạnh tranh chiến lược. Trung Quốc gặp khó xử nhất định, nhưng những khó xử ấy không khó khắc phục đối với Trung Quốc trong khi Trung Quốc có giá ngày càng cao trong chiến lược của Mỹ và đồng minh.

Thế giới ở cách thêm xa trật tự chính trị, kinh tế và an ninh mới.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem