10 công trình kiến trúc ghi đậm dấu ấn lịch sử Hà Nội

Thứ sáu, ngày 10/10/2014 13:36 PM (GMT+7)
Dù Hà Nội ngày một phát triển nhưng những công trình kiến trúc lịch sử mang nhiều dấu ấn vẫn được thành phố bảo tồn và duy trì...
Bình luận 0
img
Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long - Hà Nội bắt đầu từ thời kỳ từ tiền Thăng Long (An Nam đô hộ phủ thế kỷ VII) qua thời Đinh - Tiền Lê, phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội dưới triều Nguyễn. Đây là công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam.
img
Đoan Môn là một trong những cổng chính dẫn lối vào Cấm thành. Căn cứ vào vật liệu xây dựng và phong cách kiến trúc hiện còn của di tích, có thể khẳng định Đoạn Môn hiện nay được xây dựng được xây dựng vào thời Lê và được tu bổ sửa sang vào thời Nguyễn.
img
Vật liệu chủ yếu là gạch vồ, loại gạch phổ biến của thời Lê và đá, cuốn vòm cửa. Từ đông sang tây dài 47,5m, từ Nam lên Bắc đoạn giữa đo đc 13m, cánh gà hai bên đo được 26,5m, cao 6m. Cửa giữa lớn nhất dành riêng cho nhà vua, cao 4m, rộng 2,7m. Hai bên có 4 cửa nhỏ hơn, cao 3,8m rộng 2,5m dùng để các quan, hoàng thân quốc thích ra vào cung cấm.
img
Kỳ đài “Cột cờ Hà Nội” nằm trên đường Điện Biên Phủ, thuộc quận Ba Đình, Hà Nội, được xây dựng năm 1812, dưới thời Vua Gia Long triều Nguyễn trên phần đất phía Nam của Hoàng thành Thăng Long, nơi xây tòa thành Tam Môn của Hoàng thành Thăng Long thời Lê.

img


Cột Cờ được xây dựng bao gồm ba tầng đế và một thân cột. Tầng một mỗi chiều dài 42,5m; cao 3,1m có hai thang gạch dẫn lên. Tầng hai, mỗi chiều dài 27m; cao 3,7m. Tầng ba, mỗi chiều dài 12,8m; cao 5,1m có cửa lên cầu thanh trông về hướng Bắc. Trên tầng này là thân Cột Cờ, cao 18,2m; hình trụ tám cạnh, thon dần lên trên, mỗi cạnh đáy chừng 2m. Toàn thể được soi sáng (và thông hơi) bằng 39 lỗ hình dẻ quạt. 

img
Hồ Hoàn Kiếm, tháp Rùa, đền Ngọc Sơn là cụm di tích, thắng cảnh nổi tiếng, là niềm tự hào của người Hà Nội và nhân dân cả nước khi hướng về Thủ đô nghìn năm văn hiến. Đền được xây dựng từ thế kỷ XIX. Lúc đầu được gọi là chùa Ngọc Sơn, sau đổi gọi là đền Ngọc Sơn vì trong đền chỉ thờ thần Văn Xương là ngôi sao chủ việc văn chương khoa cử và thờ Đức Đại vương Trần Hưng Đạo, vị anh hùng dân tộc có công lãnh đạo quân dân đánh thắng quân Nguyên thế kỷ XIII.
img
Để dẫn vào đền Ngọc Sơn là cầu Thê Húc - nghĩa là giữ lại ánh sáng đẹp của mặt trời. Cầu được danh sĩ Nguyễn Văn Siêu cho xây dựng vào năm 1865. Tên của cầu có nghĩa là "nơi đậu ánh sáng Mặt Trời buổi sáng sớm".
img
Đồng thời, năm 1865, danh sĩ Nguyễn Văn Siêu còn cho xây một ngọn tháp hình bút trên gò Ngọc Bộ - đó là tháp Bút ngày nay.

img


Ngoài ra, trong quần thể Hồ Gườm không thể nhắc tới Tháp Rùa. Tháp Rùa được xây theo hình vuông có 3 tầng, tầng dưới xây rộng hơn, rồi thu nhỏ dần lên tầng trên, các mặt phía đông và tây có 3 cửa cuốn. Phía nam và bắc có 2 cửa cuốn nhọn ở đầu. Đỉnh 2 tầng có lan can chạy xung quanh. Bốn đầu đao đắp uốn cong dần lên vào giữa đỉnh, trên đỉnh có hình ngôi sao 5 cánh.

img
Văn Miếu – Quốc Tử Giám là quần thể di tích đa dạng và phong phú hàng đầu của thành phố Hà Nội, nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long. Hiện nay, nơi đây đã được thủ tướng chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt.
img
Văn Miếu được xây dựng từ năm (1070) tức năm Thần Vũ thứ hai đời Lý Thánh Tông. Năm 1076, Lý Nhân Tông cho lập trường Quốc Tử Giám ở bên cạnh Văn Miếu có thể coi đây là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam.

img


Sang thời Hậu Lê, Nho giáo rất thịnh hành. Vào năm 1484, Lê Thánh Tông cho dựng bia của những người thi đỗ tiến sĩ từ khoa thi 1442 trở đi (chủ trương đã đề ra năm 1442 nhưng chưa thực hiện được). Mỗi khoa, một tấm bia đặt trên lưng rùa. Tới năm đó, nhà Lê đã tổ chức được 12 khoa thi cao cấp, Lê Thánh Tông (1460 - 1497) đã tổ chức đều đặn cứ ba năm một lần, đúng 12 khoa thi.

img
Ô Quan Chưởng hay còn gọi là ô Đông Hà, tên chữ là Đông Hà môn, là một cửa ô của Hà Nội xưa, nằm ở phía Đông của toà thành đất bao quanh Kinh thành Thăng Long, được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749), đến năm Gia Long thứ ba (1817) được xây dựng lại và giữ nguyên kiểu cách đến ngày nay. Đây là một trong 21 cửa ô còn sót lại của thành Thăng Long cũ.

img


Ngày nay, ô Quan Chưởng nằm nằm trên phố Ô Quan Chưởng, đầu phố Hàng Chiếu, gần dưới chân cầu Chương Dương. 

img
Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng nối hai quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên của Hà Nội, do Pháp xây dựng (1898-1902), đặt tên là cầu Doumer, theo tên của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer. Dân gian còn gọi là cầu sông Cái hay cầu Bồ Đề.
img
Cầu dài 2.290m qua sông và 896m cầu dẫn, gồm 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ cao hơn 40m (kể cả móng) và đường dẫn xây bằng đá. Cầu dành cho đường sắt đơn chạy ở giữa. Hai bên là đường dành cho xe cơ giới và đường đi bộ. Đường cho các loại xe là 2,6m và luồng đi bộ là 0,4m. 
img
Được xây dựng vào những năm 80 của thế kỷ 20, cầu Chương Dương là cây cầu lớn lần đầu tiên được thiết kế và thi công tại Việt Nam không cần có sự trợ giúp kỹ thuật của các kỹ sư nước ngoài. Tại cây cầu này các kỹ sư cầu đường của Việt Nam tự thử sức mình để có thể tự thiết kế và thi công các cây cầu lớn khác.

img


Cầu có chiều dài 1.230m, gồm 21 nhịp, 11 nhịp thép; 10 nhịp bê tông trong đó 7 nhịp ở phía Hà Nội và phía Gia Lâm có 3 nhịp. Cầu chia làm bốn làn xe chạy hai chiều, ở giữa có phần cánh gà mỗi bên rộng 5 m. Phía ngoài cùng có làn đường dành cho xe máy rộng 1,5 m.

img
Nhà thờ Lớn Hà Nội (tên chính thức: Nhà thờ chính tòa Thánh Giuse) là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Hà Nội, nơi có ngai tòa của tổng Giám mục. 
img
Nhà thờ có chiều dài 64,5m, chiều rộng 20,5m và hai tháp chuông cao 31,5m với những trụ đá to nặng bốn góc. Trên đỉnh là cây thánh giá bằng đá.

img


Đây cũng là một nhà thờ cổ tại thành phố này, thường xuyên diễn ra các sinh hoạt tín ngưỡng của các giáo dân thuộc tổng giáo phận Hà Nội.

img
Nhà hát lớn Hà Nội là công trình được người Pháp khởi công xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm 1911, theo mẫu Nhà hát Opéra Garnier ở Paris nhưng mang tầm vóc nhỏ hơn.
img
Ngay từ khi hoàn thành, Nhà hát Lớn đã giữ vai trò một trong những trung tâm văn hóa quan trọng của thủ đô, nơi diễn ra thường xuyên các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật. Nhà hát Lớn là nơi khai sinh và tôn vinh kịch nghệ cùng sân khấu Việt Nam, cũng như các loại hình nghệ thuật giao hưởng, hợp xướng, nhạc kịch, vũ kịch.
img
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, hay còn gọi là Lăng Hồ Chủ tịch, Lăng Bác, là nơi đặt thi hài của chủ tịch Hồ Chí Minh. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được chính thức khởi công ngày 2.9.1973, tại vị trí của lễ đài cũ giữa Quảng trường Ba Đình, nơi Bác Hồ đã từng chủ trì các cuộc mít tinh lớn. Lăng được khánh thành vào ngày 29.8.1975. 
img
Lăng gồm 3 lớp với chiều cao 21,6m, lớp dưới tạo dáng bậc thềm tam cấp, lớp giữa là kết cấu trung tâm của lăng gồm phòng thi hài và những hành lang, những cầu thang lên xuống. Quanh bốn mặt là những hàng cột vuông bằng đá hoa cương, lớp trên cùng là mái lăng hình tam cấp. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mở cửa 5 ngày một tuần, vào các buổi sáng thứ Ba, thứ Tư, thứ Năm, thứ Bảy và Chủ nhật. Mùa nóng (từ 1-4 đến 31-10): Từ 7h30 đến 10h30; mùa lạnh (từ 1-11 đến 31-3 năm sau): Từ 8h00 đến 11h00; ngày lễ, thứ Bảy, Chủ nhật mở cửa thêm 30 phút. Hàng năm Lăng đóng cửa để làm nhiệm vụ tu bổ định kỳ vào 2 tháng: tháng 10 và tháng 11. Ngày 19.5, 2.9 và Mồng 1 Tết Nguyên đán nếu trùng vào Thứ Hai hoặc Thứ Sáu, vẫn tổ chức lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
(Theo VOV)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem