10 đơn vị quản lý, sân bay Tân Sơn Nhất vẫn ngập

Hồ Văn Thứ sáu, ngày 12/07/2019 17:56 PM (GMT+7)
Ông Phạm Đức Hải - Phó Chủ tịch HĐND TP cho biết, sự cố gây ngập trong sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) không chỉ riêng TP mà cả nước quan tâm. Vậy mà dự án làm 4 con kênh thoát nước cho sân bay từ năm 2016 đến nay vẫn chưa triển khai.
Bình luận 0

Chiều 12/7, Kỳ họp lần thứ 15 HĐND TP.HCM khoá IX bước vào phiên thảo luận về Chương trình giám sát chống ngập cho TP.

img

Ông Phạm Đức Hải nói về công tác chống ngập. Ảnh: HV

Theo Phó chủ tịch HĐND TP Phạm Đức Hải, TP không thiếu tiền để chống ngập, nhưng nhiều dự án vẫn chậm tiến độ. Chống ngập không khó, nhưng nhiều nơi, nhiều cơ quan, ban ngành thiếu phối hợp nên công tác chống ngập chưa hiệu quả.

Ông Hải lấy ví dụ, việc chống ngập trong sân bay TSN là cấp bách, nhưng đến nay vẫn ngập, vì sao?. "Chúng tôi đi giám sát, thấy có dự án làm 4 con kênh thoát nước cho sân bay được đề xuất từ năm 2016, đến nay vẫn trên giấy. Tôi hỏi, TP bảo không thiếu tiền, nhưng do dự án quận trình lên UBND TP, UBND TP lại đẩy xuống vì nhiều lý do, cứ lòng vòng như vậy đến nay thì… sân bay vẫn ngập. Quận Tân Bình cũng cho biết, rất khó phối hợp chống ngập cho sân bay, khi trong đó có tới 10 đơn vị quản lý hệ thống thoát nước. Điều đó cho thấy, tiền không thiếu chỉ thiếu phối hợp với nhau thôi", ông nêu.

Thay mặt HĐND, ông Hải cho rằng, cần làm rõ thêm các vấn đề sau: Thứ nhất, về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc làm chậm tiến độ và không hiệu quả trong công tác chống ngập; Thứ hai, về hiệu quả đầu tư; yêu cầu UBND TP báo cáo đầy đủ hơn về nguồn lực đầu tư thời gian qua, thời gian tới sẽ như thế nào?

Đối với UBND TP,  Đoàn giám sát ghi nhận nỗ lực của UBND TP trong công tác chống ngập, nhưng thực trạng vẫn còn nhiều tồn tại, TP vẫn ngập nhiều nơi.

Ông Hải cũng cho biết, qua giám sát, nổi lên 3 tồn tại chính trong quy hoạch, quản lý, xây dựng môi trường và phối hợp chưa đồng bộ. Nhận thức rõ và xử lý tốt 3 vấn đề trên, công tác chống ngập cho TP sẽ hiệu quả hơn.

Có một điều mà các chuyên gia đi cùng Đoàn giám sát cho biết: “Nếu chỉ cần người dân không xả rác, chống ngập giải quyết được từ 20-30% mà không tốn tiền. Vậy mà vấn đề này cũng chưa thấy làm tốt. TP có phong trào không xả rác, có các quy định xử phạt hành vi xả rác…, nhưng cả hai vẫn chưa thực thi hiệu quả”, ông Hải nói.

Trước đó, tại diễn đàn kỳ họp, HĐND TP có báo cáo kết quả giám sát tiến độ và hiệu quả các dự án chống ngập trên địa bàn TP. Sau đó, các đại biểu đã tranh luận sôi nổi trên nghị trường.

img

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm yêu cầu chỉ rõ trách nhiệm trong công tác chống ngập. Ảnh: HV

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, báo cáo chưa chỉ ra được trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, đơn vị, địa phương khi để hạn chế, tồn tại trong công tác chống ngập.

Theo bà, việc lấn chiếm kênh rạch lại được cấp phép xây dựng… là nguyên nhân ngập khó giải quyết.

“TP đặt ra việc thống kê, rà soát đã nhiều năm mà nay chưa chỉ ra được cụ thể, phải chỉ ra trách nhiệm thuộc về ai, mới khắc phục được. Không nên tiếp tục né tránh nữa, phải chỉ ra được cơ quan chịu trách nhiệm thì cơ quan đó mới đưa ra giải pháp. Đề xuất xử lý nghiêm, nhưng ai xử lý. Cần phải chỉ ra được trách nhiệm”, bà Tâm kiến nghị.

img

Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: HV

Còn Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho rằng, chống ngập là bài toán nan giải. TP bị tác động bởi triều, mưa, xả lũ và cả sạt lở… Tần suất mưa vũ lượng lớn ngày càng tăng, có trận mưa lên tới 204mm, triều cường đạt đỉnh cao nhất trong 40 năm qua.

Thêm nữa, TP có tốc độ đô thị hóa cao, 5 năm có thêm 1 triệu dân. Thay vì đất để thoát nước mưa, lại đô thị hóa. Nước mưa dồn về hệ thống thoát nước rất lớn. 

“Theo báo cáo giám sát, nếu không giảm ngập, chắc chắn đời sống người dân rất khó khăn và hầu như ảnh hưởng đến toàn bộ người dân, ảnh hưởng đến môi trường sống, môi trường đầu tư. Đây là điểm nghẽn phát triển kinh tế”, ông Hoan nói.

Ông Hoan lấy ví dụ, đường Kinh Dương Vương từng dậy sóng khi làm đường mà không quan tâm đến việc ngập nhà dân, khiến nhà dân ngập nặng hơn. Làm chống ngập được phải đạt được 2 mục tiêu là không ngập đường, không ngập nhà.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem