Bài viết dưới đây là chia sẻ của chị Thu Trang, chủ một doanh nghiệp ở Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) về lựa chọn không bao giờ tặng quà hay phong bì cho thầy cô giáo của các con - lớp 7 và lớp 2, vào tất cả các dịp lễ, Tết cũng như 20/11.
Ngày hiến chương các nhà giáo Việt Nam đang tới gần và như thường lệ, tôi lại nghe nhiều bố, mẹ than đau đầu tìm quà cho thầy cô giáo của con. Tôi chưa bao giờ cảm thấy áp lực này. Có con đi học tới nay là hơn 10 năm (tính từ thời mẫu giáo), tôi chưa từng tặng giáo viên của các cháu bất cứ thứ gì. Cháu lớn nhà tôi hiện học lớp 7 một trường tư. Năm nay, đứng trong ban phụ huynh trường, tôi cùng các thành viên khác mua hoa và một món quà nhỏ tặng cho cô giáo lớp con để thể hiện sự biết ơn cô đã dạy dỗ các cháu mỗi ngày. Nhưng đó là với tư cách tập thể, còn về cá nhân, tôi vẫn làm theo nguyên tắc của mình: Không hoa, quà, càng tuyệt đối không phong bì.
Trước đó, trong những năm học mẫu giáo và 5 năm con học cấp một ở trường công, cứ đến đầu tháng 11, tôi nhắc và khuyến khích con tự làm bưu thiếp để tặng cô. Các cháu sẽ được dẫn đi chọn lựa các vật liệu, rồi nghĩ ra ý tưởng và cẩn thận thực hiện, rồi tự tặng.
Các con tôi cũng chưa từng thắc mắc tại sao mẹ không tặng quà cho cô. Vào những dịp lễ, Tết, các cháu về kể bạn này tặng hoa, mẹ bạn kia tặng quà... Với các con, tấm bưu thiếp tự làm cũng là một món quà đáng trân trọng. Có cô giáo rất tình cảm, thể hiện sự hân hoan và khen ngợi tấm thiệp con làm, khiến cháu rất vui.
Cho con tự làm bưu thiếp tặng cô cũng là một cách giúp trẻ hiểu ý nghĩa dịp 20/11 và thể hiện tình cảm với người dạy dỗ mình mỗi ngày. Ảnh: MT.
Tôi không tặng quà chỉ đơn giản vì tôi không muốn câu nệ lễ nghĩa, rằng cứ vào ngày này thì phải tặng món này, món kia. Tôi không cho rằng cứ tặng quà là thể hiện sự tôn vinh thầy cô. Tôi chọn thể hiện việc đó bằng sự tôn trọng đó hằng ngày.
Tôi luôn dạy con phải kính trọng thầy cô giáo và thể hiện điều đó bằng thái độ lễ phép, nỗ lực học tập... Có lần, cháu kể, con được điểm cao trong khi các bạn học thêm nhà cô bị điểm thấp nên cô đã cho thi lại, với đề khác và vì thế các bạn kia điểm cao lên trong khi cháu lại bị tụt xuống. Tôi bảo con đừng so sánh bản thân với người khác, mà chỉ so sánh với chính mình. Con làm đề này được điểm cao, làm đề khác điểm thấp, thì chứng tỏ con chưa nắm hết các kiến thức, nên vấn đề là mình cần cố gắng hơn.
Tôi không bao giờ bơm vào đầu con ý nghĩ rằng cô bất công, trù dập. Nếu bản thân thấy có vấn đề chưa thỏa đáng, tôi sẽ gọi và trao đổi trực tiếp với cô để bày tỏ, tìm giải pháp, chứ không thể hiện điều ấy với con trẻ.
Tôi cũng thể hiện sự tôn trọng bằng cách cùng hợp tác với giáo viên để giáo dục con mình, để con biết tuân thủ các quy định trên lớp và không khiến cô phải tốn thời gian uốn chỉnh những hành vi sai trái. Bản thân tôi hiểu công việc vất vả của giáo viên và cũng luôn hỏi han, quan tâm nhưng không bao giờ đòi hỏi, can thiệp vào việc dạy dỗ của cô.
Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện hành chính quốc gia TP HCM cho biết, bà và đa số đồng nghiệp "dị ứng" nhất quà là phong bì tiền mặt từ phụ huynh, sinh viên. Có hai con đang tuổi đi học, bà cũng ít khi tặng thầy cô giáo con với tư cách cá nhân, mà chỉ cùng tập thể phụ huynh tặng hoa và món quà nhỏ. Những thầy cô thân tình, bà thường chỉ tặng sách. "Xin đừng bao giờ tặng tiền thầy cô vì làm vậy chẳng khác gì các vị đang mua bán thứ gì đó", bà Thúy bày tỏ.
Tôi biết có người mẹ là giảng viên ở một trường khác, khi xem bài vở của con, không đồng tình với cách dạy của cô, liền gọi điện tới mắng, yêu cầu cô phải dạy kiểu khác. Cậu con trai hôm sau đến lớp khoe: "Hôm qua mẹ tớ đã gọi điện quạc cho cô giáo một trận đấy!". Hay một ông bố, thấy cơ sở vật chất trong lớp con không đầy đủ như mong đợi thì gây áp lực, buộc cô phải trang bị thêm, trong khi việc đó lẽ ra phụ huynh phải đề xuất với ban giám hiệu... Cả hai phụ huynh ấy, mỗi dịp lễ, Tết đều tặng cô những món quà có giá trị rất lớn.
Tôi thực sự phản đối cách hành xử như vậy. Quà tặng như thế, chẳng phải là dễ khiến các cô rơi vào cảnh "há miệng mắc quai"? Những món quà đó cũng có thể làm cho người giáo viên cảm thấy họ như họ là người đi làm thuê, phục vụ cho phụ huynh. Hơn nữa, cách hành xử vậy cũng khiến con cái chúng ta mất đi sự tôn trọng dành cho thầy cô giáo - và khi đó, hiệu quả giáo dục sẽ đi về đâu?
Tất nhiên, có nhiều người tặng quà thầy cô là vì thực sự muốn thể hiện sự trân trọng, biết ơn, xuất phát từ tấm lòng. Đó là một lựa chọn và tôi rất tôn trọng điều đó.
Tôi chỉ không thích tất cả những thứ mang tính hình thức. Tôi đã tắt tính năng thông báo ngày sinh trên cả mạng xã hội lẫn điện thoại vì không thích nhận những lời chúc xã giao, miễn cưỡng. Nó cũng như việc, vợ chồng sống chung nhưng cứ đến 8/3 hay 20/10 mới thể hiện sự tử tế với nhau bằng cách tặng quà hay vào bếp nấu cơm, đưa đi ăn hàng... Làm như vậy, ngày lễ không còn ý nghĩa thiêng liêng nữa mà chỉ là tận dụng để tạo sự ràng buộc với nhau, nếu không có, sẽ có lý do để trách giận.
Tôi biết, nhiều bố mẹ nếu không biếu quà thầy cô là cảm thấy không yên tâm. Như vậy, rõ ràng, bạn đang coi đây là một việc nặng nhọc, gây mệt mỏi. Bạn cứ tặng nếu trong tâm bạn thực lòng muốn làm việc ấy. Nhưng nếu tặng để mong con mình được chăm chút, nâng đỡ hơn hoặc không bị "để ý", xin hãy nghĩ lại một chút.
Phụ huynh các nước thường tặng quà gì cho giáo viên của con?
Ở Australia, thứ sáu cuối cùng của tháng 10 là ngày nhà giáo trên toàn quốc và giáo viên thường được học sinh tặng quà. Tuy nhiên, nếu món quà có giá trị cao, giáo viên phải trả tiền nếu không muốn bị Ủy ban chống tham nhũng quốc gia kiểm tra và xử phạt.
Ở Thái Lan, học sinh sẽ quỳ gối, cúi đầu, dâng khay hoa với nến để thể hiện lòng biết ơn thầy cô vào ngày nhà giáo quốc gia 16/1.
Còn tại Trung Quốc, ngày nhà giáo không còn truyền thống môn đệ rửa chân cho sư phụ nữa mà lại trở thành mục tiêu của chiến dịch chống tham nhũng bởi ngày càng nhiều phụ huynh mua các món quà xa xỉ như đồ điện tử, mỹ phẩm, thẻ quà tặng để lấy lòng giáo viên của con.
|
Vương Linh (ghi) (VnExpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.