10 năm thực hiện đội mũ bảo hiểm: Mừng về lượng, lo về chất

Hoàng Thành An Chủ nhật, ngày 17/12/2017 06:38 AM (GMT+7)
Quy định người ngồi trên môtô, xe gắn máy tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm (MBH) đã đi vào cuộc sống được 10 năm.  Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều người vẫn cố tình “quên” đội MBH mỗi khi tham gia giao thông hoặc nếu đội cũng chỉ đội những MBH không đạt chuẩn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng khi tham gia giao thông.
Bình luận 0

Chỉ 30 - 40% trẻ em đội mũ bảo hiểm

Ðã có khá nhiều bài học, hệ lụy thương tâm để lại nỗi đau ám ảnh từ những vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra mà người tham gia giao thông không đội MBH, nhất là với trẻ em chỉ vì cha mẹ chủ quan, lơ là.

Mới đây, một bé trai 6 tuổi ở Hà Tĩnh đã chấn thương nặng sau khi xảy ra va chạm giao thông. Theo đó, khi bé được mẹ đón từ trường về, không may hai mẹ  bị một thanh niên đi xe máy va chạm. Vì bé ngồi phía sau và không có đai đeo nên ngã xuống đường và bị tổn thương não. Sau gần 1 tuần điều trị, sức khỏe bé tiến triển, không còn phải thở máy..., nhưng những tổn thương của con khiến gia đình không khỏi lo lắng. Từ hôm xảy ra sự việc, người mẹ lúc nào cũng khóc và ân hận vì không đội MBH cho con khi lưu thông trên đường.

img

Nhiều chiến dịch vận động đội mũ bảo hiểm cho trẻ em, học sinh đã được tổ chức thời gian qua, mang lại hiệu quả và ý nghĩa tích cực.  Ảnh: T.L

Bộ Y tế cảnh báo, mỗi năm ở nước ta có gần 2.000 trẻ em  chết vì TNGT, chiếm 24-26% số trẻ em chết do tai nạn, thương tích; trong đó gần 50% các trường hợp nạn nhân TNGT bị chấn thương sọ não do không đội MBH, tỷ lệ trẻ dưới 14 tuổi chiếm 13,4% số ca chấn thương sọ não do TNGT.

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, tỷ lệ đội MBH cho trẻ em hiện nay còn thấp, ở mức 35-40%. Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc Tường- Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM cho hay, tỷ lệ trẻ em đội MBH đạt thấp là điều luôn khiến người làm công tác như ông không an tâm.

“Chúng tôi đã tổ chức chiến dịch tuyên truyền đến các trường học, kết hợp với Sở GDĐT và công an thành phố về việc đội MBH cho trẻ em. Tỷ lệ trẻ em đội trong chiến dịch lên tới 95% tại khu vực thành thị. Tại các vùng nông thôn, tỷ lệ này nâng từ 30% lên 60% nhưng hết chiến dịch thì không duy trì được. Ở đây cần cả trách nhiệm của cha mẹ các em".

Khó khăn trong việc “triệt tiêu” MBH rởm

Ngày 15.12, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia  phối hợp các bộ, ngành và Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIP) tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện quy định bắt buộc đội MBH đối với người đi môtô, xe gắn máy tại Việt Nam.

Phát biểu tại hội nghị, TS Kidong Park- Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho biết, theo nghiên cứu của WHO, tỷ lệ người đội MBH tại Việt Nam đạt cao nhưng tỷ lệ người cài dây mũ và đội mũ đạt chuẩn chỉ khoảng 70%. “Đáng chú ý, năm 2013, WHO khảo sát chỉ có 30% MBH trên thị trường đạt chuẩn. Tuy nhiên, đối với các loại mũ được cho là đạt chuẩn, khi chúng tôi tiến hành kiểm tra thì chỉ có 40% đáp ứng tất cả các yêu cầu”- TS Kidong Park nói.

Đại diện WHO cho rằng, Việt Nam cần quy định cụ thể, rõ ràng về việc sản xuất, đội MBH đạt chuẩn vì hiện tăng trưởng số lượng xe máy tại Việt Nam vẫn cao thứ hai trên thế giới. Chia sẻ về vấn đề trên, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuấn – Phó cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, mỗi năm lực lượng CSGT đăng ký mới hơn 2,5 - 3 triệu phương tiện môtô xe máy; cả nước đang có trên 50 triệu xe máy, bình quân 2 người dân có 1 xe máy.  Qua 10 năm (2007-2017), lực lượng công an đã kiểm tra, xử lý gần 7 triệu trường hợp không chấp hành đội MBH. “Những người ngồi trên xe môtô không chấp hành đội MBH thường xảy ra vào dịp lễ, tết và ở trẻ em”  - Thiếu tướng Tuấn nói.

Thiếu tướng Tuấn cho hay: Khó khăn nhất của lực lượng CSGT hiện nay là việc xử lý MBH kém chất lượng.

Ông Hồ Nghĩa Dũng- nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT, lo lắng về việc MBH giả, kém chất lượng vẫn tràn lan là một trong những vấn đề còn nhức nhối. Ông Dũng đề nghị cần chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh MBH, trong đó chú trọng kiểm tra kiểm soát ở khâu sản xuất. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền về việc đội MBH đạt chuẩn để quy định này được thực hiện thực sự.

Theo báo cáo kết quả nghiên cứu độc lập toàn diện về quá trình 10 năm triển khai các hoạt động liên quan tới MBH tại Việt Nam của Quỹ AIP và Quỹ FIA, có đến 500.000 ca chấn thương đầu và 15.000 ca tử vong đã được ngăn chặn nhờ sự gia tăng của việc đội MBH bảo trong 10 năm qua.

Cùng quan điểm, ông Trần Hùng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: Đối với MBH, chúng ta phải đặt chất lượng lên hàng đầu. Nếu không làm tốt từ khâu nhập nguyên liệu để sản xuất MBH thì không thể an toàn được.

Cũng tại đây, Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Nguyễn Văn Thể, cho biết sau 10 năm, ý thức người dân được nâng lên trong vấn đề chấp hành Luật Giao thông. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn. Ông Thể cho rằng tỷ lệ đội MBH vùng nông thôn chỉ đạt 50% là quá thấp so với hơn 90% ở vùng đô thị. Bên cạnh đó, tình trạng người mua MBH rởm còn nhiều. Họ không coi trọng tính mạng của bản thân mình mà chỉ để đối phó với CSGT. Đây là vấn đề tiềm ẩn nhiều rủi ro đến an toàn của người dân.

Ông Thể khẳng định việc các cơ sở sản xuất MBH giả, kém chất lượng được xem là một tội ác: “Quản lý thị trường biết, CSGT biết, đã tổ chức rất nhiều đợt thanh tra nhưng tại sao vẫn chưa xử lý triệt để MBH giả, kém chất lượng? Tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần phải lên kế hoạch xử lý tận gốc vấn đề này”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem