10 phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam là ai?

Quốc Hải Thứ hai, ngày 06/03/2017 06:00 AM (GMT+7)
Vietjet Air được niêm yết trên sàn chứng khoán hồi cuối tháng 2 vừa qua đã đưa CEO Nguyễn Thị Phương Thảo trở thành người phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, “soán ngôi” vị trí quán quân nhiều năm liền của bà Phạm Thu Hương (vợ tỷ phú Phạm Nhật Vượng), đồng thời cũng đẩy “người đàn bà Thép” Mai Kiều Liên (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vinamilk) lọt khỏi danh sách 10 người phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán...
Bình luận 0

img

CEO Nguyễn Thị Phương Thảo trở thành người phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam khiến nhiều vị trí trong top 10 người phụ nữ giàu nhất bị xáo trộn.

Cụ thể, tính đến thời điểm hiện tại, CEO Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo đang nắm trong tay khối tài sản tính theo giá trị cổ phiếu VJC là 12.942,59 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là khối tài sản “nổi” do bà Thảo trực tiếp và gián tiếp nắm giữ cổ phiếu VJC chứ chưa kể việc người phụ nữ này còn là phó chủ tịch HĐQT HDBank, Chủ tịch HĐQT Sovico... Những doanh nghiệp này hiện giữ một lượng cổ phiếu VJC nhất định như: HDBank (giữ 4,5% cổ phiếu VJC); Sovico (4,9%) nên lượng tài sản của bà Thảo cũng không chỉ dừng lại ở con số gần 13 nghìn tỷ đồng.

Mới đây, bà Thảo đã tiếp tục lọt vào danh sách 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017 cho tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn.

Chưa kể trước đó, bà Thảo đã xếp ở vị trí thứ 62 trong danh sách những phụ nữ quyền lực nhất hành tinh năm 2016 do tạp chí Forbes đưa ra. Theo đó, bà Thảo chỉ đứng ngay sau nữ tỷ phú Zhou Qunfei của Trung Quốc ( thứ 61) và đứng trước nhiều người nổi tiếng khác như bà Arianna Huffington – Tổng biên tập tờ Huffington Post (thứ 70)…

Xếp thứ 2 trong danh sách là bà Phạm Thu Hương, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup (vợ ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup - người giàu thứ hai Việt Nam). Tính đến thời điểm hiện tại, bà Hương nắm giữ tổng số tài sản hơn 5.555 tỷ đồng.

Như vậy, trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán hiện nay thì  vợ chồng tỷ phú Phạm Nhật Vượng đều giữ vị trí thứ 2, bên nam, bên nữ (ông Vượng bị soán ngôi từ năm 2016 bởi ông Trịnh Văn Quyết, còn bà Hương bị soán ngôi năm 2017 vì CEO Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo).

Xếp thứ ba trong danh sách là bà Phạm Thúy Hằng (em vợ ông Phạm Nhật Vượng). Tính đến thời điểm hiện tại, bà Hằng nắm giữ tổng tài sản lên tới hơn 3.710 tỷ đồng. Bà Hằng hiện cũng là Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup.

Xếp vị trí thứ 4 trong danh sách là bà Lê Thị Ngọc Diệp  (vợ ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC - người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam năm 2016). Bà Diệp hiện nắm giữ tổng số tài sản hơn 3.084 tỷ đồng.

Nếu cộng cả tài sản của ông Trịnh Văn Quyết thì hai vợ chồng “đại gia” này sở hữu số tài sản khổng lồ với hơn 48.087 nghìn tỷ đồng.

Xếp thứ 5 trong danh sách là bà Trương Thị Lệ Khanh. Bà Khanh hiện đang nắm giữ chức Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thủy sản. Tính đến thời điểm hiện tại, khối tài sản của bà Khanh nắm giữ hơn 2.369 tỷ đồng.

Xếp thứ 6 trong danh sách là bà Vũ Thị Hiền với tổng số tài sản hơn 2.189 tỷ đồng. Dù nắm trong tay khối tài sản nghìn tỷ, nhưng những thông tin về bà Hiền rất ít xuất hiện, ngoài thông tin là vợ của một “đại gia” khác trên sàn chứng khoán là ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát.

Hiện ông Long và vợ đang nắm 31,5% cổ phần của Hòa Phát.

Xếp thứ 7 trong danh sách là bà Nguyễn Hoàng Yến với tổng số tài sản hơn 1.175 tỷ đồng. Bà vợ ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan. Bà Yến cũng đang giữ chức Phó tổng giám đốc, Thành viên HĐQT CTCP Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer.

Xếp vị trí thứ 8 trong danh sách là bà Cao Thị Ngọc Dung với tổng số tài sản hơn 765 tỷ đồng. Hiện bà Dung là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ). Chồng bà Dung là ông Trần Phương Bình - cựu CEO Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) mới bị bắt hồi cuối năm 2016 do vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động tiền tệ ngân hàng.

Xếp thứ 9 trong danh sách là bà Lê Thị Thúy Hải  (vợ ông Đặng Quốc Dũng - Ủy viên HĐQT CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong). Tổng số tài sản bà Hải nắm giữ tính đến thời điểm hiện tại  hơn 680 tỷ đồng.

Xếp vị trí cuối cùng trong danh sách 10 phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán là bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) với tổng số tài sản là hơn 559 tỷ đồng. Năm 2014, bà Nguyễn Thị Mai Thanh cũng được Tạp chí Forbes vinh danh và đứng thứ 28 trong danh sách 48 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á...

Đáng lưu ý, “người đàn bà thép” Mai Kiều Liên đến thời điểm hiện tại đã lọt khỏi danh sách 10 phụ nữ giàu nhất, xếp vị trí thứ 11 trong danh sách dù thời điểm hiện tại khối tài sản do bà Liên nắm giữ lên tới hơn 534 tỷ đồng, tăng gần 100 tỷ đồng so với hồi giữa năm 2016. Chưa kể, trên trường quốc tế, bà Liên cũng là nữ doanh nhân liên tục xuất hiện trên bảng xếp hạng của tạp chí Forbes, đồng thời cũng đang xếp vị trí thứ 35 trong danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á.

Như vậy, khối tài sản do 10 phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam hiện đang nắm vào khoảng hơn 34 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu so với “cánh mày râu” trên sàn chứng khoán thì khối tài sản này chỉ vượt qua người giữ vị trí thứ 2 trên sàn chứng khoán là tỷ phú Phạm Nhật Vượng (hơn 32.216 tỷ đồng) và còn thua xa tỷ phú Trịnh Văn Quyết (hơn 45.003 tỷ đồng).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem