10 vấn đề "nóng" thế giới phải đối mặt trong năm 2018

Mai Đại (theo Business Insider) Thứ tư, ngày 10/01/2018 19:00 PM (GMT+7)
Theo 1 báo cáo của Eurasia Group – tổ chức chuyên tư vấn rủi ro chính trị, thế giới sẽ phải đối mặt với 10 nguy cơ lớn trong năm 2018.
Bình luận 0

Trung Quốc lấp đầy khoảng trống quyền lực thế giới

img

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Đứng đầu trong danh sách này là Trung Quốc – nước đang sốt sắng lấp đầy khoảng trống quyền lực mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đang bỏ lại. Theo Eurasia Group, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc sẽ cố gắng thu hút các quốc gia về phía mình bằng các thương vụ đầu tư, ưu đãi kinh tế cũng như chính sách ngoại giao của mình.

Các sự cố chính trị

img

Khu vực Bàn Môn Điếm nằm tại biên giới Triều Tiên - Hàn Quốc

Các nhà phân tích của Eurasia Group lo ngại, một sự cố chính trị trong năm 2018 có thể sẽ dẫn tới xung đột lớn giữa các siêu cường hoặc trên các khu vực vốn đã nóng trên thế giới.

Hiện tại, các khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhất là bán đảo Triều Tiên, Syria, Đông Âu và Iraq. Không chỉ có vậy, cạnh tranh, xung đột “không gian mạng” cũng như vấn đề “giải giáp các chiến binh IS” cũng có thể tạo ra sự cố chính trị, gây bất ổn trong khu vực.

Chiến tranh lạnh công nghệ toàn cầu

Eurasia Group cho rằng, cuộc chiến công nghệ đang dần thay thế cho các cuộc chiến vũ trang và kinh tế, nhất là trên các lĩnh vực công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và siêu máy tính. Trong năm nay, Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ chạy đua để giành thế thống trị tại các thị trường châu Phi, Ấn Độ, Brazil và châu Âu. Nghiêm trọng hơn, căng thẳng có thể gia tăng với sự xuất hiện của các loại vũ khí được trang bị công nghệ AI.

Mexico

img

Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto

2018 sẽ là 1 năm quan trọng với Mexico. Quốc gia này hiện đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề lớn như tham nhũng, bạo lực, ma túy, các băng đảng tội phạm và tăng trưởng kinh tế chậm chạp. Những vấn đề này đang đe dọa sự tồn tại của Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), đồng thời mang lại sự bất ổn cho không chỉ quốc gia này mà còn là cả khu vực.

Quan hệ Mỹ - Iran

Theo Eurasia Group, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang đặt Thỏa thuận hạt nhân Iran, vốn rất vất vả mới đạt được dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, vào tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Nếu Washington tiếp tục hành động như hiện tại, Tehran có thể sẽ cảm thấy bị đe dọa và quyết định phục hồi, đẩy mạnh chương trình hạt nhân của mình để tự vệ. Việc này sẽ biến cả Trung Đông thành lò lửa, khiến giá dầu trên thế giới tăng và gây thiệt hại cho nhiều phía. Các chuyên gia của Eurasia Group cho rằng, rất có thể trong năm nay, thỏa thuận hạt nhân lịch sử này sẽ chấm dứt.

Sự xói mòn của nguyên tắc – thể chế xã hội

img

Eurasia Group cho rằng, mối đe dọa tới nguyên tắc – thể chế xã hội đang ngày càng hiện hữu sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 và sự kiện Brexit. Việc này sẽ tạo ra một “chủ nghĩa dân túy độc hại, chống lại thể chế” tại các nước đang phát triển, khiến cho các chính sách kinh tế và an ninh ngày càng khó dự đoán.

Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch 2.0

Trong năm nay, các chính trị gia rất có thể sẽ hướng tới việc bảo hộ việc làm, ngành sản xuất và các doanh nghiệp trong nước thay vì tập trung vào cạnh tranh kinh tế toàn cầu nhằm "chiều lòng" các cử tri. Khác với chủ nghĩa bảo hộ mâu dịch kiểu cũ vốn thường dùng tiêu chuẩn chất lượng cao hay thuế nhập khẩu, các chính phủ hiện tại sẽ sử dụng các “hàng rào phi thuế” như cứu trợ, trợ cấp và "khuyến khích" sử dụng hàng hoặc dịch vụ nội địa.

Nước Anh

img

Thủ tướng Anh Theresa May

Theo Eurasia Group, vấn đề Brexit là nguyên nhân khiến nước Anh lọt vào trong danh sách này. Theo đó, nguyên tắc đàm phán “tất cả hoặc không gì cả” của London có thể khiến cuộc đàm phán rời EU gặp nhiều khó khăn, thậm chí có thể trở thành 1 cuộc đấu không hồi kết giữa nước này và EU. Ngoài ra, cuộc đàm phán Brexit cũng đang khiến chiếc ghế của đương kim Thủ tướng Anh Theresa May lung lay bởi nhiều người dân và các chính trị gia đang không hài lòng với cách bà xử lý vấn đề.

Bản sắc chính trị tại Nam Á

img

Người tị nạn Rohingya

Theo báo cáo của Eurasia Group, chủ nghĩa Hồi giáo đang gia tăng tại Indonesia và Malaysia, sự oán giận với tầng lớp người Trung Quốc giàu có ở Indonesia, vụ việc liên quan đến cộng đồng thiểu số người Rohingya tại Myanmar và sự phân biệt đối xử với người Hồi giáo tại Ấn Độ đều đang là vấn đề bản sắc chính trị, đe dọa tới sự ổn định của các quốc gia này.

An ninh châu Phi

Năm 2018 có thể sẽ là 1 năm đầy bạo lực với các quốc gia châu Phi như Mali, Nam Sudan, Somalia, Cote d’Ivoire, Nigeria, Kenya và Ethiopia. Cụ thể, chủ nghĩa khủng bố và các cuộc đấu tranh vũ trang sẽ là mối đe dọa chính đang ngày càng gia tăng với lực địa này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem