Vụ trộm ở bảo tàng Nghệ thuật hiện đại thành phố Paris, Pháp. Năm 2010, một tên trộm đã đột nhập vào bảo tàng Nghệ thuật hiện đại Paris qua cửa sổ và phá ổ khóa. Tên trộm đã đeo mặt nạ và gỡ bức tranh ra khỏi khung hình và mang đi. Các tác phẩm bị biến mất là các tác phẩm của các danh họa nổi tiếng như Picasso, Matisse, Modigliani. Tổng giá trị hàng hóa bị đánh cắp lên tới hàng trăm triệu euro do những thiếu sót nghiêm trọng trong hệ thống bảo mật của bảo tàng. Không ai trong số ba vệ sĩ làm nhiệm vụ lúc đấy thấy bất cứ điều gì và các tác phẩm nghệ thuật vẫn chưa xuất hiện quay trở lại.
Vụ trộm ở một kho lưu giữ các tác phẩm nghệ thuật ở New York vào năm 1987 có lẽ là vụ trộm trắng trợn nhất trong danh sách này. Houshang Mahboubian, chủ sở hữu kho tác phẩm giá trị đã lên kế hoạch lừa gạt các công ty bảo hiểm lấy số tiền lên tới 18 triệu USD bằng cách thuê một nhóm trộm cắp các tác phẩm nghệ thuật. Vụ trộm bị phát giác, cuối cùng, Houshang bị truy tố.
Vụ trộm ở Bảo tàng Van Gogh, Hà Lan. Tháng 12.2002, những tên trộm đã sử dụng một cái thang để leo lên mái nhà của Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam và lấy trộm hai bức tranh có tổng trị giá 30 triệu USD chỉ trong vài phút. Những tên trộm đã vượt qua camera an ninh bằng cách thâm nhập qua mái nhà. Hai nghi phạm đã bị bắt giữ vào năm 2004, còn các bức tranh đã không bao giờ được tìm thấy. Cho đến ngày nay, bảo tàng vẫn còn treo thưởng 100 nghìn euro cho ai mang được những bức tranh về bảo tàng trong tình trạng tốt.
Lâu đài Drumlanrig. Năm 2003, bốn người đàn ông đóng vai trò là khách du lịch đi vào lâu đài Drumlanrig ở Scotland đã lấy trộm được bức họa Madonna, một tác phẩm nghệ thuật xuất sắc của danh họa Leonardo da Vinci, vô cùng đơn giản với chỉ một cái rìu. Những tên trộm đã đe dọa sẽ giết chết hướng dẫn viên du lịch bằng rìu, sau đó tháo bức tranh ra khỏi tường và trốn thoát qua cửa sổ. Bức tranh có trị giá lên tới 40 triệu USD, sau đó đã được tìm thấy ở Glasgow vào năm 2007.
Vụ trộm Viện bảo tàng Louvre, Pháp. Vụ trộm bức họa nàng Mona Lisa ở bảo tàng Louvre ở Paris, Pháp vào năm 1911 được đánh giá gây chấn động. Tên tội phạm Vincenzo Perugia đã chuyển tới Paris vào năm 1908 và đã từng làm việc tại bảo tàng Louvre trong một thời gian, lặng lẽ quan sát công việc của công nhân bảo tàng để thực hiện vụ trộm. Tên trộm đã mặc áo khoác màu trắng tương tự các nhân viên mặc và trốn ở đó qua đêm, lấy bức họa Mona Lisa ra khỏi khung và ung dung bước ra khỏi bảo tàng ngay giờ mở cửa vào ngày hôm sau. Ông này sau đó đã bị bắt khi cố gắng bán bức tranh ở Italy.
Bảo tàng Nhân chủng học Quốc gia Mexico và vụ trộm đêm Giáng sinh năm 1985 tại Mexico City. Những tên cướp đã đi vào bảo tàng mà không ai hay biết bởi hệ thống báo động đã bị hỏng từ ba năm trước. Những tên cướp đã lấy đi 140 hiện vật cổ của người Maya và Aztec. Các lính canh chỉ nhận ra các hiện vật biến mất vào ngày hôm sau. Tổng giá trị các hiện vật bị đánh cắp là 20 triệu USD.
Năm 2008, những tên trộm đeo mặt nạ mang theo súng bước vào Bảo tàng tư nhân Buhrle ở Zurich, Thụy Sĩ và mang đi các bức tranh của các danh họa nổi tiếng như Cezanne, Van Gogh và Monet ngay trong ban ngày. Các tác phẩm có giá trị tới 164 triệu USD. Không có thủ đoạn đặc biệt hay kế hoạch tỉ mỉ, vụ cướp xảy ra quá dễ dàng và là tiếng chuông thức tỉnh rất lớn cho các bảo tàng ở châu Âu để nâng cấp hệ thống an ninh và giám sát.
Vụ trộm bảo tàng Kunsthal năm 2013. Vụ trộm này được mệnh danh là "vụ trộm thế kỷ" với số tác phẩm bị lấy cắp lên đến hơn 24 triệu USD, là các tác phẩm giá trị của các danh họa Monet, Picasso, Matisse. Vụ trộm diễn ra chỉ trong vòng ba phút. Một người đàn ông Rumani sau đó đã nhận tội thực hiện vụ trộm, thậm chí còn kiện bảo tàng vì để cho vụ cướp quá dễ dàng và không sử dụng hệ thống báo động để bảo vệ các tác phẩm nghệ thuật có giá trị.
Vụ trộm bảo tàng Quốc gia Thụy Điển. Những tên trộm sử dụng bom xe để đánh lạc hướng cảnh sát. Ba người đàn ông sau đó đã đột nhập vào bảo tàng quốc gia của Thụy Điển và ăn cắp các tác phẩm nghệ thuật. Toàn bộ vụ trộm chỉ mất nửa giờ. Hai tuần sau, tám người đàn ông liên quan đến vụ cướp đã bị bắt giữ.
Vụ trộm bảo tàng Isabella Stewart Gardner. Năm 1990, hai tên trộm đã tìm được đường vào Bảo tàng Isabella Stewart Gardner ở Boston, Mỹ trong thời gian đầu buổi sáng. Những tên trộm nhận ra mọi người trong thành phố sẽ bị phân tâm bởi lễ kỷ niệm Ngày thánh Patrick nên đã ăn mặc như nhân viên cảnh sát và tuyên bố đến xử lý vụ lộn xộn ở sân sau của bảo tàng.
Sau đó, những tên trộm đã còng tay hai vệ sĩ làm nhiệm vụ và lấy cắp mười ba tác phẩm nghệ thuật với tổng giá trị 500 triệu USD. Vụ trộm hiện vẫn chưa được giải quyết và là vụ trộm tranh lớn nhất mọi thời đại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.