Đây là một trong những mục tiêu của chiến lược sử dụng công nghệ sạch giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đối tượng hướng đến của chiến lược này là các cơ sở sản xuất công nghiệp, lựa chọn các ngành sử dụng nhiều năng lượng, có khả năng gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường như dệt nhuộm, sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu, luyện thép, khai thác, chế biến khoáng sản, nhiệt điện, sản xuất giấy, sản xuất xi măng, sản xuất mía đường.
Lộ trình thực hiện gồm: Từ nay đến năm 2020, các nhà máy cơ sở nói trên sẽ phải tập trung xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ sạch. Đến năm 2020, 100% dự án đầu tư mới thuộc các ngành trên phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ sạch; 60-70% cơ sở sản xuất đang hoạt động trong các ngành công nghiệp nêu trên hoàn thành việc xây dựng, thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ theo hướng sử dụng công nghệ sạch. Đến năm 2030, 100% các cơ sở sản xuất trong toàn ngành công nghiệp phải áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ sạch.
Chiến lược nêu rõ nhiệm vụ xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ sạch; đổi mới công nghệ theo hướng sử dụng công nghệ sạch, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về sử dụng công nghệ sạch, loại bỏ các công nghệ lạc hậu; tuyên truyền, phổ biến về công nghệ sạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, cơ chế, chính sách, pháp luật về công nghệ sạch. Đặc biệt, sẽ nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng, trình diễn công nghệ sạch cho các công đoạn sản xuất gây ô nhiễm đối với các ngành công nghiệp trọng điểm.
Các Bộ Công Thương, KHCN, TNMT cùng các địa phương tổ chức thực hiện tốt chiến lược trên và báo cáo kết quả thực hiện định kỳ hàng năm với Thủ tướng Chính phủ.
Nguyễn Đình (Nguyễn Đình)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.