1.001 cách giúp vải thiều, mận Hậu, xoài Yên Châu vươn ra thị trường

Minh Ngọc Thứ ba, ngày 13/06/2023 05:43 AM (GMT+7)
Tổ chức show trình diễn thời trang giới thiệu vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang); thi hái xoài, mận ở Sơn La… là những hướng tiếp cận thị trường mới, độc đáo trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản đang được một số địa phương áp dụng trong thời gian qua.
Bình luận 0

 Việc "tự làm mới mình" không chỉ tiêu thụ - nhất là xuất khẩu thuận lợi, mà còn góp phần nâng cao giá trị nông sản Việt.

Thời điểm này, nhiều địa phương đã bước vào chính vụ thu hoạch trái cây. Theo ông Lê Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, sản lượng trái cây hàng năm của Việt Nam đạt khoảng 12 triệu tấn; đến hết tháng 5, sản lượng trái cây cả nước đến vụ thu hoạch ước đạt trên 2,6 triệu tấn.

Thời trang... vải thiều

Để xuất khẩu nông sản được thuận lợi, các địa phương cũng đã xây dựng kịch bản tiêu thụ từ rất sớm. Năm nay, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) có hơn 17.000ha vải thiều, dự kiến sản lượng đạt khoảng 98.000 tấn vải, trong đó vải chín sớm khoảng 25.000 tấn, còn lại là vải chính vụ. Huyện phấn đấu tiêu thụ hơn 78.000 tấn vải tươi (chiếm gần 80% sản lượng), trong đó xuất khẩu 43.000 tấn (có xuất sang thị trường truyền thống Trung Quốc).

Để hoàn thành mục tiêu này, ngay từ tháng 4/2023, UBND huyện Lục Ngạn đã tổ chức nhiều buổi làm việc với Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt (Ratraco) - đơn vị vận hành Ga Kép, bàn phương án vận chuyển vải thiều bằng đường sắt. Với khoảng 200 container (cả lạnh và thường), Ga Kép bảo đảm phục vụ đủ nhu cầu vận chuyển vải thiều sang thị trường Trung Quốc. Đại diện doanh nghiệp cho biết, sau khi đóng đủ hàng (khoảng 20 container/chuyến), từ Ga Kép đến Ga Bằng Tường khoảng 8 giờ (cả thời gian làm thủ tục thông quan).

Nông sản vươn xa nhờ biết “tự làm mới  mình” - Ảnh 1.

Du khách từ nhiều nơi về Lục Ngạn (Bắc Giang) thăm và trải nghiệm hái vải thiều, xem show trình thời trang mang tên “The Art Of Lychee” ngày 4/6 vừa qua. Ảnh: NGÔ NHUNG - V.T.C

"Làm du lịch miệt vườn giúp thay đổi tư duy làm nông nghiệp của nông dân, mang sự năng động, văn minh của đô thị về với làng quê và ngược lại sẽ giúp du khách được trải nghiệm hòa mình với thiên nhiên, tạo ra nhiều cảm xúc, trải nghiệm ý nghĩa".

Bộ trưởng NNPTNT Lê Minh Hoan

Ông Nguyễn Thế Thi - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, ngày 7/6, đã vận chuyển thử nghiệm thành công lô vải thiều tươi Lục Ngạn bằng container lạnh trên tàu liên vận quốc tế xuất khẩu sang Trung Quốc. 

"Việc vận chuyển qua ga liên vận quốc tế sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu vải thiều. Sau lô vải thiều đầu tiên được xuất khẩu bằng đường sắt, địa phương sẽ phối hợp đánh giá chất lượng, hiệu quả của loại hình vận tải này để thông tin, tuyên truyền đến các doanh nghiệp, HTX cũng như thương nhân" - ông Thi nói.

Chị Tạ Thị Thủy - Giám đốc HTX Nông nghiệp Bằng Thủy ở xã Giáp Sơn (Lục Ngạn) nói: "Dù giá cước vận chuyển tàu liên vận quốc tế không giảm nhiều so với vận chuyển bằng đường bộ, song thời gian di chuyển nhanh hơn, khắc phục được tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu".

Để quảng bá hình ảnh trái vải thiều Lục Ngạn, mới đây, HTX sản xuất nông nghiệp du lịch sinh thái Giáp Sơn (thôn Chão, xã Giáp Sơn) phối hợp Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phúc Lâm tổ chức show diễn thời trang mang tên "The Art Of Lychee". Đây là chương trình năm trong chuỗi sự kiện xúc tiến thương mại xây dựng và phát triển thương hiệu quả vải thiều xuất khẩu Global GAP Bắc Giang. 

"Điều đặc biệt nhất tạo nên chất riêng của show diễn đó chính là 28 bộ trang phục lấy cảm hứng từ vải thiều, vùng đất và con người Bắc Giang. Tôi đã từng đi rất nhiều nước trên thế giới và biết được trái vải ở các nước này rất đắt, từ 700.000 - 800.000 đồng/kg, tại một số quốc gia có thể lên tới 1,2 triệu đồng/kg. Mặc dù đắt hơn vải của chúng ta, nhưng thực tế chất lượng vải lại không thể ngon như trái vải của Việt Nam. Đứng trước trăn trở đó, chúng tôi đã phối hợp với một số hộ trồng vải thiều ở thôn Chão xây dựng mô hình vừa có thể khai thác du lịch, vừa có thể tiêu thụ sản phẩm" - bà Nguyễn Thị Tuyết, CEO Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phúc Lâm chia sẻ.

Mận Sơn La lên máy bay Vietnam Airlines

Nông sản vươn xa nhờ biết “tự làm mới  mình” - Ảnh 3.

Trò chơi “Bịt mắt bắt xoài” trong Ngày hội xoài Yên Châu lần thứ IV năm 2023 ở Sơn La, ngày 10/6. Ảnh: P.H

Xuất khẩu rau quả có thể cán mốc 4 tỷ USD

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, năm 2023, xuất khẩu rau quả của Việt Nam vẫn có cơ hội lớn khi nhu cầu tại một số thị trường vẫn cao. Kim ngạch xuất khẩu rau quả có thể cán mốc 4 tỷ USD, thậm chí có thể cao hơn. Nhưng ngay từ thời điểm này, các địa phương và doanh nghiệp cần khẩn trương lên kế hoạch tiêu thụ và kết nối tìm kiếm thêm các thị trường mới, chuẩn bị các lô hàng đủ điều kiện xuất khẩu.

Trái mận Sơn La đang được biết đến như "sứ giả" kết nối nông sản Tây Bắc đến với thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. 

Ông Nguyễn Thành Công - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, bên cạnh việc tổ chức, quảng bá, giới thiệu những trái cây đặc sản, tỉnh cũng đã ký kết đưa trái mận hậu Sơn La lên các chuyến bay của Vietnam Airlines.

Hiện nay, diện tích mận hậu tỉnh Sơn La trên 12.000ha, sản lượng năm 2023 khoảng 89.830 tấn, thời vụ thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 7. Chất lượng trái mận Sơn La được đánh giá cao, có đặc trưng riêng về mẫu mã và hương vị. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho rằng, việc tổ chức quảng bá, giới thiệu nông sản Sơn La sẽ là cơ hội tốt đưa sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm an toàn của tỉnh đến các thị trường trong nước và xuất khẩu, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân.

Vài năm trở lại đây trái xoài của Sơn La cũng đang tạo được dấu ấn. Để quảng bá trái xoài, tỉnh Sơn La cũng đã các hoạt động hấp dẫn như: Thi trưng bày các gian hàng của các xã, thị trấn với các sản phẩm nông sản; Thi hái xoài và các hoạt động trải nghiệm tại vườn xoài...

Ông Lù Văn Cường - Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cho hay, ngay từ đầu năm huyện đã lên kế hoạch tiêu thụ đối với sản phẩm nông sản trên địa bàn. Cùng với đó, huyện cũng chủ động quảng bá, đẩy mạnh xúc tiến thương mại sản phẩm xoài đến các đơn vị tại các tỉnh, thành phố trên cả nước và các đơn vị xuất khẩu, chế biến tại tỉnh Sơn La. Hiện nay, toàn huyện Yên Châu có gần 14.000ha cây ăn quả, trong đó có hơn 1.150 ha đã được cấp mã số vùng trồng với các loại cây như: Xoài, nhãn, mận, chuối, chanh leo, lê; sản lượng ước đạt khoảng 90.000 tấn/năm.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem