14 công thần khai quốc được Lê Lợi ban tước Huyện Hầu, ai xếp đầu?
14 công thần khai quốc được Lê Lợi ban tước Huyện Hầu, ai xếp đầu?
K.N
Thứ ba, ngày 26/12/2023 20:30 PM (GMT+7)
Bùi Bị là một trong số các công thần khai quốc, được ban tước Huyện Hầu. Bấy giờ có 14 người được ban tước này và người đứng hàng đầu tiên trong số 14 người này là ông.
Theo sách "Đại Việt sử ký toàn thư", vào đầu năm 1425, nghĩa quân Lam Sơn đã giải phóng được toàn bộ vùng đất đồng bằng ở Nghệ An, tạo được chỗ đứng vững chắc để có thể đối đầu với quân Minh trên một tư thế hoàn toàn mới. Lúc này, danh tướng Bùi Bị đã là một trong những vị tướng giàu uy tín và năng lực của Lam Sơn.
Tháng 4 năm 1425, sau khi đánh tan đạo viện binh của giặc do Lý An chỉ huy từ Tây Đô tiến vào cứu nguy cho thành Nghệ An, Lê Lợi chủ trương cho quân bất ngờ tấn công thẳng ra Tây Đô. Các tướng Đinh Lễ, Lê Sát, Bùi Bị, Lý Triện và Lưu Nhân Chú được lệnh đem hai ngàn tinh binh và hai thớt voi, gấp rút đi thực hiện nhiệm vụ này. Chỉ ba ngày sau khi nhận lệnh, các tướng đã sắp đặt đội ngũ chỉnh tề.
Với một cuộc hành quân kiên quyết, táo bạo và cấp tốc, Bùi Bị và các tướng đã giải phóng được hầu hết đất Thanh Hóa, buộc giặc phải co về cố thủ trong thành Tây Đô. Từ đây, miền đất rộng lớn và liên hoàn từ Thanh Hóa trở vào Nam thuộc về Lam Sơn. Chiến công này của danh tướng Bùi Bị cùng các tướng Đinh Lễ, Lê Sát, Lý Triện và Lưu Nhân Chú có ý nghĩa lớn lao đối với toàn bộ quá trình phát triển và những thắng lợi rất vang dội của Lam Sơn sau đó. Cơ hội để đưa Lam Sơn từ một cuộc khởi nghĩa vũ trang phát triển thành một cuộc chiến tranh giải phóng có quy mô cả nước bắt đầu mở ra.
Tháng 9 năm 1426, Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn quyết định đưa hơn một vạn quân luồn sâu vào vùng còn tạm bị quân Minh chiếm đóng, tiến ra khu vực ngoại vi của thành Đông Quan, vừa ráo riết hoạt động, vừa trực tiếp uy hiếp sào huyệt lớn nhất của chúng là thành Đông Quan. Hơn một vạn quân này được chia làm ba đạo khác nhau và được giao cho một loạt tướng lĩnh xuất sắc của Lam Sơn chỉ huy. Bấy giờ, Bùi Bị vinh dự được cùng các tướng Lưu Nhân Chú, Lê Trương và Lê Ninh chỉ huy đạo quân thứ hai. Nhiệm vụ của đạo quân này là băng qua vùng đất Nam Hà ngày nay, rồi tiến xuống vùng Thái Bình và Hải Hưng, giải phóng vùng hạ lưu sông Hồng, hỗ trợ đắc lực cho đạo quân thứ nhất và đạo quân thứ ba hoạt động, sẵn sàng đợi đánh lực lượng của giặc từ Nghệ An và Tây Đô tháo chạy ra.
Danh tướng Bùi Bị và các tướng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng vùng hạ lưu sông Hồng. Nhiệm vụ thứ hai tuy đã hết sức cố gắng, nhưng Bùi Bị và các tướng không sao hoàn thành nổi. Đó là ngăn chặn hai vạn quân Minh từ Nghệ An và Tây Đô vào Đông Quan.
Khi đạo quân thứ hai đang tích cực hoạt động ở vùng hạ lưu sông Hồng, thì từ Thanh Hóa, Lê Lợi quyết định đưa quân ra thêm. Bùi Bị cùng Lưu Nhân Chú được lệnh đem hơn hai ngàn quân và hai thớt voi chiến tiến sang đánh phá vùng Đông và Đông Bắc thành Đông Quan, đồng thời sẵn sàng đánh chặn viện binh của giặc rất có thể sẽ đến từ Khâu Ôn (Trung Quốc) tràn sang.
Hoạt động của lực lượng Lam Sơn do danh tướng Bùi Bị chỉ huy đã có tác dụng làm cho quân Minh bị lúng túng vì phải phân tán để đối phó với nhiều hướng khác nhau. Đây chính là cơ hội thuận tiện để các tướng chỉ huy đạo quân thứ nhất có thể thắng liên tiếp ở Ninh Kiều, Nhân Mục, Xa Lộc và thắng vang dội ở Tốt Động - Chúc Động.
Sau trận Tốt Động - Chúc Động, Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn chuyển đại bản doanh từ Thanh Hóa ra Bắc. Sau đó, Lê Lợi quyết định đánh trận phủ đầu, uy hiếp thành Đông Quan. Hai tướng Bùi Bị và Trần Nguyên Hãn được lệnh đem hơn một trăm chiến thuyền, đánh mạnh vào khu vực Hát Môn. Cuộc tấn công này khiến Vương Thông hết sức hốt hoảng. Tất cả lực lượng của chúng buộc phải co về cố thủ trong thành Đông Quan. Sau khi các đạo viện binh của Liễu Thăng và Mộc Thạnh lần lượt bị đánh cho tan tành, Vương Thông buộc phải đầu hàng và rút hết quân về nước.
Lời bàn:
Theo sử cũ, Bùi Bị không có tên trong danh sách những người tham dự Hội thề Lũng Nhai, cũng không có tên trong số các vị tướng lĩnh thường được nhắc tới nhiều trong những ngày đầu gian khổ nhất của nghĩa quân Lam Sơn. Điều này cho thấy sự nghiệp của Bùi Bị bắt đầu từ vị trí khiêm nhường của một nghĩa sĩ Lam Sơn. Song, nhờ có chí lớn và lòng dũng cảm của bản thân, cộng với kinh nghiệm thực tiễn sôi động của cuộc chiến đấu đương thời đã nâng Bùi Bị lên hàng các bậc danh tướng. Và ông vừa tỏ được sự oai phong lẫm liệt của một vị tướng quân dày dạn kinh nghiệm trận mạc, đồng thời cũng tỏ rõ tư thế hiên ngang của những người đại diện cho một dân tộc bất khuất, lại cũng thể hiện được thiện chí thực sự muốn tránh họa binh đao lâu dài cho cả hai nước.
Chính nhờ vào những công lao to lớn của mình mà năm 1428, Bùi Bị được ban quốc tính là họ Lê, vì thế sử cũ vẫn thường chép họ tên ông là Lê Bị. Ông là một trong số các công thần khai quốc, được ban tước Huyện Hầu. Bấy giờ có 14 người được ban tước này và người đứng hàng đầu tiên trong số 14 người này là ông. Và không phải chỉ có triều đình nhà Lê hoặc trăm họ đương thời, mà ngày nay hậu thế mãi mãi tôn vinh cuộc đời cũng như sự nghiệp oanh liệt của ông. Vâng, đó là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.