15 năm thi hành Luật Báo chí: Không vì bất cập mà ra quy định làm khó báo chí

Đức Hiếu Thứ năm, ngày 13/11/2014 13:13 PM (GMT+7)
Ngày 12.11, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí. Những vấn đề đa chiều và hoạt động liên quan đến việc thi hành Luật Báo chí đã được lãnh đạo Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như các cơ quan truyền thông đề cập.
Bình luận 0

Thuận lợi song hành nỗi lo

Báo cáo tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí cho thấy: Bên cạnh những ưu điểm tích cực cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề mới do thực tế cuộc sống đặt ra. Đó là những quy định bất cập của luật với thực tế phát triển báo chí trong giai đoạn đất nước ta đẩy nhanh công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng.

imgBáo NTNN đã và đang nỗ lực đưa thông tin đến người dân khu vực nông thôn, miền núi...   Ảnh:  Lê San

 

Trong phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son khẳng định: Cùng với sự phát triển của các phương tiện truyền thông đại chúng, báo chí nước ta cũng đã có bước phát triển mạnh mẽ, ngày càng khẳng định rõ vai trò là phương tiện thông tin thiết yếu, là một trong những kênh truyền thông quan trọng của đời sống xã hội, là công cụ phục vụ đắc lực sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, diễn đàn của các tầng lớp nhân dân, cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân...

Rất nhiều đại biểu đã nêu ra những khó khăn trong thực thi luật với báo chí hiện nay. Gửi tham luận tới hội nghị, nhà báo Lưu Quang Định - Tổng Biên tập Báo Nông Thôn Ngày Nay nêu ý kiến: “Trong việc thi hành Luật Báo chí của Báo Nông Thôn Ngày Nay còn nhiều khó khăn, vướng mắc như việc tiếp cận thông tin đối với nhiều cơ quan chức năng còn khó khăn; các quy phạm pháp luật về báo chí được quy định trong quá nhiều văn bản; khó khăn trong phát hành do đối tượng bạn đọc của báo chủ yếu ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; việc xử lý trong thực tế với các trang điện tử chưa được đưa vào luật và chưa bị xử lý nghiêm”.

Cũng trong tham luận gửi hội nghị, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Hồng Lý cho biết: “Một số điều quy định của luật như quy định về các loại hình báo chí, quảng cáo trên báo chí, lưu chiểu, cải chính trên báo chí, tài chính báo chí, xử lý vi phạm, vấn đề phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí… đến nay đã không còn phù hợp”.

Chưa bao giờ báo in khó khăn như hiện nay

Vấn đề phẩm chất đạo đức, làm kinh tế trong thời điểm khó khăn của báo chí nói riêng và nền kinh tế đất nước nói chung được nhiều đại biểu đề cập và nhấn mạnh. Nhà báo Nguyễn Đình Chúc - Phó Tổng biên tập Báo Lao Động nêu ra vấn đề đạo đức nghề nghiệp: “Một bác sĩ tồi có thể giết chết một bệnh nhân. Một phóng viên, biên tập viên tồi có thể “giết chết” nhiều người”. Với nhận định đó, ông Chúc đề nghị luật phải quy định mỗi phóng viên, biên tập viên phải tự nâng cao phẩm chất chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.

Trong khía cạnh báo chí làm kinh tế, ông Chúc cũng đánh giá: Làm kinh tế trong báo chí hiện rất khó khăn. Nguồn thu chủ yếu là phát hành và quảng cáo và đây là hai mảng tương tác với nhau”. Vì vậy, ông đề nghị cần khuyến khích các loại hình làm kinh tế gần gũi với báo chí như in ấn, xuất bản, truyền thông... với sự trợ giúp của Nhà nước, đặc biệt là giảm thuế báo chí với báo điện tử xuống 0%.

Đồng tình, nhà báo Phạm Văn Miên - Tổng Biên tập Báo Công An Nhân Dân cho biết: “Chưa bao giờ báo in khó khăn như hiện nay, thậm chí nhiều tờ báo rơi vào tình trạng “thê thảm”. Ông Miên đề nghị: Quy hoạch hệ thống báo chí nên dựa vào nhu cầu của từng khu vực, kết hợp với đòi hỏi của các cơ quan, ban, ngành, địa phương để tránh sự tập trung vào một khu vực. Quy hoạch báo chí nên kết hợp giữa nhu cầu của các khu vực dân cư và các bộ, ban, ngành.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, báo chí phải giữ được cốt cách, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp. “Trên thế giới, có nhiều quốc gia không có Luật Báo chí, nhưng việc quản lý vẫn rất nghiêm túc và tuân thủ pháp luật. Điểm gì mạnh trong luật thì chúng ta cần phát huy, phải bình tĩnh trước những bất cập. Không nên vì một số bất cập, tiêu cực mà giật mình rồi đưa ra những quy định gây khó khăn cho việc tác nghiệp của báo chí” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết: Việc xây dựng Luật Báo chí không chỉ để quản lý báo chí mà còn phải tạo ra động lực để báo chí phát triển. Về cơ bản, phần lớn báo chí đều phải tự hạch toán kinh doanh nên vấn đề đặt ra lúc này là làm thế nào để báo chí phát triển theo cơ chế thị trường nhưng vẫn hạn chế việc chạy theo xu hướng thương mại hóa.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem