160 cán bộ y tế tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh bị nợ lương: Họp nóng đề xuất tạm dừng tự chủ

Gia Khiêm Thứ bảy, ngày 20/11/2021 06:42 AM (GMT+7)
Trước những khó khăn Bệnh viện Tuệ Tĩnh đang gặp phải khi nợ 50% lương nhiều y, bác sĩ, nhân viên, lãnh đạo Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam đã đề xuất với Tổng liên Đoàn lao động Việt Nam tạm dừng tự chủ bệnh viện Tuệ Tĩnh.
Bình luận 0

"Bệnh viện Tuệ Tĩnh xin tự chủ là để phát triển với cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực con người chất lượng cao"

Mới đây, thông tin 160 cán bộ, nhân viên y tế tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh (thuộc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam)  bị nợ 50% số tiền lương trong suốt nửa năm qua khiến cuộc sống của nhiều người rơi vào cảnh bần cùng, khổ cực. Có người đã phải đi bán rau, làm thêm việc khác mưu sinh, lo cho gia đình.

Chiều ngày 19/11, tại cuộc họp với lãnh Tổng liên Đoàn lao động Việt Nam, Học viện và Ban lãnh đạo Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã đề xuất xin tạm dừng tự chủ để có nguồn cấp ngân sách chi trả cho cán bộ công nhân viên.

160 cán bộ y tế tại BV Tuệ Tĩnh bị nợ lương: "Tại sao bệnh viện loại 2, nguồn thu ít lại xin tự chủ?" - Ảnh 1.

Bệnh viện Tuệ Tĩnh bị tố nợ lương 160 bác sĩ, nhân viên y tế 6 tháng qua. Ảnh: Gia Khiêm

Theo PGS TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, Bệnh viện Tuệ Tĩnh là đơn vị trực thuộc Học viện Y học cổ truyền Việt Nam. Những ngày qua, cán bộ nhân viên của bệnh viện đã gặp khó khăn do lương nhận không đầy đủ, nguyên nhân liên quan tới việc bệnh viện tự chủ. Đặc biệt, lĩnh vực tự chủ của bệnh viện là y học cổ truyền, lĩnh vực khá đặc thù. Cũng đúng trong thời gian tự chủ của Bệnh viện Tuệ Tĩnh, dịch Covid-19 bùng phát nên càng thêm khó khăn.

Dù Công đoàn Y tế Việt Nam đã có nhiều buổi làm việc với bệnh viện nhưng mọi khó khăn, vướng mắc vẫn chưa được giải quyết triệt để. Điều này đã ảnh hưởng tới đời sống của cán bộ nhân viên trong bệnh viện.

PGS TS Phạm Quốc Bình, Chủ tịch Hội đồng Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam cho biết, giai đoạn qua đã rất phát triển đào tạo tất cả các chuyên ngành; đã mở toàn bộ các mã ngành đào tạo về y học cổ truyền. Hiện tại, quy mô đào tạo của học viện là 1.200 sinh viên học viên (số lượng tương đối lớn).

Ngoài công tác đào tạo thì có một Bệnh viện đa khoa Tuệ Tĩnh (280 giường hạng 2) phục vụ cho công tác thực hành cho sinh viên, học viên và công tác điều trị. Trong giai đoạn vừa qua, Học viện đã xây dựng Bệnh viện Tuệ Tĩnh 10 tầng, mỗi mặt sàn rộng hơn 1.000m và xin tự chủ từ năm 2019.

160 cán bộ y tế tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh bị nợ lương: Đề xuất tạm dừng tự chủ - Ảnh 2.

Chị Lê Thanh Huyền (điều dưỡng của khoa Phụ Sản, Bệnh viện Tuệ Tĩnh) nhiều ngày nay phải bán thêm kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Gia Khiêm

"Hiện có rất nhiều ý kiến hỏi vì sao bệnh viện lại tự chủ. Về vấn đề này chúng tôi sẽ trả lời với đoàn thành tra Bộ Y tế về hồ sơ tự chủ. Mục đích tự chủ là để bệnh viện phát triển với cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực con người chất lượng cao nên bệnh viện đã xin tự chủ.

Tuy nhiên, tất cả các vấn đề tự chủ năm 2019 có nhiều yếu tố chúng tôi không đánh giá được, chưa chuẩn bị một cách kỹ càng nhất về nhân lực vật lực và quan trọng nhất là tài chính. Do vậy, khi tự chủ thường xuyên đã nảy sinh 2 vấn đề: chi thường xuyên tăng vọt, lương. 

Hai năm qua, dịch bệnh bùng phát do vậy có những giai đoạn số lượng bệnh nhân của bệnh viện chỉ đạt 15%. Nguồn thu khó khăn đã ảnh hưởng tới đời sống của nhân viên, 6 tháng nay chỉ nhận được 50%. Do vậy cũng đã ảnh hưởng tới thái độ phục vụ người bệnh, tinh thần của nhân viên y tế", ông Bình chia sẻ.

Đề xuất tạm dừng tự chủ Bệnh viện Tuệ Tĩnh

PGS TS Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Học viện Y học Cổ truyền Việt Nam, cho biết thêm, bệnh viện Tuệ Tĩnh tự chủ từ năm 2019 -2020, khi thực hiện chi thường xuyên chủ động tăng nguồn thu, bệnh viện không đạt được kế hoạch như dự kiến. Chính vì vậy, nguồn thu của bệnh viện chỉ dành ưu tiên trả lương một số khoản chi nhất định, các chi thường xuyên khác phải tạm ứng từ bệnh viện và vay từ các nguồn khác để chi trả.

160 cán bộ y tế tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh bị nợ lương: Đề xuất tạm dừng tự chủ - Ảnh 3.

Bên ngoài Bệnh viện Tuệ Tĩnh. Ảnh: Gia Khiêm

Năm 2020, ảnh hưởng dịch bệnh, số lượng bệnh nhân tới khám giảm khiến nguồn thu sụt giảm. Tình hình tài chính của bệnh viện đã khó khăn lại càng thêm khó. Bệnh viện tiếp tục phải vay từ học viện để chi trả. Tính tới 31/12/2020, số tiền bệnh viện chi vượt quá là hơn 9 tỷ đồng.

Năm 2021, dịch bệnh, bệnh viện giãn cách và bệnh nhân giảm, tăng chi phí đảm bảo phòng chống dịch. Bệnh viện đã thực hiện nhiều cắt giảm, xin bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ từ công đoàn y tế, tuy nhiên, vẫn xảy ra tình trạng nợ lương trong 6 tháng vừa qua.

Theo ông Tuấn, với những khó khăn mà bệnh viện đang gặp phải, học viện đề xuất xin tạm dừng loại hình là đơn vị chi thường xuyên (tự chủ) sang tự đảm bảo một phần chi thường xuyên. Việc tạm dừng tự chủ sẽ giúp cho bệnh viện giải quyết được những khó khăn trước mắt, ổn định đời sống cho nhân viên y tế tập trung phát triển chuyên môn phục vụ người bệnh.

Các Cục, Vụ của Bộ Y tế phân tích quyết định xin tạm dừng tự chủ của bệnh viện là hợp lý trong giai đoạn khó khăn như hiện nay.

Tại cuộc họp ông, Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng đã chỉ ra 3 nguyên nhân khiến Bệnh viện Tuệ Tĩnh gặp nhiều khó khăn. Đầu tiên, thời điểm quyết định tự chủ bệnh viện đã chưa tính chưa sâu xa, bàn chưa kỹ hoặc bàn chưa đầy đủ. Thứ hai, bộ máy của bệnh viện có tới 27 đơn vị, gây ra tình trạng thu không đủ chi trả. Thứ ba, tác động của Covid-19 đã giảm nguồn thu của bệnh viện.

Ông Hiểu tiếp nhận đề xuất tạm dừng tự chủ của bệnh viện để tháo gỡ khó khăn trong giai đoạn hiện tại. Đồng thời, ông Hiển cũng yêu cầu Tổng Liên đoàn Bộ Y tế, bệnh viện, cần có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính, Chính phủ về những khó khăn của bệnh viện để được tháo gỡ.

Về phía Bệnh viện Tuệ Tĩnh cần phải điều chỉnh lại bộ máy tinh gọn. Bên cạnh đó, cần phải có kế hoạch truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về y học cổ truyền. Phải coi bệnh nhân là khách hàng và dùng mạng xã hội tiếp cận thân thiết với khách hàng, ông Hiểu nói.

Về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, GS Trương Việt Bình, nguyên Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, người thành lập ra Bệnh viện Tuệ Tĩnh không khỏi buồn lòng, ông nói "nhân viên y tế bệnh viện mà bị nợ lương thì khổ quá!"

160 cán bộ y tế tại BV Tuệ Tĩnh bị nợ lương: "Tại sao bệnh viện loại 2, nguồn thu ít lại xin tự chủ?" - Ảnh 2.

GS Trương Việt Bình, nguyên Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, người thành lập ra Bệnh viện Tuệ Tĩnh. Ảnh: NVCC

Theo GS Trương Việt Bình, thời điểm thành lập Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam bao gồm có cơ sở đào tạo đa cấp, bệnh viện, viện nghiên cứu, bộ phận chuyển giao công nghệ.

"Chúng tôi xây dựng Tuệ Tĩnh là bệnh viện thực hành đa khoa hoàn chỉnh chứ không phải là bệnh viện dịch vụ. Chính vì vậy tôi tập trung phát triển tất cả các chuyên khoa để cho sinh viên thực tập, học tập. Có những chuyên khoa không lợi thế như nội tiết chuyển hoá nhưng vẫn phải có khoa để sinh viên thực tập… Nhà nước cấp thuốc hoàn toàn, không mất tiền.

Chính vì vậy, tôi quyết định đầu tư xây dựng bệnh viện không lợi nhuận. Bệnh viện thực hành tốt phải đạt 3 tiêu chí cơ bản gồm điều trị cao nhất, hiệu quả đánh giá chuẩn mực đạo đức của người thầy thuốc vào trong thực tiễn. Thứ 2 chi phí bệnh nhân ít nhất, thứ 3 thời gian điều trị ngắn nhất", GS Trương Việt Bình cho hay. 

Ông Bình cho rằng, Bệnh viện Tuệ Tĩnh là bệnh viện loại 2, nguồn thu ít vì vậy không nên chuyển sang cơ chế tự chủ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem