17 FTA: Chính phủ là chủ thể ký kết, nhưng doanh nghiệp mới chính là chủ thể thực hiện và hưởng lợi

Huyền Anh Thứ sáu, ngày 31/12/2021 13:13 PM (GMT+7)
Việt Nam đã tham gia ký kết và đàm phán 17 hiệp định thương mại tự do với hơn 60 nước. Chính phủ là chủ thể ký kết, nhưng doanh nghiệp mới chính là chủ thể thực hiện và hưởng lợi từ các hiệp định này.
Bình luận 0

Đó là nhấn mạnh của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng nay 31/12.

Đóng góp xây dựng vị thế, cơ đồ đất nước

Phát biểu chỉ đạo Đại hội đại biểu toàn quốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nay với tên gọi mới là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong 2 năm vừa qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế-xã hội, sức khỏe, đời sống của nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh đó, cộng đồng doanh nghiệp đã nêu cao tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc làm và thu nhập cho người lao động; phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau cùng vượt qua thách thức; thể hiện tinh thần trách nhiệm, nghĩa cử cao đẹp của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đối với đất nước.

17 FTA: Chính phủ là chủ thể ký kết, nhưng doanh nghiệp mới chính là chủ thể thực hiện và hưởng lợi - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. (Ảnh: VCCI)

Cùng cộng đồng doanh nghiệp, vai trò, vị thế và uy tín của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ngày càng được khẳng định, đề cao.

"Với tư cách tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam, VCCI đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, có nhiều đóng góp tích cực, có tính lan tỏa cao, đóng góp vào thành công chung của đất nước", Thủ tướng nhấn mạnh.

"Qua 33 năm đổi mới, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế như hiện tại. Trong thành tích đó, có sự đóng góp quan trọng của VCCI, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Thay mặt Đảng, Nhà nước, tôi ghi nhận, biểu dương những nỗ lực và đóng góp tích cực của VCCI và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vào sự nghiệp phát triển của đất nước, của dân tộc", Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Theo đó, Người đứng đầu Chính phủ nhận định, VCCI đã tập hợp được đông đảo các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và tăng cường vai trò đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Hiện, VCCI đã có trên 200.000 doanh nghiệp hội viên, tăng 70,8% so với đầu nhiệm kỳ trước. Ban Chấp hành hoạt động hiệu quả với hơn 90 thành viên đại diện cho các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

VCCI cũng đã chủ động và tham gia tích cực vào việc xây dựng và hoàn thiện các chính sách quan trọng đối với doanh nghiệp như các nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, các nghị quyết của Bộ Chính trị liên quan đến doanh nghiệp, doanh nhân.

"Có nhiều đóng góp trong việc tham mưu, góp ý, tham gia xây dựng, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật - một trong ba đột phá chiến lược mà Đảng ta đã xác định, nhất là đối với các cơ chế, chính sách, quy định trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại. Chủ động rà soát, có nhiều kiến nghị trong việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân", Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, VCCI có những sáng kiến thúc đẩy quá trình thực thi chính sách, tích cực góp phần cải thiện môi trường kinh doanh như việc nghiên cứu và công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI.

Theo đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI trong 16 năm vừa qua tạo động lực và xung lực cho sự phát triển. Đây là việc làm đã được tổ chức lâu năm, có sự phối hợp với các tổ chức nước ngoài, đánh giá khách quan tạo ra sức cạnh tranh về sự minh bạch phục vụ doanh nghiệp của các tỉnh.

Đặc biệt, VCCI cũng tích cực dẫn dắt và thúc đẩy quá trình hội nhập của doanh nghiệp Việt Nam. Tổ chức nhiều diễn đàn kinh doanh quốc tế lớn như Diễn đàn Kinh doanh APEC, triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư có hiệu quả. VCCI cũng đã thiết lập được quan hệ hợp tác chặt chẽ với gần 200 tổ chức quốc tế để hỗ trợ các doanh nghiệp vươn ra thị trường toàn cầu…

17 FTA: Chính phủ là chủ thể ký kết, nhưng doanh nghiệp mới chính là chủ thể thực hiện và hưởng lợi - Ảnh 3.

Toàn cảnh Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Năm nhiệm vụ trọng tâm Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra cho VCCI

Tại Đại hội Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra 5 nhiệm vụ, đề nghị VCCI tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Một là, không ngừng xây dựng, củng cố VCCI thực sự trở thành tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam.

Hai là, ưu tiên và tham gia tích cực, góp phần ngày càng quan trọng vào thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh. Môi trường kinh doanh, khung khổ thể chế, pháp luật luôn là yếu tố tiên quyết cho sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế.

Ba là, thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp phát triển ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.

Bốn là, đẩy mạnh phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam với tinh thần đoàn kết, dân tộc, tự cường, tập trung giải quyết những vấn đề quan trọng của đất nước.

Năm là, dẫn dắt doanh nghiệp hội nhập thành công. Thời gian qua, Chính phủ đã rất tích cực ký kết các hiệp định thương mại tự do (15 Hiệp định), với hầu hết thị trường lớn, quan trọng nhất trong khu vực và trên thế giới, mở ra nhiều cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội.

"Chúng ta đã tham gia ký kết và đàm phán 17 hiệp định thương mại tự do với hơn 60 nước chúng ta mở cửa và phải tranh thủ cơ hội này", Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ là chủ thể ký kết, nhưng doanh nghiệp mới chính là chủ thể thực hiện và hưởng lợi từ các hiệp định này.

Năm 2021, dù tình hình kinh tế hết sức khó khăn, nhưng tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam vẫn đạt được con số kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay, gần 670 tỷ đô la Mỹ, tăng 22,6% so với 2020.

Tương lai của kinh tế Việt Nam là hội nhập và thực tế Việt Nam đã là quốc gia hội nhập rất sâu rộng với thế giới. Do vậy, Thủ tướng đề nghị VCCI cần tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp về thị trường, tìm kiếm bạn hàng, khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, xử lý và hỗ trợ khi có các tranh chấp trong quá trình hoạt động.

"Lớn mạnh nhưng phải vững mạnh, nhanh nhưng phải bền vững", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ Đại hội đại biểu toàn quốc VCCI lần thứ VII, sáng 31/12, một trong quyết định quan trọng đã được đưa ra đó là đổi tên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thành Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhưng giữ tên viết tắt VCCI.

Đại hội đã bầu Ban chấp hành khóa VII gồm 93 ủy viên, đại diện cho gần 200 ngàn doanh nghiệp, trên 220 hiệp hội doanh nghiệp hội viên trên toàn quốc.

Các ủy viên đồng thời là các lãnh đạo doanh nghiệp hoạt động trong các ngành kinh tế quan trọng của đất nước, trong đó có doanh nghiệp đầu ngành, với tổng doanh thu năm 2020 tương đương gần 100 tỷ USD, lợi nhuận ước khoảng 8 tỷ USD và lực lượng lao động trên 500 ngàn người.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem