Theo tờ trình do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (VPQH) Nguyễn Hạnh Phúc trình bày, thực hiện Nghị quyết 27 của Quốc hội, trong thời gian qua, Văn phòng Quốc hội đã chủ động phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam và một số cơ quan, tổ chức hữu quan để xây dựng đề án cụ thể về kênh truyền hình Quốc hội.
Trên cơ sở đó, VPQH trình ra 2 phương án. Phương án 1: Xây dựng kênh truyền hình Quốc hội tại Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV). Phương án 2: Xây dựng kênh truyền hình Quốc hội tại VPQH. Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: VPQH thiên về phương án 1 – giao cho VOV là cơ quan chủ quản của kênh truyền hình Quốc hội nhằm tận dụng các thuận lợi vốn có như sẵn hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm, độ phủ sóng rộng lớn, lại sẵn có chuyên mục “Quốc hội với cử tri” với 80 nhân sự trong biên chế và 120 cộng tác viên.
Tuy nhiên, hạn chế của phương án này là việc thành lập kênh truyền hình Quốc hội thuộc VOV sẽ phải do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Điều này lại mâu thuẫn với quy định của pháp luật: Quốc hội là cơ quan giám sát hoạt động của Chính phủ.
Thảo luận, nhiều thành viên UBTVQH tỏ ý băn khoăn về việc xác định ai là cơ quan chủ quản của kênh. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt câu hỏi: Phương án 2 thì tốn bao nhiêu tiền, kênh hoàn toàn độc lập, mua sắm mới thì hết bao nhiêu tiền, cần so sánh để lựa chọn? Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Hiện thắc mắc: Tại sao không nhờ VTV mà lại nhờ VOV? Chủ nhiệm VPQH giải thích: Chọn VOV bởi ưu thế hạ tầng và sự tích cực của lãnh đạo VOV trong chuẩn bị đề án.
Chốt vấn đề, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đồng ý với phương án mà VPQH đề xuất và cũng lưu ý kênh truyền hình Quốc hội VN phải đưa tin phong phú, không chỉ đưa tin hoạt động Quốc hội mà phải cả hoạt động của HĐND nữa.
Hải Phong
Vui lòng nhập nội dung bình luận.